Từ bài học lịch sử sống động
Chiều cuối tuần qua, Phòng trưng bày chuyên đề Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đón một nhóm bạn trẻ. Các em là học sinh trung học phổ thông và du học sinh từ Mỹ trở về, tham quan phòng trưng bày "Ngày Độc lập 2/9".
Nhiều tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Lễ tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình Quốc kỳ, Quốc ca, bản Hiến pháp đầu tiên, bộ sưu tập tiền đầu tiên của Chính phủ mới, tem thư… và bút tích của các nhân chứng lịch sử được trưng bày trong gian phòng.
Chăm chú đọc từng dòng chú thích, ngắm nghía những bức ảnh về một thời gian khó và hào hùng của dân tộc, các bạn trẻ không khỏi xúc động và tự hào.
Đặc biệt, hai cuốn sổ tay ghi chép các công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 2/9/1945 đến ngày 17/10/1945 đã gây ấn tượng mạnh với các bạn trẻ.
Vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ là những người đã được lịch sử ghi danh với những đóng góp quý giá cho một giai đoạn đặc biệt quan trọng của đất nước. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô là nơi Bác Hồ sống và làm việc trong hơn một tháng sau khi từ chiến khu Việt Bắc trở về. Nơi đây, Người đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập.
Ông bà cũng tích cực đóng góp tiền của và công sức cho Cách mạng. Tính đến trước Cách mạng Tháng Tám, gia đình ông bà đã ủng hộ 8,5 vạn đồng Đông Dương, tương đương 212,5 cây vàng theo thời giá bấy giờ cho Cách mạng.
Sau Cách mạng, ông bà được tiến cử vào Ban vận động Quỹ Độc lập. Bà Hồ đã ủng hộ Quỹ tiếp 20 vạn đồng, tương đương với 500 lạng vàng và vận động thêm cho Quỹ được hơn 1 triệu đồng Đông Dương.
Ngắm những bức ảnh và đọc trang viết của bà Lê Thi, người kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9, cậu học sinh Nguyễn Quốc Cường cho biết, em có thể mường tượng ra quang cảnh thật hào hùng của ngày hôm đó.
Bà Thi kể: “Khi bài Quốc ca vang lên là lúc lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên, Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên lễ đài trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình… Lúc đó, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vui sướng, nước mắt bỗng ứa ra vì xúc động xen lẫn tự hào”.
Trong gian phòng của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nhiều tư liệu, hiện vật về hoạt động quyên tiền cho Quỹ mua súng của Việt Minh, Ngày xuân vì nước; tín phiếu “Tổ quốc ghi tên” Mặt trận Việt Minh cấp cho người dân ủng hộ Quỹ Cứu quốc, có đóng dấu Bộ Tài chính Việt Minh, năm 1945; những vật dụng sinh hoạt đời thường được dùng làm vũ khí như gậy tầm vông, giáo mác, dao găm… cho thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử, về lòng yêu nước nồng nàn, khát khao độc lập của nhân dân ta.
Và dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh, mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giai cấp, đã đoàn kết một lòng, tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, giành độc lập cho dân tộc.
Việt Nam đang trở thành điểm đến được nhà đầu tư và du khách quốc tế lựa chọn. Ảnh: Shutterstock |
“Những câu chuyện lịch sử giúp thế hệ trẻ chúng em trân trọng hơn cuộc sống độc lập, hòa bình hôm nay và cũng cảm thấy tự hào về dân tộc, về con người Việt Nam. Từ đó, chúng em thấy mình cần học tập, trau dồi tốt hơn để ít nhất trở thành một công dân tốt”, Hà My, sinh viên Đại học Văn hóa chia sẻ.
Đến khát vọng về một Việt Nam hùng cường
“Chúng ta kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, đặc biệt là đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng, dẫn đến tái cấu trúc trên phạm vi toàn cầu. Khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn, đang thôi thúc chúng ta hơn bao giờ hết”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã viết trên tờ Tuổi Trẻ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một đất nước muốn thịnh vượng trong tương lai thì ngay từ hôm nay đừng quên giải quyết những vấn đề bức xúc, ngăn chặn những nguy cơ có thể xảy đến.
Các tập đoàn tư nhân lớn mạnh góp phần giúp Việt Nam trở thành một nước hùng cường |
Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 136 trong số 188 quốc gia về thu nhập trung bình, cần 6 năm để đuổi kịp Philippines, 14 năm để đuổi kịp Thái Lan và cần tới 40 năm để ngang bằng Hàn Quốc... Đó là phép so sánh mang tính tương đối, vì ta đang “đuổi theo” nhưng không ai đứng đợi mình, muốn đuổi kịp và vượt lên thì phải đi thật nhanh, thậm chí phải chạy cật lực.
Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ năng lực sáng tạo, làm chủ công nghệ nguồn, công nghệ lõi nên rất khó liên kết với doanh nghiệp đến từ các nước phát triển. Nền kinh tế vẫn dựa vào vốn, lao động giá rẻ, gia công và khai thác tài nguyên (nhưng tài nguyên thì dần cạn kiệt, đến than đá đã phải nhập khẩu cho một số nhà máy nhiệt điện). Nền nông nghiệp hướng đến công nghệ cao, nhưng hiệu quả lại chưa cao.
Khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn, đang thôi thúc chúng ta hơn bao giờ hết
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Nhìn vào những tồn tại, yếu kém không phải là bi quan, “chào thua”. Đây là thời điểm có tính bước ngoặt trong lịch sử nhân loại, khi thế giới đang được sắp đặt lại bởi khủng hoảng do đại dịch Covid-19, chính là thời cơ ngàn năm có một để Việt Nam trỗi dậy.
Tự hào về lịch sử, thế hệ hôm nay chắc chắn có đủ tự tin và sức mạnh để làm nên những điều kỳ diệu trong phát triển đất nước.
Một số doanh nghiệp Việt Nam ở các lĩnh vực như dịch vụ, thương mại, bất động sản, tài chính... đã thành công, có quy mô thị trường, có nguồn lực về tài chính và quản trị, có tinh thần khởi nghiệp đã đầu tư vào phát triển công nghệ, công nghiệp, hình thành nên các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có quy mô lớn.
Nói như lời Giáo sư Phan Văn Trường, một người Việt thành danh trong môi trường kinh doanh toàn cầu: “Đây là trách nhiệm đối với đất nước, đối với sự hưng thịnh của đất nước, nhưng cũng là cho tương lai của chính những công ty này”.
Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một tăng khi lần thứ 2 đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc |
Một đất nước hoá rồng cũng phải mất nhiều thập kỷ. Sự chuyển đổi lớn nhất là sự chuyển đổi của tất cả mọi người trong xã hội. Đó có thể là câu chuyện của giáo dục, như Tiến sỹ Hùng Trần chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán từ California (Mỹ).
Chúng ta đặt ra một khát vọng, một tầm nhìn, và chúng ta có niềm tin vào tương lai Việt Nam, niềm tin vào sự cường thịnh của đất nước. Đó cũng là trăn trở và quyết tâm bước lên phía trước, đẩy lùi nhiều thách thức để giành được chiến thắng trên các “mặt trận” kinh tế, giáo dục, y tế… của nhiều thế hệ người Việt hôm qua và hôm nay.