Giải pháp gỡ vướng trong quản lý ngân sách nhà nước cho các xã mới sau sáp nhập

0:00 / 0:00
0:00
Sau sáp nhập, nhiều đơn vị dự toán cấp xã đang gặp phải khó khăn trong quản lý tài chính - ngân sách. Bộ Tài chính đã và đang rốt ráo đồng hành bằng nhiều hình thức để gỡ vướng kịp thời, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt.
Giải pháp gỡ vướng trong quản lý ngân sách nhà nước cho các xã mới sau sáp nhập

Thực tiễn vẫn còn vướng

Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp là chủ trương chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Từ ngày 1/7/2025, các xã mới sau sáp nhập đã đi vào hoạt động.

Để đảm bảo công tác tài chính - ngân sách nhà nước được triển khai liên tục, thông suốt, Bộ Tài chính đã chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Việc giao dự toán thu - chi ngân sách năm 2025 sau sắp xếp giữ nguyên nguyên tắc không để đứt gãy ngân sách, phân chia nguồn thu tỉnh và xã ổn định, các xã mới tiếp nhận đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn ngân sách từ các đơn vị cũ. Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán đầy đủ, kịp thời.

Nhiều đơn vị dự toán cấp xã chưa mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước do chưa có nghị quyết phân cấp nguồn thu. (Ảnh tư liệu minh họa)

Nhiều đơn vị dự toán cấp xã chưa mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước do chưa có nghị quyết phân cấp nguồn thu. (Ảnh tư liệu minh họa)

Quyết định số 1390/QĐ-TTg ngày 27/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương triển khai dự toán ngân sách liên tục, không gián đoạn. Bộ Tài chính cũng hướng dẫn địa phương rà soát, trình Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa tỉnh và xã, đảm bảo rõ thẩm quyền, đúng pháp luật và phù hợp thực tiễn, giúp chính quyền xã chủ động, minh bạch trong quản lý ngân sách.

Ngoài ra, Bộ đã hướng dẫn xác định đơn vị dự toán ngân sách cấp I và cấp II tránh chồng chéo, bỏ sót; đồng thời hướng dẫn lập dự toán ngân sách xã năm 2026 theo Thông tư số 56/2025/TT-BTC, đảm bảo xây dựng dự toán và kế hoạch tài chính 3 năm (2026-2028) bài bản, sát thực tế.

Mặc dù vậy, thực tiễn tại nhiều nơi còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc như cơ sở vật chất chưa đồng bộ, bộ máy mới còn lúng túng trong quản lý, một số nơi việc chi trả lương và kinh phí hoạt động chưa kịp thời.

Liên quan đến các vướng mắc của địa phương về đơn vị dự toán ngân sách cấp xã, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) thông tin, Văn phòng Đảng ủy xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân xã là đơn vị dự toán cấp I của ngân sách xã.

Đối với các phòng chuyên môn và Trung tâm Phục vụ hành chính công thuộc Ủy ban nhân dân xã, căn cứ tình hình thực tế của địa phương và chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã xác định, lựa chọn đơn vị được Ủy ban nhân dân xã giao dự toán (đơn vị dự toán cấp I) cho phù hợp.

Trả lời kiến nghị của địa phương liên quan tài sản công ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quyết định định mức xe ô tô cụ thể cho các đơn vị hành chính cấp xã và điều hòa xe từ cấp huyện về cấp xã theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành.

Nếu số xe ô tô tại cấp huyện trước ngày 1/7/2025 không đủ, có thể điều chuyển từ các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh hoặc mua sắm mới để đảm bảo đủ phương tiện phục vụ công việc theo tiêu chuẩn, định mức.

Về trụ sở, Nghị định số 155/2025/NĐ-CP ngày 16/6/2025 quy định rõ tiêu chuẩn, định mức sử dụng. Nếu diện tích trụ sở lớn hơn tiêu chuẩn, phần diện tích thừa sẽ được giao hoặc điều chuyển cho cơ quan, đơn vị khác phù hợp để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả. Nếu không có đơn vị phù hợp thì sẽ được giao cho đơn vị đang quản lý hoặc tiếp nhận đảm bảo sử dụng hợp lý.

Về quản lý ngân quỹ, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết nhiều đơn vị dự toán cấp xã chưa mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước do chưa có nghị quyết phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; chưa kiện toàn bộ máy tài chính kế toán, chưa bổ nhiệm kế toán trưởng, chủ tài khoản; thiếu mẫu dấu chữ ký; chưa nắm rõ thủ tục mở tài khoản vì nhân sự thay đổi sau sắp xếp.

Do đó, Kho bạc Nhà nước đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước khi áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Sở Tài chính hướng dẫn xác định số lượng và đơn vị dự toán cấp xã để triển khai; phối hợp với Kho bạc Nhà nước hướng dẫn tạm cấp ngân sách khi chưa có dự toán. Các xã cần kiện toàn tổ chức, bổ nhiệm kế toán trưởng, chủ tài khoản và mở tài khoản Kho bạc để chi ngân sách, đặc biệt các khoản thiết yếu. Trường hợp chưa có dự toán, cần gửi hồ sơ tạm cấp để được xem xét và giao Kho bạc Nhà nước thực hiện chi lương và chi thiết yếu, đảm bảo hoạt động bộ máy nhà nước.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi phát biểu tại cuộc họp với các địa phương chiều 26/7.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi phát biểu tại cuộc họp với các địa phương chiều 26/7.

Lập nhóm hỗ trợ giải đáp vướng mắc trên nhiều nền tảng

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Tài chính với các địa phương diễn ra chiều 26/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đề nghị thống nhất cách phản ánh, tổng hợp và giải quyết các vướng mắc của địa phương khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp. Theo Thứ trưởng, ngày 15/7, Bộ Tài chính đã công bố đường dây nóng và thông tin lãnh đạo để liên hệ trong từng lĩnh vực.

Tuy nhiên, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị trong mỗi lĩnh vực cần thành lập các nhóm thành viên trên các nền tảng như Zalo, Viber... với sự tham gia của địa phương và các cơ quan liên quan nhằm tiếp nhận phản ánh và giải đáp kịp thời các vướng mắc phát sinh tại các xã, phường, đặc khu.

Về nội dung giải đáp của các đơn vị đối với vướng mắc của địa phương, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ tổng hợp thành các câu hỏi và trả lời chi tiết, cụ thể, đồng thời cung cấp lên hệ thống drive để các địa phương tiếp tục nghiên cứu.

Từ các ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn mà các địa phương nêu chủ yếu liên quan đến thẩm quyền địa phương, như các vấn đề liên quan đến dự toán, con dấu... Do đó, Thứ trưởng đề nghị các Sở Tài chính tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện các nội dung về tài chính ngân sách và tài sản công để đảm bảo không xảy ra ách tắc.

Liên quan đến khó khăn của các địa phương trong việc bổ nhiệm người làm kế toán trưởng, Thứ trưởng giao Cục Quản lý, Giám sát kế toán, Kiểm toán chủ trì rà soát, đề xuất phương án xử lý và báo cáo Lãnh đạo Bộ trong tuần tới để giải quyết dứt điểm.

Về kiến nghị đào tạo, tập huấn, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định Bộ Tài chính sẵn sàng tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ tài chính cho các địa phương các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

“Bộ Tài chính sẽ đồng hành cùng các địa phương, không để xảy ra vướng mắc về tài chính - ngân sách, kế toán và tài sản công khi triển khai mô hình chính quyền hai cấp,” Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hồng Vân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục