Khát vọng thịnh vượng chảy trong từng người dân Việt

Khi cả tỷ phú và những người không có nhiều tiền đều hiểu rõ vị trí của mình, trân trọng những đồng tiền, giá trị được làm ra cho xã hội, thì sự phồn vinh, thịnh vượng thực sự sẽ đến.
Du lịch phát triển đã góp phần cải thiện đời sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: khu chợ cạnh Nhà thờ đá Sapa. Ảnh: C.C Du lịch phát triển đã góp phần cải thiện đời sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: khu chợ cạnh Nhà thờ đá Sapa. Ảnh: C.C

Ước mơ của Tẩn Thị Su

Giữa Hà Nội, trong hội trường rộng, tường màu vàng chanh đơn điệu ở 68 - Phan Đình Phùng của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chiếc váy sặc sỡ dân tộc Mông khiến Tẩn Thị Su trở nên cuốn hút.

Nhưng, những ánh mắt và sự tập trung của các chuyên gia nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và cả đại diện chính quyền địa phương hướng vào Su không chỉ bởi sự khác biệt đó.

“Chúng tôi đang đầu tư các homestay ở trong bản, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ cho vay 50 triệu đồng. Thực tế, nếu được vay 100 - 200 triệu đồng thì mới hiệu quả”, Tẩn Thị Su nói.

“Chúng tôi” mà Su nhắc đến là Su và những thanh niên ở Lao Chải (Lào Cai), những người đã đến với Su, học cách làm ăn để không phải xuống núi kiếm ăn. Một số người đã đi cùng Su từ Sapa về Hà Nội để cùng có ý kiến, vì 18 khu homestay đã được kết nối, nhưng để đón khách du lịch, họ cần đầu tư nhà vệ sinh, làm thêm cánh cửa, làm cả đường nước… Số tiền mà Ngân hàng Chính sách xã hội cho họ vay theo hình thức tín chấp chỉ đủ để làm một phần trong đó.

Nhưng “chúng tôi” không chỉ là họ. Đó còn anh chị em, bạn bè, làng xóm của họ, nhiều người sẽ có thêm việc làm từ các homestay này, từ bán rau củ, bán con lợn, con gà...

33 tuổi, từng có mặt trong danh sách “30 Under 30” 2016 do Forbes Việt Nam bình chọn, Tẩn Thị Su là người sáng lập và trực tiếp điều hành Sapa O’chau từ năm 2007, cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải (Sapa, Lào Cai). Sapa O’chau còn làm hàng thổ cẩm, bán cả trên mạng, tổ chức dẫn khách đi tour… Tại đây, hiện có 50 người làng của Su làm việc, nhiều người vừa đi học, vừa làm.

Nếu cộng từ hồi đầu làm Sapa O’chau đến giờ, có tới vài trăm người làng đã học việc, học chữ cùng với Su... Một số người đã đủ sức làm riêng. Một số học lên đại học. Một số người đi làm tại các doanh nghiệp du lịch lớn. Họ vẫn thường chat với nhau để hỏi cách làm ăn, hỗ trợ nhau lúc khó khăn... Đợt đi Hà Nội này cũng xuất phát từ các cuộc trao đổi trong nhóm.

Trong số “chúng tôi” này, có người đặc biệt hơn với Su, đó là cô con gái mới 13 tuổi. Hồi bằng tuổi con gái mình, Su đã bỏ học, vì nhà quá nghèo. Nhiều bạn bè của Su cũng vậy. Giờ Su không muốn điều này tái diễn.

“Tôi làm mọi việc không phải vì muốn giàu hơn. Tôi không muốn Sapa chỉ đẹp với khách du lịch, mà người dân của Sapa cũng phải thấy Sapa đẹp, phải thấy mình đặc biệt, để rồi làm đẹp hơn, để bản sắc dân tộc ấn tượng hơn. Tôi muốn con tôi và các bạn trẻ quanh tôi có ước mơ riêng của mình, có thể thực hiện được mơ ước đó ngay tại Sapa”, Su chia sẻ khi được hỏi về các dự định tới cho cá nhân cô và Sapa O’chau.

Những dấu chân tỷ phú

Sapa O’chau Hotel nằm ngay bên bờ hồ trung tâm thị trấn Sapa. Từ đây, Tần Thị Su và những người trẻ của Sapa chứng kiến sự thay đổi của thị trấn, từng ngày, từng giờ, với sự xuất hiện của những khách sạn sang trọng, bề thế, hiện đại, những công trình chưa từng có trong trí tưởng tượng của họ...

“Phải chấp nhận thay đổi thì mới đẹp lên. Nhưng, chính sự thay đổi ấy cho chúng tôi những trải nghiệm thực tế mà nếu chỉ nghe kể, chúng tôi không cảm nhận được. Chính điều này khiến chúng tôi hiểu hơn về bản sắc dân tộc của mình quan trọng thế nào, để nỗ lực giữ gìn, để sống tốt hơn”, Su nói.

Nếu có mặt ở đây, để nghe Su nói, có thể, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Khoa Chính sách công và Quản lý (Đại học Fulbright Việt Nam) sẽ có thêm những ví dụ thực tiễn về giá trị mà các tỷ phú người Việt đang tạo ra cho xã hội, cho nền kinh tế.

Là người đang có những góc nhìn khá “gai”  về các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam, nhưng ông Du lại hào hứng khi nhắc đến các doanh nghiệp của tỷ phú Việt. Nguyên cớ của sự hào hứng này, theo ông Du, xuất phải từ giá trị mà họ tạo ra, dẫn hướng cho hoạt động của doanh nghiệp mà họ làm chủ.

“Chúng ta có thể nói đến Vietjet. Với tôi, Vietjet là một niềm tự hào của Việt Nam và là hình mẫu của phát triển bao trùm, vì Vietjet ra đời làm cho hầu hết người dân Việt Nam có quyền bay trên bầu trời. Nói đến Vingroup, dù có những vấn đề gây tranh cãi, nhưng đây cũng là một câu chuyện tự hào, bởi họ giúp cho hàng chục, hàng trăm ngàn gia đình có nơi ở tốt hơn, văn minh hơn”, ông Du điểm danh.

Ông cũng nhắc đến Hòa Phát - thương hiệu đang làm được điều mà ngành công nghiệp thép của Việt Nam muốn, nhưng chưa làm được trước đó - là khai thác quặng và tạo ra những cái giá trị thực chất của nó.

“Tôi cũng đã đến Trường Hải. Rõ ràng, đây là một thành công của ngành công nghiệp chế tạo cơ bản mà nói thẳng, nhiều doanh nghiệp ‘lá cờ đầu’ của ngành từ trước không làm được như vậy”, ông Du kể. Đặc biệt, ông Du nhắc đến cuộc cách mạng trong viễn thông mà Viettel đã tạo ra được - một cuộc cách mạng có tính đời sống và tính bao trùm lớn.

Nhưng là người nghiên cứu về kinh tế học, ông Du không kỳ vọng vào lòng tốt của người kinh doanh, mà kỳ vọng vào động cơ tìm kiếm lợi nhuận của họ. Cùng là tỷ phú, nhưng thử nhìn vào những giá trị mà các tỷ phú tạo ra trong các môi trường kinh doanh khác nhau để thấy, khi thể chế tạo ra môi trường, thúc đẩy động cơ tạo ra giá trị cho xã hội, thì doanh nghiệp sẽ kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận theo hướng đó.

Hành trình thịnh vượng

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM ngẫm nghĩ rất lâu trước câu hỏi rằng, Việt Nam có đủ điều kiện để đi nhanh trên hành trình đi đến thịnh vượng, phồn vinh và giấc mơ trở thành một nền kinh tế thịnh vượng vào dịp kỷ niệm 100 năm lập quốc (năm 2045) sẽ hiện hữu thế nào.

Là một trong những chuyên gia kinh tế tham gia xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo vào dân chủ, kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới, ông Cung hiểu rõ những thách thức trên hành trình đi đến thịnh vượng, phồn vinh của Việt Nam.

“Một nền kinh tế thịnh vượng có thể đo bằng các tiêu chí như GDP, thu nhập bình quân đầu người… Nhưng người dân không quan tâm nhiều đến điều đó bằng việc làm thế nào để đạt được thịnh vượng”, ông Cung nói.

