Hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc

Dân tộc Việt Nam từ thuở khai sinh lập địa đã có ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc và trong lao động sáng tạo để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc

Vua Đinh Bộ Lĩnh khi thống nhất sơn hà đã đặt tên nước ta là Đại Cồ Việt vào năm 968 (Đại là to, Cồ cũng là lớn) để khẳng định nước Việt là nước lớn, thể hiện ý chí và khát vọng của dân tộc xây dựng Tổ quốc hùng cường. Trong “Việt Nam văn minh sử cương”, Lê Văn Siêu giải thích: “Đại Cồ Việt có nghĩa là nước Việt rộng lớn trông suốt cả bốn cõi hay tám cõi theo lối hiểu ngày xưa, ấy là cái cao vọng của người không những muốn thống trị, mà còn muốn bành trướng thế lực ra tám cõi nữa”. Ý tưởng đó còn được ghi trên câu đối tại đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư: Tổ Việt quốc vương Tống Khai Bảo/ Hoa Lư đô thị Hán Trường An (Nước cổ Việt ngang hàng với nhà Tống thời Khai Bảo/ Kinh đô Hoa Lư như Tràng An của Nhà Hán).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã di chúc cho các thế hệ người Việt Nam: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

1. Hơn lúc nào hết, vào thời khắc thiêng liêng đón Xuân Canh Tý, dân tộc Việt Nam quyết biến khát vọng của tổ tiên thành hiện thực, hướng tới quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 và thu nhập cao vào năm 2030.

Từ khi nước ta vượt qua ngưỡng nước có thu nhập thấp năm 2011 đến nay đã 9 năm; với mức tăng trưởng bình quân dưới 7%/năm giai đoạn 2011- 2019 thì năm nay, GDP/người đạt khoảng 3.000 USD, thấp hơn nhiều so với Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Đuổi kịp trình độ phát triển của các nước phát triển trong ASEAN là cột mốc đầu trên con đường tiến lên những nấc thang cao hơn trong quá trình biến khát vọng thịnh vượng của dân tộc thành hiện thực.

Bước sang năm cuối của Chiến lược 2011 - 2020, một mặt, tình hình chính trị, kinh tế và thị trường thế giới biến động khó lường, nhiều khiếm khuyết về kinh tế - xã hội của nước ta chậm được khắc phục, tạo nên thách thức lớn đối với quá trình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh và bền vững. Ví dụ, mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, dựa trên khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao không ngừng năng suất và hiệu quả kinh tế - xã hội, năng lực cạnh tranh quốc gia được đề ra từ đầu thế kỷ XXI, nhưng đã gần hai thập niên vẫn chưa làm được. Giai đoạn 2011 - 2019, tích lũy trong nước chỉ 24%/GDP, trong khi vốn đầu tư xã hội/GDP là 33,5%, tăng trưởng kinh tế 75% dựa vào vốn, tạo ra gánh nặng nợ quốc gia.

Mặt khác, nước ta đã tạo lập được tiền đề kinh tế, công nghệ, nhân lực, năng lực nội sinh đã gia tăng, tạo điều kiện để hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội, thực hiện đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước, quản trị và kinh doanh của doanh nghiệp, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi sang nền kinh tế số, chính phủ điện tử, chính phủ số. Vị thế đất nước trong ASEAN, ở châu Á và trên thế giới được nâng cao. Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm 2019, có kim ngạch thương mại quốc tế 517 tỷ USD, thuộc top nước có kim ngạch thương mại lớn nhất toàn cầu, thu hút FDI đứng thứ 18 các nước trên thế giới, tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA) mới. 

Khát vọng thịnh vượng của dân tộc phải được mỗi người Việt Nam nuôi dưỡng bằng lao động sáng tạo để đóng góp vào mục tiêu chung.

Từng làm việc tại British Telecom, Singapore, năm 2008, doanh nhân Trần Đăng Khoa trở về Việt Nam với ước mơ trở thành doanh nhân, diễn giả. Anh  viết cuốn sách đầu tay của mình mang tên: “Sống và khát vọng” diễn đạt khát vọng sáng tạo, khát vọng vươn lên của một người Việt trẻ.

Anh nhận xét: “Tôi tin rằng, khát vọng Việt Nam trở thành một đất nước giàu mạnh là khát vọng to lớn và là chặng đường rất dài với rất nhiều khó khăn thử thách và thay đổi. Tuy nhiên, đó chắc chắn không phải là điều viển vông, vì nếu là viển vông thì không có nhiều người có tâm, có tài và có tầm vẫn ngày ngày nỗ lực vì điều đó. Làm được hay không là chuyện của tương lai; điều quan trọng là chúng ta tập trung vào hiện tại rằng: Liệu chúng ta có đang nỗ lực hết mình vì khát vọng đó hay không(?).

2. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chính phủ các nước cần nhận thức hơn bao giờ hết về sự cần thiết của chiến lược phát triển nền kinh tế số để gia tăng lợi ích và đối phó với các thách thức chính như thất nghiệp, tình trạng bất bình bằng và đói nghèo.

Kinh tế số là một trong những ưu tiên của ASEAN với mục tiêu trở thành một trong 5 nền kinh tế số hóa trên thế giới trước năm 2025, dựa trên những lợi thế không nhỏ: dân số hơn 600 triệu người, trong đó 94% người dân biết chữ, 50% dân số dưới 30 tuổi, khoảng 90% số người dưới 30 tuổi tiếp cận Internet.

Dự báo nền kinh tế số có thể làm cho GDP của ASEAN tăng thêm 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tiếp theo.

Nước ta có lợi thế trong việc tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Thứ nhất, Việt Nam là nước đang phát triển nên không chịu gánh nặng quá lớn của hệ thống sản xuất cũ, nên chi phí ít hơn khi chuyển sang kinh tế số so với nước phát triển.

Thứ hai, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng. Theo số liệu thống kê tháng 3/2019, Việt Nam có 64 triệu người (65,7% dân số) sử dụng Internet, 50 triệu người (51,8% dân số) dùng facebook; số lượng và chất lượng người Việt Nam làm việc về trí tuệ nhân tạo (AI) ở trong nước và trên thế giới không có sự khác biệt lớn với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thứ ba, mạng 3G, 4G đã phủ sóng trên phạm vi cả nước, mạng 5G đang được xây dựng và vận hành vào năm 2020.

Thứ tư, Việt Nam đã có 30.000 doanh nghiệp phần cứng, phần mềm nội dung số và dịch vụ ICT, năm 2017 đạt doanh thu 91,6 tỷ USD, gấp 12 lần 2007 (7,6 tỷ USD).

Thứ năm, quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc từng bước xây dựng khung khổ pháp lý cho nền kinh tế số.

Vấn đề quan trọng nhất là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kinh tế số trong quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp.

Chính phủ cần khuyến khích ý tưởng mới và sáng tạo trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số; tạo không gian thử nghiệm đi đôi với hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển nền kinh tế số. Các ứng dụng công nghệ số là đòn bẩy thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các cá nhân và doanh nghiệp, do vậy, cần có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Chính phủ với tư duy quản lý thông thoáng nhằm “cởi trói” cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính phủ cần hoàn thiện thể chế để cùng khu vực tư nhân đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, dịch vụ 5G, ứng dụng các giải pháp công nghệ số hiện đại như Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ robot, thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc ảnh 1

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin theo phương châm xã hội hóa giáo dục, cập nhật giáo trình đào tạo công nghệ thông tin gắn với các xu thế công nghệ mới, liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và doanh nghiệp để gắn việc học lý thuyết với rèn luyện tay nghề.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tính toán theo mô hình Công ty Oxford’s Global Economics dựa trên hai nguồn: 1) doanh nghiệp gắn với hiệu quả chi phí và sản phẩm, dịch vụ mới; 2) các ngành nghề mới xuất hiện trong cách mạng công nghiệp 4.0. Kết quả so với chỉ có cải cách đơn thuần thì tùy theo ba kịch bản (thấp, trung bình và cao), việc chuyển đổi sang nền kinh tế số có thể làm cho GDP của nước ta tăng thêm từ 28,5 đến 62,1 tỷ USD, tương đương 7 - 16% GDP đến năm 2030. 

3. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực vào ngày 14/1/2019. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn với thuế suất thấp hơn, nhất là các thị trường mà nước ta chưa ký kết hiệp định tự do thương mại như Canada, Mexico và Peru… Dự báo, tác động của CPTPP với Việt Nam vào khoảng 1,3% GDP. Nếu mở cửa lớn hơn về dịch vụ, thì mức tăng trưởng GDP có thể là 2,1%.

Kết quả bước đầu rất khả quan, 6 tháng đầu năm 2019, thương mại của Việt Nam với một số nước là thành viên của CPTPP đã tăng lên rõ rệt, với Canada đã tăng trên 70%, với Mexico tăng trên 8%.

Trong tổng số khoảng 500 giấy chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi về thuế cho sản phẩm xuất khẩu vào thị trường CPTPP mà Bộ Công thương cấp cho doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2019 thì có tới 90% là hàng hóa xuất sang thị trường Canada và Mexico.

Theo cam kết của Canada, CPTPP có hiệu lực, 42,9% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào Canada có thuế 0% từ năm đầu tiên và 57,1% kim ngạch có thuế 0% vào năm thứ 4. Thuỷ sản được xem là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Canada, năm 2019 vượt xa mốc 240 triệu USD của năm 2018, do 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã được hưởng thuế suất 0% từ ngày CPTPP có hiệu lực.

Mexico là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại Mỹ Latinh sau Brazil và Argentina. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 2,24 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mexico là điện thoại, giày dép, máy tính, hàng dệt may. Mexico cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ 14/1/2019, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Hiệp định FTA EU - Việt Nam (EVFTA) được xem là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Thị trường EU mở cửa cho Việt Nam ở mức độ rất cao với số dòng thuế được giảm tới hơn 90%, hầu hết các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào EU đều được giảm thuế với tốc độ nhanh, sau 7 năm thì tất cả các mặt hàng đều được hưởng thuế suất 0%. Việt Nam cũng có cơ hội được nhập khẩu máy móc, thiết bị tốt hơn từ EU.

Quan trọng hơn là CPTPP và EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện thể chế để đáp ứng các cam kết với các đối tác của hai hiệp định này, phải cải cách nền hành chính quốc gia, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi, đòi hỏi doanh nghiệp phải cải tiến quản trị doanh nghiệp, đầu tư đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cán bộ quản trị doanh nghiệp và người lao động.

4. Kinh nghiệm của hơn 30 năm nước ta chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cho thấy, để vượt qua thách thức, đồng thời tranh thủ thời cơ mới mà giai đoạn nào cũng xuất hiện thì nhân tố quyết định là cải cách đồng bộ thể chế kinh tế và thể chế chính trị một cách liên tục, không ngừng để tạo ra chuyển biến trong tương lai. Lúc nào, ở đâu lơ là cải cách thể chế thì lúc đó và ở đó nảy sinh trì trệ, tiêu cực, tệ nạn xã hội.

Trong cuốn sách của Acemoglu và Bobison “Tại sao các quốc gia thất bại” (2012) đã nhận xét: Nhiều nước chưa thoát khỏi tình trạng kém phát triển vì thực hiện không thành công các cuộc cải cách thể chế.

Cải cách thể chế kinh tế tạo điều kiện phân bố nguồn lực hợp lý và hiệu quả, thì cải cách thể chế chính trị, thông qua phân bố cán cân quyền lực chính trị của xã hội, bảo đảm việc lựa chọn thể chế kinh tế trong tương lai.

Việc tiến hành cải cách thể chế kinh tế trước một bước theo phương châm “dò đá qua sông” là phù hợp với thực tiễn của đất nước khi chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, không gây ra cú sốc về xã hội như một số nước. Tuy vậy, việc chậm tiến hành cải cách thể chế chính trị đã tác động không thuận chiều đến cải cách thể chế kinh tế. Do vậy, cùng với tiếp tục cải cách thể chế kinh tế theo hướng xây dựng kinh tế thị trường hoàn chỉnh với sự tham gia bình đẳng trước pháp luật của nhiều thành phần kinh tế trong môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, khuyến khích sáng tạo của doanh nhân, người lao động..., thì cần đẩy nhanh cải cách để hình thành thể chế chính trị dung hợp, theo đó nhà nước chỉ tập trung quyền lực ở một số yếu tố nền tảng xã hội; đồng thời giảm bớt quyền lực bằng cách phân bố cho các nhóm trong cộng đồng dân cư.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế thì tốc độ và thời gian để đạt được khát vọng thịnh vượng của dân tộc tùy thuộc vào cải cách thể chế chính trị và thể chế kinh tế. Có thể nêu lên hai kịch bản gắn với nhân tố cải cách để tận dụng có hiệu quả hai yếu tố mới là chuyển đổi sang nền kinh tế số và thực hiện thành công FTA mới: 1) Kịch bản tăng trưởng như năm nay khoảng 7%/năm do cải cách chậm và thiếu đồng bộ; 2) Kịch bản tăng trưởng nhanh 8-9% do cải cách nhanh và đồng bộ. Với kịch bản sau, đến năm 2030, Việt Nam có thể gia nhập nhóm nước có thu nhập cao, trên 10.000 USD/người.

Khát vọng thịnh vượng của dân tộc phải trở thành khát vọng cháy bỏng của mỗi người Việt Nam bằng lao động sáng tạo để đất nước nhanh chóng đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

GS-TSKH. Nguyễn Mại
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục