Chiếc chìa khóa đối ngoại và cánh cửa đến với thịnh vượng/phát triển
Thưa bà, ngày 30/4/1975 trở thành một mốc son vĩ đại trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, thể hiện khát vọng độc lập, tự do và yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam. 44 năm qua, Việt Nam đã đi trên một chặng đường dài để chuyển từ “được nhận biết như một địa chỉ trên bản đồ chiến sự” đến “một câu chuyện điển hình về phát triển thành công” (nhận xét của Ngân hàngThế giới). Là nhà ngoại giao, có nhiều dịp tiếp xúc với giới chức và người dân nhiều nước, bà cảm nhận thế nào về đánh giá của bạn bè quốc tế đối với hành trình vươn lên của Việt Nam?
Ngày 30/4/1975, sau thời điểm đất nước thống nhất, thành công của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả của một cuộc chiến tàn khốc kéo dài hơn 20 năm là điều không thể phủ nhận. Mặc dù vậy, tôi thấy cần phải nhấn mạnh rằng, nếu lấy số năm tính từ ngày cuộc chiến chấm dứt, so với Nhật Bản và Tây Đức - hai quốc gia cũng bước ra từ đống tro tàn của một cuộc chiến tranh tàn khốc không kém, thì Việt Nam phát triển quá chậm.
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào tình hình thực tế trong việc tái thiết của hai quốc gia trên, chúng ta có nhiều điều đáng tự hào, bởi hai quốc gia trên có được tốc độ tái thiết nhanh một phần là do họ được hưởng lợi từ Kế hoạch Marshall (Marshall Plan là một kế hoạch trọng yếu của Hoa Kỳ nhằm tái thiết và thiết lập một nền móng vững chắc hơn cho các quốc gia Tây Âu). Trong khi đó, sau 1975, Việt Nam không những không nhận được gói viện trợ nào có quy mô lớn như vậy, mà lại còn vấp phải cuộc chiến tranh tại biên giới Tây Nam và sau đó là cuộc chiến trên biên giới phía Bắc. Cuộc chiến này, về mức độ thấp hơn so với cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng vẫn khiến chúng ta hao tổn nguồn lực và quan trọng hơn, chúng ta không thể toàn tâm, toàn lực để tái thiết đất nước.
Mặt khác, sau khi đất nước thống nhất, việc hoàn thành nhất thể hóa hai nền kinh tếcũng tạo nên những thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Tôi nói về thách thức to lớn khi nhất thể hóa hai nền kinh tế là hoàn toàn chính xác, bởi cần phải thấy rằng, với trình độ phát triển cao hơn rất nhiều, với tiềm lực kinh tế hùng mạnh, nhưng khi nước Đức thống nhất hai miền Đông - Tây (năm 1991), họ cũng gặp không ít khó khăn.
Ngoài những khó khăn nêu trên, công cuộc tái thiết đất nước của Việt Nam còn khó khăn hơn do chúng ta bị cấm vận trong suốt 20 năm và năm 1991, tình hình càng trở nên khó khăn khi khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ.
Tôi nhắc lại bối cảnh trong nước và quốc tế lúc đó để có thể hình dung rõ hơn những khó khăn Việt Nam phải đối mặt khi đó và để thấy thành công của Việt Nam càng trở nên đáng trân trọng hơn. Cũng không thể không nêu tính quyết định của đường lối Đổi mới từ Đại hội Đảng VI năm 1986.
Nói về sự bền bỉ cùng quyết tâm sắt đá của người dân Việt Nam, theo tôi, nhà báo Jean-Claude Pomonti (Báo Le Monde - Pháp) đã viết một cuốn sách về Việt Nam với tựa đề “Việt Nam: con tàu không thể đánh chìm”, theo tôi, đây là nhận định có tính khái quát cao và đầy hình tượng.
Không chỉ ý chí sắt đá, sự bền bỉ, dẻo dai, trong con mắt bạn bè quốc tế, người Việt Nam nổi bật với tố chất lạc quan, khi người người đều nghĩ rằng, dù có khó đến đâu vẫn có thể vượt qua. Nếu để ý quan sát gương mặt của những người dân tại các vùng chiến sự tại khu vực Trung Đông, người ta khó có thể tìm thấy những gương mặt lạc quan, yêu đời và hướng về tương lai.
Tôi còn nhớ, khi tôi còn đương chức, có lần, người đứng đầu Tổ chức Save the children US đã nhận xét, người Việt toát lên ý chí, nhưng không ồn ào, cái họ không làm được cho bản thân thì sẽ phấn đấu cho con, cho cháu và đó là điều ít khi cảm nhận được tại những nơi có hoàn cảnh khó khăn tương tự như Việt Nam.
Tâm tính lạc quan, bất chấp khó khăn trong hiện tại để luôn hướng tới một tương lai tươi sáng phía trước của người Việt Nam còn được các nhà toán học Pháp hàng đầu như Laurent Schwarts (giải Fields) ghi nhận trong quá trình hợp tác giảng dạy môn Toán trong khoảng thời gian của những năm 60 thế kỷ trước. Khi đó, chỉ với chiếc bảng đen, cái bút, người Việt Nam đã “quên” những khó khăn vật chất để hướng tới khoa học phục vụ tương lai.
Việt Nam đang nổi lên như một đầu tàu tiềm năng trong khu vực ASEAN.
Họ có ngạc nhiên và họ lý giải như thế nào về sự bền bỉ, kiên cường đó, thưa bà?
Tôi được biết, sự ngạc nhiên của những người biết đến Việt Nam không phải là không tin, mà là khâm phục, khâm phục thực sự.
Thực ra, tôi chưa từng nghe ai lý giải với tôi về bản chất của người Việt, nhưng nếu nghiên cứu về lịch sử của một dân tộc có bề dày chống giặc ngoại xâm, lại luôn phải đương đầu với bão lũ, có lẽ họ sẽ cho rằng, đó là tố chất của người Việt Nam và nếu như họ biết rằng, người Việt luôn tâm niệm “sống chung với lũ”, có lẽ họ sẽ không còn ngạc nhiên nữa (cười lớn).
Song hành với những thành tựu về phát triển kinh tế và ổn định chính trị, thời gian gần đây, Việt Nam được các phương tiện truyền thông nhắc tới như là một “hiện tượng” trong đời sống chính trị thế giới. Theo bà, đây có phải là kết quả từ nội lực vươn lên của Việt Nam, đồng thời, là thông điệp về một Việt Nam có trách nhiệm, chủ động cùng cộng đồng quốc tế kiến tạo một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển?
Nhìn lại thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 và gần đây nhất là tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Tháng 6/2019, Việt Nam tham gia lần thứ nhì ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2020 - 2021 và sẽ là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.
Với những thành công trên mặt trận đối ngoại như vậy, theo tôi, chữ “hiện tượng” được dùng ở đây có thể chưa đủ để phản ánh đúng tính chất của những thành công này, cần được coi là thành tựu, kết quả của cả một quá trình chính sách và hoạt động đối ngoại của Nhà nước và toàn bộ người dân Việt Nam.
Như trên tôi đã nói, sau 30/4/1975, chúng ta chủ yếu quan hệ với Khối COMECON (Hội đồng Tương trợ kinh tế) và sau sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, COMECON cũng không còn nữa và khi đó, chúng ta rơi vào vị thế bị cô lập triệt để do tiếp tục bị cấm vận sau chiến tranh. Cần phải nhắc lại rằng, sự cấm vận lúc đó khắc nghiệt tới mức, trong lần gặp một quan chức cao cấp của UNICEF tại New York (Mỹ), ông ta có nói rằng, khi đó UNICEF rất muốn giúp đỡ Việt Nam, nhưng do lệnh cấm vận của Mỹ, nên họ vẫn phải “dè chừng”.
Theo tôi, năm 1991 là thời điểm mang tính thử thách nhất, quyết định nhất đối với công tác đối ngoại của Việt Nam. Với vị thế như vậy, để phát triển, Việt Nam cần phải tự định vị mình trong bối cảnh quốc tế sau chiến tranh lạnh để định hướng đường lối đối ngoại. Để đảm bảo độc lập cho dân tộc và để phát triển, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài đường lối đối ngoại “đa dạng hóa, đa phương hóa”.
Khi đó, trong trao đổi với bạn bè quốc tế, họ không hiểu lắm cụm từ “đa dạng hoá, đa phương hóa”, nên để giải thích chủ trương đó, tôi đã lấy hình tượng của con thuyền khi gặp giông bão, đó là, càng có nhiều neo thì càng vững vàng. Tất cả những đối tác xa, gần, lớn, nhỏ và càng đa dạng thì sẽ càng giúp “con tàu” Việt Nam vững vàng vượt qua giông bão.
