Tại cuộc tọa đàm khoa học về chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế” giữa Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng với đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số doanh nghiệp hôm 28/8 vừa qua, có một nội dung đáng chú ý được đưa ra thảo luận.
Ðó là xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, có trách nhiệm xã hội, đạo đức và văn hóa kinh doanh.
Trước đó, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã khẳng định, doanh nhân là một trong bốn lực lượng chủ yếu trong thời kỳ mới của cách mạng (giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam).
Nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực.
Năm 2007, khi UNDP Việt Nam công bố Top 200 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã nói, chúng ta chưa có doanh nghiệp, doanh nhân tầm cỡ quốc tế.
Nhưng hơn 12 năm sau, tới nay, trên nhiều bảng xếp hạng doanh nhân toàn cầu và khu vực như bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes, bảng xếp hạng Top 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất thế giới, hay nữ doanh nhân quyền lực châu Á… đã xuất hiện tên tuổi của các doanh nhân Việt Nam như ông Phạm Nhật Vượng, ông Lê Văn Quang, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Mai Kiều Liên, bà Nguyễn Thị Nga… Tuy vậy, con số này còn rất ít ỏi và Việt Nam cần nhân lên nhiều hơn nữa.
Ðể ghi danh trên thương trường thế giới, doanh nhân Việt Nam chắc chắn phải có bề dày văn hóa, xây dựng văn hóa cho mình và cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái họ lãnh đạo.
Trước những bước ngoặt chuyển đổi lớn của đất nước, đòi hỏi đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải mang trong mình tinh thần dân tộc.
Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Ðài Tiếng nói Việt Nam khi bàn về câu chuyện này đã cho rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân ngoài việc phải dựa trên chiến lược kinh doanh và phát triển của từng doanh nghiệp thì rất cần gắn chặt với việc xây dựng con người Việt Nam, từ đó, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
Trong môi trường kinh doanh ngày nay, nhiều doanh nghiệp coi chữ “tín”, coi phát triển bền vững là điều kiện sống còn, là nguyên tắc hành động, là giá trị cốt lõi, là triết lý kinh doanh.
Tuy nhiên, đã và đang lộ diện không ít doanh nghiệp, doanh nhân xem nhẹ việc giữ gìn uy tín cá nhân và doanh nghiệp, xem nhẹ yếu tố bền vững, vi phạm đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Rất nhiều vụ việc lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố, bị phát hiện kinh doanh lừa đảo, chụp giật thời gian qua, hay có những hành vi thể hiện thói trọc phú nơi công cộng… cho thấy mặt trái đáng lo ngại đó.
Doanh nghiệp càng tăng trưởng lên quy mô lớn, chuyện giữ chữ “tín” trong kinh doanh càng được coi trọng. Chuyện những người khổng lồ trên thế giới giữ văn hóa doanh nghiệp vẫn xuất hiện hàng ngày. Samsung Galaxy Note 7 bị lỗi pin với tỷ lệ chỉ là 24 phần triệu, nhưng Samsung đã chọn giải pháp thu hồi dù tốn kém, mất nhiều thời gian, để tránh xảy ra những vụ cháy nổ pin, dù hy hữu.
Ngày nay, việc đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp không chỉ nhìn vào doanh số, lợi nhuận thuần túy, mà cao hơn là sự đóng góp cho xã hội, sự hài lòng của khách hàng. Mức độ hài lòng là sợi dây bền vững giữ chân khách hàng với doanh nghiệp.
Mức độ hài lòng đôi khi không chỉ là chất lượng, sản phẩm, mà còn ở những khía cạnh nhân văn của doanh nghiệp, sự thân thiện với môi trường. 90% người tiêu dùng chấp nhận trả giá sản phẩm cao hơn, bao gồm cả chi phí trả trước cho quyền lợi của con cháu mai sau, theo một khảo sát của PwC gần đây.
Nói đi vẫn phải nói lại, trong tất cả các doanh nghiệp, người lãnh đạo luôn có dấu ấn rất lớn. Nhìn vào chủ doanh nghiệp, người ta sẽ đánh giá được doanh nghiệp đó như thế nào, chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển của doanh nghiệp ra sao. Bởi thế, nói tinh thần doanh nhân, văn hóa doanh nhân là chìa khóa dẫn dắt doanh nghiệp là như vậy.
Ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, bên cạnh những phẩm chất cần có như tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, chấp nhận mạo hiểm, hiểu biết, nhanh nhạy trong kinh doanh thì doanh nhân cần có đạo đức, có tâm trong sáng, tôn trọng mọi người, xây dựng nguyên tắc sống thành những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi và kiên trì thực hiện chúng; để rồi sau đó truyền lửa cho nhân viên, làm sao để mọi nhân viên đều cảm nhận và đặt trọn niềm tin vào những giá trị ấy thông qua việc cảm nhận và trực tiếp chứng kiến những hành vi của người lãnh đạo doanh nghiệp. “Nhân viên sẽ tự giác làm theo những gì họ thấy được, chứ ít khi làm theo những gì họ nghe thấy”, ông Kỷ nói.
Lịch sử thế giới cho thấy, có nhiều yếu tố giúp các nền kinh tế tăng trưởng một cách ngoạn mục như năng lực lãnh đạo tài tình của bộ máy chính quyền nhà nước, chính sách quốc gia hợp thời cơ, chính sách ngoại giao thực tiễn, thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp và nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách giáo dục, cạnh tranh tự do… Và tinh thần doanh nhân của các doanh nghiệp và doanh nhân luôn có vai trò không nhỏ.
Tinh thần doanh nhân không phải là một ý niệm trừu tượng, mà được thực hiện bằng những hành động trực tiếp. Tinh thần doanh nhân kiên cường, bất khuất gắn liền với đạo đức doanh nghiệp. tinh thần văn hóa doanh nhân và trách nhiệm với xã hội đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, thúc đẩy năng lực cạnh tranh trên toàn thế giới trong việc nhanh chóng phát triển sản phẩm mới, thay đổi thiết kế, nhanh chóng tạo ra ý tưởng đổi mới và chất lượng phục vụ… làm hài lòng khách hàng, qua đó dần dần nâng cao vị thế của đất nước để ngày càng phát triển vươn xa.
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia của UNDP Việt Nam nhận xét: “Việt Nam đang trải qua cách mạng đổi mới, bên cạnh những lợi thế nhất định, quốc gia cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế. Ðó là những vấn đề liên quan đến môi trường, lương thực thực phẩm, biến đổi khí hậu… Việc giải quyết các vấn đề tồn tại cần tạo ra tầm nhìn mới thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp sáng tạo, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”.
Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập mạnh mẽ này, các lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải nâng cao trình độ, tầm nhìn quốc tế và khu vực, nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, nhất là quản trị rủi ro trên phạm vi quốc tế, vì doanh nghiệp đang sống trong môi trường quốc tế, sẽ có những nền văn hóa, ngôn ngữ, luật pháp, tập quán kinh doanh vô cùng khác nhau tham gia vào quá trình sản xuất - kinh doanh.
Ðứng trước những bước ngoặt chuyển đổi lớn của đất nước, đòi hỏi đội ngũ doanh nhân Việt Nam, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mang trong mình tinh thần dân tộc, dám đương đầu với những thách thức, khát khao thành công, có tư duy đổi mới, nỗ lực học hỏi, hội nhập để ngày càng khẳng định doanh nghiệp Việt Nam, đưa doanh nghiệp Việt Nam vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Có làm được như vậy, vị thế của doanh nghiệp Việt mới vững vàng trên sân nhà.