Lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9 đang thắp thêm niềm tin, niềm phấn khởi và tự hào cho mỗi người dân Việt Nam, nhất là khi đất nước chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng |
Đúng là Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay. Bởi từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên thành nước đang phát triển, có quan hệ với hầu hết các nước, là thành viên và đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Quy mô nền kinh tế đã tăng khoảng 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, từ 100 USD (năm 1990) lên 3.000 USD (theo cách tính GDP mới) hiện nay.
Thành tựu là không nhỏ, và như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Thành tựu đó cũng một lần nữa chứng minh sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.
Sức sống ấy - khởi nguồn từ cội nguồn con Rồng cháu Tiên, từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc, từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta… - đã giúp Việt Nam kiến tạo nên nhiều kỳ tích trong dựng nước, giữ nước, trong xây dựng và phát triển đất nước.
Có sức sống mãnh liệt ấy, Việt Nam đã làm nên một cuộc cách mạng long trời, lở đất 75 năm trước, đưa Việt Nam từ một nước nô lệ thành một nước độc lập. Có sức sống ấy, Việt Nam đã vĩ đại vượt qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, làm nên một chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu, một đại thắng mùa Xuân 1975, giang sơn thu về một mối.
Cũng nhờ sức sống ấy, Việt Nam mới có được cơ đồ ngày hôm nay, khiến cả thế giới ngưỡng mộ khi cả trăm triệu người dân đoàn kết từng bước vượt qua cuộc chiến với Covid-19, mà ngay cả những nước có nền y tế hiện đại bậc nhất, có tiềm lực tài chính vững mạnh đang phải vật lộn trong gian khó.
Nhưng thế giới đang đổi thay. Những thành tựu hiện có, dù to lớn và đáng trân trọng, cũng chưa thể đủ để đưa đất nước ta tiến nhanh, tiến mạnh vào một giai đoạn phát triển mới. Bởi sau Covid-19, cấu trúc thế giới mới sẽ hình thành. Bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tiến như vũ bão. Bởi Việt Nam trên thực tế vẫn chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, còn phải nỗ lực nhiều năm mới tiến kịp Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines…
Bởi cuộc chiến thương mại toàn cầu đang đẩy nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro, bất định. Bởi quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, mà mô hình kinh tế vẫn đang dựa nhiều vào tài nguyên, vào vốn đầu tư; năng suất, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế còn thấp. Và còn bởi những tác động của đại dịch Covid-19 khiến kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn, thử thách nghiệt ngã…
Khó khăn, thử thách là có thật và vô cùng lớn. Nhưng cùng với sự thay đổi của thế giới trước tác động của Covid-19, cơ hội to lớn cũng đang mở ra cho các nước sớm ngăn chặn được đại dịch này và nhanh chân bước vào “cuộc chơi” mới khi thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu đang được cấu trúc lại. Thậm chí, hơn một lần, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định rằng, Việt Nam đang có cơ hội “ngàn năm có một” để tiến cùng, vượt lên. Rằng, phải tận dụng thời cơ trong khi các nước vẫn đang xoay vần trong cuộc chiến với Covid-19 để rút ngắn khoảng cách và bứt phá.
Mục tiêu rất rõ ràng đã được đặt ra: đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Câu hỏi đặt ra trong lúc này, là Việt Nam có thể làm được điều đó? Sẽ có nhiều người nghi ngờ. Cũng đúng thôi! Nhưng nhìn lại quá khứ ngàn năm, đặc biệt là trong 75 năm qua và trong 35 năm Đổi mới, để tự hào và tin tưởng, Việt Nam sẽ làm được điều đó. Sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam sẽ giúp chúng ta làm được điều đó.
Xưa, trong chiến tranh, bằng tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, chúng ta đã chiến thắng. Thì nay, bằng khát vọng và ý chí “Phải xây dựng cho được đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và có thể sánh vai được với các cường quốc năm châu” - như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, chúng ta cũng sẽ thành công.
Việt Nam đã làm được những điều kỳ diệu trong quá khứ, thì chắc chắn cũng sẽ làm được nhiều điều kỳ diệu hơn nữa trong tương lai.