Cần phải lưu ý rằng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương một nền đối ngoại với tư tưởng như vậy và phương châm đối ngoại đó đã giúp Việt Nam chuyển từ vị thế bị cô lập, trở thành một thành viên, một thành viên có ý thức và có trách nhiệm, thậm chí còn đóng góp nhiều sáng kiến có giá trị tại nhiều tổ chức quốc tế mà chúng ta tham gia. Tôi có thể khẳng định rằng, tại các tổ chức, các diễn đàn đa phương mà Việt Nam tham gia như ASEAN, Liên hợp quốc, Phong trào các nước không liên kết, Cộng đồng Pháp ngữ, WTO cho đến APEC…, Việt Nam luôn thể hiện thái độ hiểu biết và tinh thần trách nhiệm, nên sớm được nể trọng và giành được sự tin cậy của các nước.
Chẳng hạn, sau khi tham gia ASEAN một thời gian, Việt Nam đã chứng tỏ là “một học trò giỏi” khi đưa ra sáng kiến về Diễn đàn AMMM+ (Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng). Sau khi thành công ở nhiệm kỳ đầu trong vị trí là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nay Việt Nam ứng cử và được nhóm các nước châu Á tại Liên hợp quốc nhất trí đề cử là ứng viên duy nhất của châu Á. Có thể thấy, trong đối ngoại, chúng ta không vội vàng, mà lựa chọn được thời điểm thích hợp nhất để hành động. Việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi và sau đó là Nam Sudan, khi ta đã đủ thế và lực là một minh chứng rõ nét.
Thêm một ý nữa về cách mà Việt Nam tham gia các tổ chức đa phương, thay vì như nhiều quốc gia thường chăm chăm thúc đẩy lợi ích của họ một cách lộ liễu, mà quên mất lợi ích của cả tổ chức, thì Việt Nam biết dung hòa hai lợi ích chung của cộng đồng, của tổ chức đó với lợi ích riêng của Việt Nam và không có những đòi hỏi ngược với lợi ích chung.
Đó là về chủ quan. Về khách quan, do những diễn biến tại khu vực Đông Nam Á và Đông Á, vai trò của ASEAN đang được đề cao, trong khi đó, hai đầu tàu truyền thống của ASEAN là Thái Lan và Indonesia đang gặp những vấn đề riêng, Việt Nam đang nổi lên như một đầu tàu tiềm năng trong khu vực.
Đó là kết quả một quá trình bền bỉ, bài bản, khôn khéo của Việt Nam trong hoạch định chiến lược đối ngoại.
Thưa bà, nhìn lại quãng thời gian phải chuyển đổi để thực hiện đường lối ngoại giao “đa phương hóa, đa dạng hóa” - một sự chuyển đổi không hề dễ dàng, người làm ngoại giao như bà có thấy bỡ ngỡ không?
Bỡ ngỡ trước cái mới đương nhiên là có, nhưng không nhiều, bởi tôi cũng như những viên chức ngoại giao ngày đó đều là lấy “trung dung, an toàn” , tránh tối đa rơi vào thiểu số làm phương châm.
Ngày nay, sau hơn 3 thập kỷ nhìn lại, có lẽ những khó khăn, vất vả hay có thể là những bỡ ngỡ ban đầu cũng đã qua đi, bởi trong ký ức những người làm ngoại giao, điều còn đọng lại trong chúng tôi chính là chúng ta đã thành công, thành công trong việc gia nhập/gia nhập lại trong tư thế “đàng hoàng” cộng đồng quốc tế và khu vực.
Tuy nhiên, đến nay, chúng ta đã bước vào giai đoạn có thể tự khẳng định mình mạnh mẽ hơn, chúng ta phải dấn thân hơn, phải có những sáng kiến mới, rõ nét, phù hợp với thế đứng của Việt Nam và chiến lược đối ngoại của Việt Nam.
Đã đến lúc Việt Nam phải bước ra và chiếm lấy vị trí dưới ánh mặt trời
Thưa bà, như bà vừa nói, chúng ta đã bước vào giai đoạn có thể tự khẳng định mình, đó có phải là lý do khiến bà phát biểu truyền cảm hứng cho rất nhiều người Việt Nam là "đã đến lúc Việt Nam phải bước ra và chiếm lấy vị trí dưới ánh mặt trời, nếu chúng ta biết cách làm”, bà có thể chia sẻ nội hàm của đánh giá này?
Đó chỉ là một phần thôi, nhưng để xây dựng thế và lực đủ để cho phép chúng ta “đi dưới ánh mặt trời” sau khi đã trải qua giai đoạn ẩn mình trong vùng an toàn, Việt Nam cần thiết phải làm như vậy.
Nhưng ở khía cạnh sâu xa hơn, chúng ta cần phải biết nên bước ra dưới ánh mặt trời bừng vị thế nào?
Nếu nhìn theo khía cạnh truyền thống lịch sử của dân tộc Việt, có thể thấy, ngoại trừ rất ít những nhân vật xuất chúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thế giới biết đến chúng ta như một tập thể anh hùng, giỏi đánh giặc nên thành công trong việc giữ nước. Tuy nhiên, cần phải bổ sung cho hình ảnh một tập thể anh hùng, bởi riêng hình ảnh đó thì không thể lý giải được những điều chúng ta đã đạt được những thập niên sau chiến tranh. Cần phải cho thế giới biết được con người Việt Nam là những cá thể rất thú vị, rất riêng biệt, rất đặc sắc và đầy cá tính, phong cách, truyền thống mà hiện đại.
Tôi cho rằng, với hành trang là bề dày truyền thống của dân tộc, sự xuất hiện dưới ánh nắng mặt trời của những cá thể như vậy sẽ khiến thế giới có một cách nhìn đầy đủ hơn về chúng ta và đó sẽ chính là sự hấp dẫn của Việt Nam ngày nay, trong thế kỷ 21, khiến cho họ “không thể tình cờ lạc bước đến Việt Nam”.
Tuy nhiên, việc tạo nên những hình ảnh đó phải sống động, lung linh, có sức hấp dẫn, thuyết phục, gợi mở.
Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng là khát khao cháy bỏng của bao thế hệ người Việt Nam, để nước ta đi tới sự thịnh vượng. Vậy yếu tố nổi bật nào của Việt Nam cần được khai thác và phát huy, thưa bà?
Theo tôi có 3 yếu tố:
Thứ nhất là con người, đặc biệt là lớp trẻ để thấy được sức sống của dân tộc Việt trên con đường dẫn đến thịnh vượng.
Thứ hai là phát huy tính sáng tạo và tinh thần “làm cho bằng được”, nhưng phải biết cưỡng lại xu hướng “mì ăn liền”. Đây là điều rất khó, bởi hình như đó là sự mâu thuẫn rất lớn trong tính cách người Việt. Sự mâu thuẫn đó được thể hiện như thế này: khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí khó khăn tới mức “ngàn cân treo sợi tóc”, thì người Việt bằng tất cả sức lực, họ bền bỉ, kiên trì, vững tin vào tương lai để vượt qua, nhưng khi có đủ điều kiện, đủ thời gian, thì lại làm theo cách vội vàng, thậm chí làm cho qua chuyện, với cách làm hình thức, màu mè.
Thứ ba là, làm sao để mỗi người dân Việt phải xác định được rằng, không chỉ làm giàu cho bản thân, mà phải làm giàu cho đất nước. Có nghĩa là, phải xây dựng hướng đi, lộ trình trên cơ sở thực hiện bằng được mục đích to lớn đó.
Nếu kể một câu chuyện hấp dẫn, chân thực về Việt Nam với bạn bè quốc tế, thưa bà, chúng ta sẽ nói về điều gì, và trách nhiệm của mỗi người dân là một đại sứ của đất nước ta là gì?
Tôi xin kể lại một câu chuyện, đó là trải nghiệm của tôi trên chặng đường hơn 30 năm làm ngoại giao. Theo tôi, câu chuyện này có ích cho mọi người khi đây là tiếp nhận những cảm nhận, đánh giá về đất nước, con người Việt Nam từ những nhân vật danh tiếng trên thế giới.
Đó là năm 2004, tôi được Tập đoàn Hewlett Packard mời tham gia diễn đàn thu hẹp dành cho những người nổi tiếng, quyền lực kiểu như Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos. Lần đó, cùng rất nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới, Diễn đàn có mời hai diễn giả tới đối thoại và cả hai đều là cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Henry Kissinger và bà Madeleine Albright.
Diễn đàn có mời tôi trình bày phát biểu của mình với thời lượng 3 phút và tôi đã trình bày về “Bài toán phát triển cho Việt Nam”. Khi đó, trong phát biểu của mình, tôi có nói đại ý như thế này: Trên con đường phát triển, do ảnh hưởng của những cuộc chiến kéo dài, Việt Nam đã xuất phát sau trên con đường phát triển. Thông thường, người xuất phát sau, chỉ có thể nhắm mắt mà chạy để đuổi kịp những người đi trước. “Nhắm mắt chạy” ở đây, tôi hàm ý là “dồn hết sức” để chạy về phía trước, nhưng mình dồn hết sức chạy, tất nhiên, người phía trước cũng chạy và vì thế khoảng cách tương đối giữa người xuất phát chậm và tốp dẫn đầu về cơ bản chỉ được chuyển dịch, khó rút ngắn khoảng cách, trừ khi người xuất phát sau “có định hướng rõ ràng, kiên định” khi chạy. Chính việc xác định được mục tiêu theo đuổi sẽ vừa tạo động lực, vừa khiến mình biết cách chạy nhanh hơn.
Ngay sau đó, trong phần hỏi đáp, ông Kissinger có giơ tay hỏi tôi về việc Việt Nam tham gia ASEAN và một số vấn đề về quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, điều đặc biệt là câu bình luận của ông Kissinger - người đã từng đóng một vai trò then chốt trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ giai đoạn 1969 - 1977. Ông ta nói: “Tôi xin nói với quý vị là, các bạn chớ mà đứng ở giữa dân Việt Nam và quyết tâm, chí hướng của họ” (nguyên văn: Don’t stand between the Vietnamese people and their sense of direction), hàm ý không thể ngăn cản quyết tâm của dân tộc Việt Nam. Sau đó, ông thêm 2 từ “tôi biết” (I know), hàm ý rằng, ông ta đã được nếm trải những điều thể hiện quyết tâm sắt đá và sự “cứng đầu” của người Việt Nam trong quá trình tham gia đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam tại Paris năm 1973.
Câu chuyện đó đã cho thấy, những yếu tố thông minh, năng động, quyết tâm, kiên cường, dám nghĩ, dám làm của người Việt Nam sẽ là điều kiện cần và nó đã tiềm ẩn trong huyết quản của mỗi người Việt Nam chúng ta. Tuy nhiên, điều kiện đủ là chí hướng, họ phải biết họ làm việc đó vì cái gì, nếu đơn thuần chỉ để làm giàu, hiển nhiên sẽ không hay bằng, thậm chí không hiệu quả bằng làm vừa giàu cho bản thân vừa làm giàu cho đất nước. Theo tôi, đó chính là “cách chạy tỉnh táo” - mở mắt để chạy.
Vài nét về bà Tôn Nữ Thị Ninh
Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM. Phó chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam
Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ (2000 - 2002)
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (2002 - 2007)
Với trình độ học vấn cao được đào tạo bài bản tại TP.HCM và du học tại Paris (Pháp), bà Tôn Nữ Thị Ninh là một trong những nhà ngoại giao nổi bật nhất của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu (hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển, môi trường, quản lý nhà nước và nhân quyền) và các thể chế đa phương như Liên hợp quốc trước khi được bầu là đại biểu Quốc hội chuyên trách, nơi bà tiếp tục tích cực hoạt động xây dựng cầu nối hiểu biết và hợp tác giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới, đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của Quốc hội trong quá trình đổi mới và dân chủ tại Việt Nam.
Cho tới nay, bà luôn theo đuổi mục đích hành động vì Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập hiệu quả. Thông qua sự tiếp xúc và tương tác thường xuyên với người dân, đặc biệt là thanh niên, phụ nữ và giới truyền thông, bà được biết đến như một nhân vật của công chúng, có tiếng nói sắc sảo, thẳng thắn và có tầm với tâm thế “chọn thách thức, không chọn bình an”.
Bà đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất của Nhà nước Việt Nam; Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Cộng hòa Pháp; Huân chương Leopold II của Bỉ. Bà được trao bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học RMIT.