Về mặt lý thuyết, người dân sẽ phải tăng được thu nhập, bình đẳng, an toàn trước mọi cơ hội để phát triển năng lực cá nhân… Điều quan trọng là, mọi bài toán phải được giải bằng năng lực công nghệ nội sinh, nhu cầu thực sự từ bên trong nền kinh tế. Lời giải ở đây là năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực đổi mới, sáng tạo… được xây dựng, phát huy dựa trên nền quản trị nhà nước hiện đại, minh bạch và thượng tôn pháp luật.

Mọi sự lại quay trở lại vấn đề nền tảng. Thực ra, không thể định hình một cách cứng nhắc về sự thịnh vượng. Thế giới thay đổi, các tiêu chí, đánh giá cũng sẽ thay đổi, nhưng nền kinh tế sẽ phát triển theo hành động, cách lựa chọn giá trị để cống hiến của Su và những người trẻ ở Sapa, những tỷ phú đầu tiên của người Việt hay từng doanh nhân dù lớn hay nhỏ.

Ông Cung cho rằng, mỗi người dân Việt Nam đều có khát vọng thịnh vượng trong dòng máu, chỉ cần có điều kiện và động cơ phù hợp để khơi dậy.

“Trong chiến tranh, những người lãnh đạo đất nước đã thu phục được lòng dân, tạo nên sức mạnh vì một đất nước thống nhất. Giờ trong hòa bình, chúng ta cũng phải làm được điều này. Đó là tạo niềm tin trong từng người dân về một đất nước thịnh vượng, phồn vinh. Để làm được, những người lãnh đạo đất nước phải có khát vọng mãnh liệt về sự thịnh vượng của đất nước, phải hành động để truyền khát vọng này tới từng người dân”, ông Cung chia sẻ.

Cuối năm ngoái, các chuyên gia kinh tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã kêu gọi sử dụng một thước đo mới trong đánh giá mức độ thịnh vượng của nền kinh tế. Vì họ cho rằng, việc tập trung vào chỉ số GDP như hiện nay là chưa đủ để đánh giá chính xác. Họ nhìn vào những bước đi mà Ecuador, Scotland, Bhutan và New Zealand - những nơi đang tạo được niềm tin của người dân vào những chính sách công của chính phủ, cũng như hướng tới một xã hội công bằng và bền vững hơn, để kêu gọi sự thay đổi này…

Trong thước đo mới này, sự giàu lên của từng người dân, doanh nghiệp phải gắn với sự phát triển bền vững, minh bạch của cộng đồng; động cơ kiếm sống hay làm giàu sẽ không thể đến từ các quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm, tận khai tài nguyên… Có nghĩa là, những cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tăng năng suất… chỉ là những viên gạch trên hành trình còn dài này.

Phải nhắc lại câu nói của ông Du rằng, khi cả tỷ phú và những người không có nhiều tiền đều hiểu rõ vị trí của mình, trân trọng những đồng tiền, giá trị được làm ra cho xã hội, thì sự phồn vinh thực sự của đất nước sẽ đến.

Khát vọng 2035 của Việt Nam

Một xã hội thịnh vượng, có thu nhập ở mức trung bình cao của thế giới; tiềm lực và vị thế của quốc gia được nâng cao. Nền kinh tế thị trường được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân, có năng lực cạnh tranh cao và hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu…

Một xã hội hiện đại, sáng tạo và dân chủ với vai trò làm động lực thúc đẩy phát triển trong tương lai. Trọng tâm là hình thành một môi trường mở và tự do để khuyến khích mọi công dân học hỏi, sáng tạo…

Một nhà nước pháp quyền, hiệu quả và đảm bảo trách nhiệm giải trình.

Quốc hội sẽ bao gồm các đại biểu chuyên trách với trình độ chuyên môn cao, có khả năng tự chủ về thể chế để đại diện cho nhân dân…

Một xã hội văn minh, trong đó mỗi người dân, mỗi tổ chức chính trị xã hội được bình đẳng trước pháp luật.

Một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng các quốc gia trên toàn cầu. Một môi trường bền vững.

Nguồn: Báo cáo Việt Nam 2035

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục