
Tạo sự chủ động cho ngân sách trung ương
Ngày 26/5, thảo luận về Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đánh giá Dự thảo Luật đã thể chế đúng, kịp thời nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), phân bổ hợp lý nguồn lực, phù hợp với bối cảnh hiện nay khi triển khai đồng bộ việc sắp xếp lại bộ máy, địa giới hành chính, cải cách tiền lương phù hợp với giai đoạn bứt phá vươn mình để phát triển kinh tế, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Về Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo kế hoạch ban đầu, Chính phủ sẽ trình Dự án Luật vào Kỳ họp thứ 10, tức là cuối năm nay. Tuy nhiên, do yêu cầu cấp bách của việc phải thực hiện triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt để đáp ứng cho mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trong dự kiến sẽ hoạt động chính thức từ ngày 1/7, nên Chính phủ phải điều chỉnh kế hoạch để trình Quốc hội thông qua Luật NSNN (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9.
Về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, nhiều đại biểu đồng tình với phương án sửa đổi theo hướng quy định các nguồn thu phân chia, không quy định cụ thể tỷ lệ phân chia tại Luật và giao Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ chia, trình Quốc hội xem xét, quyết định để phù hợp với quan điểm mới về xây dựng pháp luật và chỉ quy định nguyên tắc bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong điều hành ngân sách.
Riêng với khoản thu tiền sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) ủng hộ chủ trương cần điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để góp phần giữ vững vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Về lâu dài, cần giảm dần tỷ trọng nguồn thu tiền từ sử dụng đất trong tổng thu ngân sách địa phương, thay vào đó yêu cầu các địa phương có giải pháp quy hoạch và quản lý đất đai một cách bền vững, minh bạch. Nhà nước thực hiện đa dạng hóa nguồn thu ngân sách trên cơ sở khai thác hiệu quả tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy mạnh thu ngân sách từ khu vực kinh tế số, kinh tế công nghệ cao. Trong ngắn hạn, nhất là đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách, khoản thu tiền sử dụng đất vẫn chiếm tỷ trọng cao để địa phương có nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội tiếp thu theo hướng chưa quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong Luật, trừ khoản thu tiền đất, tiền thuê đất được phân chia từ dự toán ngân sách năm 2026.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam đề xuất, trước mắt đối với những địa phương chưa cân đối được ngân sách, đề nghị vẫn giữ nguyên khoản thu từ tiền sử dụng đất là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%. Tuy nhiên, đề nghị giao nội dung này cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương sau sắp xếp, sáp nhập trong từng giai đoạn cụ thể để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động.
Về mức trần nợ vay của ngân sách địa phương, Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) nâng mức trần nợ vay lên 80 - 120% số dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp từ mức 20 - 60% theo quy định hiện hành. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, việc tăng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển trong tình hình mới là cần thiết, song cần cẩn trọng bởi có thể làm tăng nợ công.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc nâng trần nợ vay nhằm tạo điều kiện cho địa phương. Tuy nhiên, với những địa phương rất khó khăn mà mức trần nợ lên đến 80% thì phải kiểm soát, giám sát chặt chẽ khả năng chi trả, tránh tình trạng ngân sách trung ương phải bù, dẫn đến trần nợ công của trung ương tăng lên. Do đó, đối với những địa phương khó khăn, cần giám sát chặt chẽ về danh mục vay.
Về dự phòng ngân sách, Dự thảo Luật bố trí dự phòng từ 2 - 5% tổng chi ngân sách mỗi cấp, tăng từ mức 2 - 4% của quy định hiện hành, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, dự phòng ngân sách hàng năm không phải lúc nào cũng cần đến, có thể không dùng hết. Do đó, việc tăng thêm 1 điểm % khoản này là số tiền rất lớn và có thể lãng phí nếu để trong ngân sách. Thay vào đó, nên giữ như quy định hiện hành, đồng thời, tăng chi cho đầu tư phát triển hoặc hỗ trợ cho địa phương chi cho an sinh xã hội.
Linh hoạt nhưng không lãng phí
Phát biểu giải trình và làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội tiếp thu theo hướng chưa quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong Luật, trừ khoản thu tiền đất, tiền thuê đất được phân chia từ dự toán ngân sách năm 2026. Trong năm 2026, khi Luật có hiệu lực sẽ giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, bảo đảm ổn định lâu dài.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, chủ trương nâng cao vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương quy định tại Dự thảo Luật được thực hiện theo chỉ đạo tại Nghị quyết 18 -NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về quản lý và sử dụng đất và Kết luận 93 -KL/TW ngày 26/8/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Về nâng dự phòng ngân sách trung ương từ 4% lên 5%, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đề xuất này không có nghĩa là phải trích đầy đủ 4% hay 5%. Thay vào đó, dự phòng tăng thêm 1% để phòng những trường hợp đột xuất thì có thể bố trí nguồn này thực hiện việc phân bổ. Ví dụ vừa rồi Bộ Chính trị chỉ đạo là phải tăng thêm 1% chi cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tức là thêm 25.000 tỷ đồng. Trong lúc chờ các địa phương, các bộ, ngành đề xuất để phân bổ dự toán thì phải đưa vào dự phòng nhưng tối đa chỉ được 9.000 tỷ đồng. Mặt khác, việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương trong thời gian qua rất hiệu quả. “Chúng ta dự phòng không phải để lãng phí mà dự phòng cho những trường hợp đột xuất. Sắp tới, có thể sẽ có những trường hợp đột xuất khác nên không thể không nâng mức dự phòng lên”, Bộ trường Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.