Giải quyết áp lực đáo hạn trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quay cuồng trong áp lực đảo hạn trái phiếu, các doanh nghiệp tìm đủ hướng xoay vốn. Xung quanh câu chuyện giải quyết áp lực đáo hạn trái phiếu đang gia tăng mạnh trong quý II/2023, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có trao đổi với ông Mai Cường, Phó giám đốc Khối phát triển Kinh doanh Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVI AM).
Ông Mai Cường, Phó Giám đốc Khối phát triển Kinh doanh Công ty cổ phần quản lý quỹ PVI (PVI AM). Ông Mai Cường, Phó Giám đốc Khối phát triển Kinh doanh Công ty cổ phần quản lý quỹ PVI (PVI AM).

Theo Fiin Group đến quý II/2023, tổng dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ là 36,2 nghìn tỷ đồng. Theo ông, áp lực đáo hạn trái phiếu đang đè nặng lên doanh nghiệp ra sao?

Câu chuyện áp lực đáo hạn trái phiếu gia tăng đã được cảnh báo từ cuối năm 2022. Hiện nay, đã có một số lượng tương đối lớn doanh nghiệp trả nợ hoặc mua lại trái phiếu trước hạn nhưng trên thị trường cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp chưa trả hoặc không có tiền để trả khi đến thời hạn đáo hạn. Trong quý II/2023, những doanh nghiệp không có khả năng thanh toán sẽ gia tăng thêm. Sẽ có xu hướng nhiều doanh nghiệp gia hạn thời gian trả nợ bởi tổ chức đang không có tiền.

Theo ông, doanh nghiệp nên hóa giải áp lực trái phiếu bằng cách nào? Các phương án về dòng tiền trả nợ có khả thi không?

Để giải quyết áp lực này, không có cách nào khác là các tổ chức phát hành và nhà đầu tư ngồi lại với nhau đàm phán, xem hoán đổi bằng tài sản khác hay gia hạn thời gian chi trả.

Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, hiểu chuyện họ sẽ không gây áp lực quá nhiều lên tổ chức phát hành mà cùng thỏa thuận để đưa ra lộ trình thoái vốn hợp lý. Còn những cá nhân nhỏ lẻ, treo băng rôn khẩu hiệu làm căng, chỉ có thể bị mất tiền khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản.

Tất cả các rủi ro hiện nay trái chủ phải chịu, họ không có quyền quyết định số phận của mình khi nhà phát hành tuyên bố không có tiền trả nợ. Họ có tài sản nhưng tài sản không thanh lý được, hoặc với doanh nghiệp bất động sản, cổ phiếu bất động sản không bán được, thiệt hại cuối cùng vẫn là trái chủ.

Ở góc nhìn của một nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp, tôi cho rằng điểm sáng năm nay tăng trưởng tín dụng đang thấp, room tăng trưởng còn nhiều. Doanh nghiệp có thể vay vốn tái hoạt động kinh doanh có tiền để trả nợ cho trái chủ. Điều này còn tùy thuộc vào khả năng của doanh nghiệp có tài sản đảm bảo để vay không không. Nếu doanh nghiệp có ngân hàng đồng hành, mọi vấn đề sẽ dần được tháo gỡ. Những doanh nghiệp lớn, ngoài phần trái phiếu, họ còn đi vay ngân hàng để phát triển dự án, nên ngân hàng cũng sẽ phải "nhảy vào" để “cứu” doanh nghiệp, vì nếu không sẽ nhảy nhóm nợ, với nhiều hệ lụy, vì vậy cần có giải pháp đồng bộ.

Hiện nay, các tổ chức đang bán hết tài sản có thể bán được và đang đàm phán với các trái chủ gia hạn thời gian trả nợ. Cụ thể thỏa thuận như thế nào theo tùy từng trường hợp nhưng hai bên đều có thiện chí cùng ngồi lại với nhau trên cơ sở khung pháp lý là Nghị định 08 đã có.

Nghị định 08 mở ra kỳ vọng cho doanh nghiệp sớm giải quyết áp lực kể trên nhưng có ý kiến cho rằng Nghị định 08 mới chỉ là một bước đệm để xây dựng lại thị trường trái phiếu, cần thêm nhiều hành động hơn nữa đặc biệt hành động hỗ trợ thị trường. Ông đánh giá sao về tác động của Nghị định 08 và ý kiến trên?

Nghị định 08 được đánh giá sẽ giúp các tổ chức phát hành tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn, củng cố tâm lý nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại. Nhưng trong dài hạn, nếu khung pháp lý này được mở ra, sẽ có lo ngại về tính minh bạch của thị trường, đẩy rủi ro lên nhà đầu tư khi tổ chức phát hành không thực hiện đúng cam kết trả nợ và kéo dài thời gian trả nợ.

Tôi cho rằng, cần phải để những doanh nghiệp thực sự yếu kém phá sản, làm minh bạch thị trường. Hiện nay chúng ta đang cố gắng cứu thị trường nhưng 1-2 năm nữa thì sao, vấn đề này không trả lời được.

Tại thời điểm hiện tại chưa thấy có giải pháp rõ ràng để giải quyết triệt để. Nhà đầu tư vẫn là người chịu rủi ro khi doanh nghiệp đối diện với áp lực đáo hạn.

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 được ước tính ở mức 235 nghìn tỷ đồng. Trong đó các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn ở mức 100 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong hai quý sắp tới lần lượt là 36,3 nghìn tỷ đồng vào quý II và 35,4 nghìn tỷ đồng vào quý III.

Tính trên tổng giá trị TPDN phi tài chính đang lưu hành, tỷ lệ nợ xấu từ các lô trái phiếu được Fiin Ratings tính toán ở mức 11,3%. Riêng đối với các tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao hơn là 18,7%. Các doanh nghiệp này cũng có dư nợ vay ngân hàng và các nguồn vốn vay khác.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục