Nhu cầu vươn lên của người Việt chưa bao giờ ngừng lại

0:00 / 0:00
0:00
Những thế hệ người Việt Nam chắc chắn có đủ ý chí, bản lĩnh và năng lực để thực hiện thành công công cuộc cải cách, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.
Công nghệ đang đưa doanh nghiệp Việt Nam ngang tầm với các đối tác khu vực và thế giới Công nghệ đang đưa doanh nghiệp Việt Nam ngang tầm với các đối tác khu vực và thế giới

Câu kết trong Báo cáo Việt Nam 2035, cũng là khát vọng của từng người Việt về tương lai của đất nước.

"Công nghệ số góp phần đưa đất nước phát triển thịnh vượng vào năm 2045"

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, đất nước phát triển giai đoạn tới sẽ dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Lĩnh vực công nghệ số, hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế số, góp phần đưa Việt Nam thành nước phát triển thịnh vượng vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định các sứ mệnh mới cho ngành, định vị lại các định hướng cơ bản, mở ra các không gian mới cho ngành.

Tôi muốn nói thêm về cuộc đổi mới lần hai ngành viễn thông. Lần thứ nhất cách đây hơn 30 năm, là chuyển đổi thiết bị viễn thông từ thế hệ analog sang thế hệ số. Sau 30 năm, chúng ta đã giải quyết xong bài toán thông tin liên lạc cho toàn dân. Lần thứ hai này là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số, thành nền tảng của kinh tế số.

Một vài nền tảng có thể kể tên là nền tảng định danh số, nền tảng thanh toán số dựa trên Mobile. Đây là hai nền tảng căn bản nhất, đầu tiên nhất của kinh tế số, nhưng chỉ có nhà mạng viễn thông mới có thể làm nhanh nhất, phổ cập nhất.

Có thể coi, đổi mới lần hai này là sự chuyển dịch quy mô lớn nhất, thay đổi bản chất của ngành viễn thông, mở ra không gian mới vô cùng to lớn cho ngành viễn thông, lớn hơn rất nhiều lần không gian thông tin liên lạc. Ý nghĩa của ngành viễn thông đối với sự phát triển kinh tế của đất nước cũng vì thế mà lớn hơn rất nhiều. Cơ hội cũng lớn hơn rất nhiều. Thị trường cũng lớn hơn rất nhiều. Trách nhiệm cũng lớn hơn rất nhiều.

Ngành viễn thông đảm nhận một sứ mệnh mới, là hạ tầng, là nền tảng của một nền kinh tế Việt Nam hùng cường thịnh vượng.

Đặc biệt, những bài học của cuộc đổi mới lần một sẽ vẫn còn đúng. Đó là, hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, công nghệ phải hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, quyết sách sáng suốt có tầm nhìn xa, huy động mọi nguồn lực của thị trường, điều hành quyết liệt và qua thử thách này mà hình thành một thế hệ cán bộ giỏi cho đất nước.

"Sẽ trong top 50 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương"

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 đã vạch ra con đường đổi mới, xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thực tế đã chứng minh con đường đổi mới là đúng đắn, đưa đất nước thoát khỏi thời kỳ khó khăn về kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng cao, tích cực hội nhập với khu vực và thế giới.

Một trong những bước đi đầu tiên của công cuộc đổi mới nền kinh tế là đổi mới căn bản về tổ chức và hoạt động của hệ thống tài chính - ngân hàng. Ngày 26/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 53/1988/NĐ-HĐBT mở đường cho việc tổ chức lại hệ thống ngân hàng, tách chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh tiền tệ và giao chức năng kinh doanh này cho các ngân hàng chuyên doanh. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã dần phân rõ thành 2 cấp, hoạt động phù hợp với xu hướng trên thế giới.

Mô hình này ngày càng được hoàn thiện và phát triển theo quá trình hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường.

VietinBank luôn bám sát định hướng, chủ trương, chính sách để chủ động tổ chức hoạt động. Đến nay, VietinBank đã thực sự lớn mạnh. Chúng tôi xác định đến năm 2045 nằm trong top 10 ngân hàng hiệu quả hàng đầu ASEAN, top 50 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trên cơ sở đó, đóng góp thiết thực trong phát triển hệ thống ngân hàng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Lợi thế của Việt Nam không còn, không thể là tài nguyên, lao động giá rẻ"

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Damsan

Sự phát triển của nền kinh tế khiến nhiều thứ bây giờ khác xưa, kể cả doanh nghiệp, doanh nhân và tư duy về lợi thế, về cạnh tranh.

Chúng ta không thể cứ nghĩ, Việt Nam có lợi thế về tài nguyên, về lao động giá rẻ. Thực tế, lợi thế đó đã không còn. Trong ngành hàng dệt may, lĩnh vực Damsan hoạt động, giá lao động tại nhiều quốc gia khác như Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Campuchia và một số nước châu Phi… đã rẻ hơn Việt Nam nhiều.

Nhưng, chúng ta cũng phải nghĩ, lợi thế của Việt Nam không thể cứ là tài nguyên, lao động giá rẻ. Để có sức cạnh tranh, chúng ta phải nghĩ đến việc sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn. Máy móc thiết bị phải hiện đại, tính tự động hóa cao, tiêu hao ít năng lượng, chi phí sản xuất phải tiết giảm…

Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, thành lập Công ty Damsan vào năm 2006, tôi đã nghĩ về đường hướng của một doanh nghiệp tư nhân hiện đại, đó phải là đem đến cho thị trường những cái mới mẻ. Vì vậy, tôi quyết định đầu tư dây truyền công nghệ hiện đại nhất, tiên tiến từ Đức, Thụy Sỹ, Italia, Nhật Bản…

"Nhiều người trẻ đang muốn đóng góp nhiều hơn cho đất nước"

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Sau năm 1975, trong một cuộc họp với khối Đông Âu về quan hệ ngoại thương, có người đã hỏi tôi, sao trong lúc chiến tranh, khi nguồn lực tốt nhất, những con người khỏe mạnh nhất đều dành cho tiền tuyến, khi gần như không có thông tin, chính sách về liên kết, hợp tác với nước ngoài, họ vẫn nhìn thấy hàng của Việt Nam xuất khẩu sang. Tôi tin là họ nhìn thấy sự quả cảm, sức sống Việt Nam trong đó.

Sau này, kinh tế Việt Nam vượt qua đươc khủng hoảng, lạm phát ba con số trong thế cô lập, bị cấm vận, cũng bắt đầu từ những sáng kiến, sức sống không ngừng trong dân.

Dù giai đoạn đó, không chỉ thiếu thông tin, mà tư duy về phát triển, về thị trường của người dân và cả những người lãnh đạo đất nước còn hạn chế, nhưng ai cũng cố gắng để tìm kiếm cách thức tốt hơn, chấp nhận sáng kiến của người dân, chấp nhận phá rào, để từ đó đúc kết thành đường hướng phát triển của đất nước...

Có thể nói, công cuộc đổi mới của Việt Nam chính là sự gặp gỡ giữa sáng kiến của người dân và tư duy của những người lãnh đạo đất nước.

Hiện tại, thế hệ người Việt bây giờ học vấn tốt hơn nhiều, có cơ hội tiếp cận với thế giới, với công nghệ, xu hướng phát triển mới nhất. Nhiều người trẻ đang muốn đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Thế hệ người Việt trẻ có học vấn tốt hơn, có cơ hội tiếp cận với thế giới, với công nghệ, xu hướng phát triển mới nhất
Thế hệ người Việt trẻ có học vấn tốt hơn, có cơ hội tiếp cận với thế giới, với công nghệ, xu hướng phát triển mới nhất

Bộ máy nhà nước cũng vậy, có thể có nhiều điều phải bàn, nhưng thực sự có năng lực, có điều kiện để làm theo cách khác tốt hơn. Tôi nói vậy vì đã thấy, cũng người nhà nước đó, đi ra ngoài làm và thành công.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh, nhìn lại trong 184 khuyến nghị cụ thể trong Báo cáo Việt Nam 2035, vẫn thấy thực hiện được chưa nhiều.

Lúc này, điều mong muốn nhất vẫn là hành động, Nhà nước chủ động thực thi với quyết tâm chính trị là thực hiện bằng được đường hướng đã vạch ra.

"Sự chân thành, đau đáu của từng người sẽ làm nên thành quả của đất nước"

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

Tôi mới có dịp gặp một số chuyên gia người Thái Lan. Họ nói, đang nhìn Việt Nam để liên hệ với những gì Chính phủ Thái Lan đang làm. Họ nói về tốc độ tăng trưởng nhanh, tinh thần cải cách tốt với hàm ý tin tưởng Việt Nam nói được, làm được. Họ cũng nói về sự dũng cảm khi thể chế chưa đủ mạnh, nguồn lực chưa đủ lớn, năng lực cạnh tranh còn yếu, nhưng Việt Nam vẫn tham gia các hiệp định chất lượng cao nhất, cả CPTPP, EVFTA...

Tôi đã nói với họ, Việt Nam cũng đang nhìn về Thái Lan để cải thiện sức cạnh tranh của mình, nói đến các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu vào nhóm ASEAN 4...

Rõ ràng, đất nước nào cũng có vấn đề của mình, điều quan trọng, chúng ta nhận diện đúng, đủ, đa chiều và lựa chọn cách sửa mình.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn, chúng ta đã nhận diện được, đặt ra nhiều việc, nhiều vấn đề phải cải cách, nhưng sao làm chậm, kết quả còn xa so với chúng ta kỳ vọng, mong muốn. Ở đây, có hai vấn đề then chốt.

Một là, chúng ta chưa thực sự đau đáu đặt lên bàn để chọn ra cái ưu tiên đột phá, hoặc có bày ra, nhưng chưa đau đáu để thực hiện.

Hai là, ý chí chính trị và tính quyết liệt. Một thể chế đang chuyển đổi rất cần cam kết chính trị, bên cạnh điều chúng ta hay nói đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Thêm nữa, Việt Nam vẫn là nền kinh tế chuyển đổi, tức là thể chế chưa hoàn thiện theo thể chế thị trường, khiến cải cách hiện nay kiểu đèn vàng, đi cũng được không đi cũng được, thậm chí đi còn sai luật, nên có sự ngần ngừ, không quyết liệt.

Ông David Dollar, chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã từng viết chính sách tốt hay thời cơ tốt khi nói về cải cách kinh tế của Việt Nam. Hàm ý là cải cách của Việt Nam có sự chuẩn bị về chính sách, nhưng cũng có cả sự may mắn theo nghĩa thời điểm, gồm thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Lúc này là thời điểm chúng ta thúc đẩy cải cách tiếp theo, để Việt Nam đạt được khát vọng thịnh vượng.

"Tự hào vì không thua kém bạn bè trong khu vực"

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk

Chặng đường xây dựng phát triển Vinamilk sau cổ phần hóa là chặng đường song hành cùng sự phát triển của đất nước.

Công ty Sữa - Cà phê Việt Nam, tiền thân của Vinamilk ra đời trong bối cảnh đất nước vừa thống nhất. Sau chiến tranh, ngành sữa Việt không có gì, kể cả đàn bò. Máy móc, thiết bị cũ, mọi nguyên liệu đều phải ngoại nhập. Có 2 nhà máy công suất thiết kế 196 triệu tấn một năm, nhưng thực tế, Vinamilk chỉ sản xuất 8 triệu tấn. Một nhà máy phải đóng cửa vì không có nguyên liệu.

Lúc bấy giờ, động lực lớn nhất mà tất cả nhân viên dồn tâm trí và sức lực xây dựng ngành sữa Việt Nam chính là làm sao để tạo nguồn dinh dưỡng phát triển thể lực trí tuệ, tầm vóc thế hệ trẻ. Điều đó luôn thôi thúc chúng tôi tiếp tục lao động, sáng tạo trong suốt 44 năm qua.

Từ sau cổ phần hóa, vốn điều lệ Vinamilk đã tăng 11 lần, vốn chủ sở hữu tăng 16 lần, tổng tài sản tăng 17 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 20 lần so với trước cổ phần hóa.

Hiện nay, vốn hóa thị trường của Vinamilk là khoảng 9 tỷ USD, tăng 90 lần so với trước cổ phần hóa. Vinamilk có hệ thống 12 trang trại đạt chuẩn quốc tế và 13 nhà máy chế biến hiện đại trải dài khắp đất nước nhằm bảo đảm việc cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng cả nước.

Công ty đã xuất khẩu đi hơn 53 nước, các công ty con và liên kết ở nước ngoài. Đó là giác độ công ty sau khi cổ phần hóa.

Đứng giác độ Nhà nước, từ nguồn vốn ban đầu chỉ là 100 triệu USD, sau các đợt bán vốn, Nhà nước đã thu về hơn 1 tỷ USD, cổ tức 960 triệu USD mà vốn Nhà nước hiện tại ở Vinamilk vẫn còn 3,2 tỷ USD. Theo đó, giá trị tiền của Nhà nước cũng đã tăng 52 lần so với trước cổ phần hóa.

Hiện tại, Vinamilk đã ứng dụng hiệu quả nhiều công nghệ vào việc quản lý như hệ thống ERP tiên tiến, cảm ứng điện tử theo dõi sức khỏe đàn bò, công nghệ xử lý chất thải đạt chuẩn quốc tế… Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tự nhắc nhở bản thân luôn cập nhật với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Không riêng tôi, mà tập thể Vinamilk rất tự hào vì xây dựng được một ngành công nghiệp sữa Việt Nam không thua kém bạn bè trong khu vực, thiết lập hệ thống chăn nuôi bò sữa vốn là mong ước từ lâu nay đã thành hình. Bởi tự chủ được nguyên liệu sẽ chủ động trong sản xuất, giá thành...

Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự phát triển của nền kinh tế đất nước và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao đối với các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng, thập kỷ tiếp theo của Vinamilk tiếp tục là một thập kỷ của tăng trưởng bền vững và hướng đến mục tiêu 30 công ty sữa lớn nhất thế giới.

"Hy vọng sẽ sớm thấy được khung khổ pháp lý hoàn chỉnh cho fintech"

Ông Nguyễn An Nguyên, Sáng lập và CEO Công ty Trusting Social

Chúng tôi là đơn vị hoạt động trong ngành chấm điểm tín dụng và đang có quy mô lớn nhất ở châu Á, bao gồm hơn 500 triệu người tiêu dùng trên khắp Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Trước khi hướng đến mục tiêu phát triển tại các thị trường trên 100 triệu dân, như châu Phi, Mỹ la tinh, năm nay, Trusting Social kỳ vọng trở thành nhà cung cấp lớn nhất thế giới, với 1 tỷ hồ sơ rủi ro tín dụng.

Thị trường fintech tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang trong giai đoạn đột phá và phát triển. Ở Việt Nam, fintech có tiềm năng vì có dân số trẻ, tinh thần khởi nghiệp cao hơn so với các quốc gia khác, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có khả năng sử dụng ứng dụng công nghệ, ngoại ngữ tốt.

Tuy nhiên, hạ tầng cho phát triển hệ sinh thái fintech tại Việt Nam còn yếu. Ví dụ, trong khu vực, nhiều quốc gia có hệ thống xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) rất phát triển, thanh toán liên ngân hàng có phí gần như bằng không.

Chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm thấy được khung khổ pháp lý hoàn chỉnh cho fintech. Có khuôn khổ pháp lý mới có cơ sở thay đổi thị trường thanh toán và cho vay, hỗ trợ cho người tiêu dùng, những người dân ở khu vực vùng sâu vùng xa chưa tiếp cận được nguồn vốn với chi phí thấp ở Việt Nam.

"Không ngại "cọ xát" để môi trường kinh doanh thông thoáng hơn"

Ông Trần Văn, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII

Một chiều tháng 5/2020, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức lấy ý kiến chuyên gia về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP). Bên ngoài trời nắng như đổ lửa, trong phòng họp không khí còn nóng hơn, bởi độ khó của một dự án luật chưa từng có tiền lệ, nhưng lại là yêu cầu bức thiết của quá trình phát triển.

Một quy định rất quan trọng là cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, cũng như bảo vệ quyền lợi của Nhà nước thông qua việc chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu của dự án vẫn chưa thể thuyết phục được nhiều vị có mặt tại cuộc tham vấn. Nhiều ý kiến nói, khi đã đấu thầu rộng rãi, ký kết hợp đồng dự án quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên thì việc "lời ăn, lỗ chịu” là đương nhiên. Bởi thế, tổ soạn thảo luật đã khá vất vả để trình bày sự cần thiết cũng như tính khả thi của quy định mới đó.

Về sau, khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, cơ chế chia sẻ rủi ro tại Luật PPP được các nhà đầu tư đánh giá rất cao.

Câu chuyện trên chỉ là một trong hàng trăm ví dụ về sự "cọ xát" trong quá trình hoàn thiện các dự án luật, nhất là các luật về kinh tế. Sự "cọ xát" trên cũng hết sức nhẹ nhàng, nếu so với một số buổi thẩm tra luật, cũng do Ủy ban Kinh tế chủ trì, kéo dài đến sau 19h với những tranh cãi hết sức gay gắt. Đôi khi, đại diện cơ quan trình và một vài vị tại cơ quan thẩm tra "nặng lời" với nhau, vì quan điểm va nhau chan chát.

Tôi đã chứng kiến các cuộc họp bất kể ngoài giờ, ngày nghỉ, hay ngay trong kỳ họp Quốc hội giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với cơ quan chủ trì thẩm tra và các ủy ban của Quốc hội. Quá trình này chính là quá trình cọ xát không ngừng, đôi khi đến mức "nảy lửa" giữa các cơ quan tham gia soạn thảo, giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra mà không phải nội dung nào cũng đi đến thống nhất. Một số nội dung lớn chỉ có thể có lời giải sau khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến.

Song, chúng tôi xác định, đây là việc cần phải làm, vì dù là ban hành mới, sửa đổi toàn diện hay sửa đổi bổ sung một số điều, thì các luật về kinh tế đều là những luật khó vì ảnh hưởng sâu rộng, trực tiếp, cụ thể đến hoạt động kinh tế, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.....

Nhóm PV
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục