Nhớ lời Bác, “trước hết, nói về Đảng…”

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, rèn luyện, lãnh đạo Đảng cùng toàn dân giành độc lập, tự do, thống nhất. Đến tận phút chia tay đi xa, Người vẫn đau đáu dặn dò bao việc nước, và những lời đầu tiên là “về Đảng”.
85 mùa Xuân, Đảng đã đồng hành với đất nước và dân tộc, giành độc lập, tự do và tiến hành thành công sự nghiệp Đổi mới, hội nhập 85 mùa Xuân, Đảng đã đồng hành với đất nước và dân tộc, giành độc lập, tự do và tiến hành thành công sự nghiệp Đổi mới, hội nhập

Chàng thanh niên ái quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam

Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hiểu sâu sắc đến gốc rễ vai trò to lớn của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, từ thuở còn trứng nước đến suốt tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc sau này.

Nhớ lại, từ cuối thế kỷ XIX, với chính sách thực dân hà khắc, thực dân Pháp đã biến Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Hàng loạt phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra, nhằm tháo bung gông cùm cai trị của thực dân.

Lịch sử đã ghi lại bao cuộc đấu tranh anh dũng, quả cảm, nhiệt huyết của nhân sĩ, trí thức thời bấy giờ. Từ lời chiếu “Cần Vương” tìm gọi người tài do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng, đến phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, hay khởi nghĩa vũ trang Yên Thế của thủ lĩnh nông dân Hoàng Hoa Thám... Song các cuộc đấu tranh ấy cuối cùng đều thất bại, do thiếu một đường lối đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp đông đảo các thành phần xã hội vào công cuộc cứu nước.

Giữa lúc ấy, ngày 5/6/1911, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Năm 1920, Nguyễn Tất Thành - lúc này đã mang tên Nguyễn Ái Quốc - đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Nguyễn Ái Quốc nhìn thấy con đường giải phóng dân tộc từ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, rằng muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, trước hết phải có “Đảng cách mệnh”, để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”.

Từ nhận thức bước ngoặt đó, Nguyễn Ái Quốc đã ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam.

Ngày 17/6/1929, những đảng viên trong Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại 5D Hàm Long, Hà Nội đã tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ. Tiếp đó, lần lượt An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ (tháng 7/1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ (tháng 9/1929).

Việc cùng lúc tồn tại 3 tổ chức cộng sản dẫn đến nguy cơ thiếu thống nhất trong hành động, thậm chí là chia rẽ, không có lợi cho cách mạng. Trong bối cảnh đó, từ ngày 3 đến 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Cuốn “Bác Hồ trên đất nước Lê nin (NXB Thanh Niên, 2000) trích dẫn lời đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại hội nghị hợp nhất: “Nước Việt Nam không thể có ba đảng cộng sản. Chúng ta phải đoàn kết giai cấp, đoàn kết toàn dân, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Để đạt được mục đích ấy, phải thống nhất tổ chức. Nhân danh Quốc tế Cộng sản, tôi đề nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng cộng sản chân chính, thống nhất”.

Ý kiến đó được Hội nghị biểu quyết nhất trí, thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng. Và ngày 3/2/1930 trở thành Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vậy là, sau 19 năm bôn ba, lao động và tranh đấu không ngừng, người thanh niên yêu nước họ Nguyễn - Nguyễn Ái Quốc đã cùng những người đồng chí ưu tú tạo nên một bước ngoặt lịch sử cho dân tộc, cho đất nước, đó là thành lập một chính đảng duy nhất lãnh đạo, chèo lái cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đảng đã ra đời từ sự kết hợp giữa cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở trong nước những năm đầu thế kỷ XX; từ sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lê nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

Nhìn từ những cuộc đấu tranh quả cảm, nhiệt huyết, nhưng không đem lại kết quả của các bậc tiền bối, có thể thấy sự ra đời của Đảng là kết quả tất yếu, được lịch sử lựa chọn, sàng lọc.

Ngay từ khi ra đời, Đảng đã tỏ rõ sự trưởng thành khi có sự chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một tập thể chiến sĩ cách mạng kiên trung, ưu tú, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. 

Lời Bác dặn trước lúc đi xa

Mùa Thu năm 1969, chàng thanh niên chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam của mùa Xuân gần 40 năm trước ấy - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã vĩnh biệt chúng ta. Trước khi ra đi, “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng”, Người đã chắt chiu từng dòng suy nghĩ, gửi lại cho dân tộc, đất nước Việt Nam bản Di chúc.

Trong Di chúc, Người dặn dò những vấn đề hệ trọng của đất nước giữa lúc cuộc chiến chống xâm lược Mỹ đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Và thật cảm động, vị lãnh tụ đã sáng lập Đảng 40 năm trước lại dành lời đầu tiên, hệ trọng nhất để “nói về Đảng”.

Cần nhắc lại rằng, bản Di chúc là một áng văn đặc biệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều trăn trở, viết đi, sửa lại suốt từ năm 1965 khi Người tròn 75 tuổi cho đến trước khi Người mất. Điều đặc biệt nữa là, Người đều bắt đầu viết, sửa, bổ sung vào ngày 10/5 hằng năm, hầu hết vào khoảng 9 đến 10 giờ sáng.

Ở bản đầu tiên của Di chúc, Người mở đầu bằng câu: “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Sau đó, Người nhấn mạnh, cần thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch.

Sau các bản chỉnh sửa, bản cuối cùng được Người viết tay thêm một trang, sửa thêm ở phần đầu (ngày 10/5/1969) và phần nội dung đầu tiên của Di chúc được công bố năm 1969, Người cũng giữ lại những căn dặn đau đáu về Đảng:

“TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG (bản viết tay của Bác là chữ viết hoa - PV) - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Như bản đầu tiên chắp bút năm 1965, Người tiếp tục nhấn mạnh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

85 mùa Xuân sắp đi qua, Đảng Cộng sản Việt Nam được lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và chăm lo đã lãnh đạo nhân dân đi từ tối tăm, tù ngục đến địa vị chủ nhân của một quốc gia độc lập, tự do; đất nước vững vàng đi lên trong sự nghiệp Đổi mới và hội nhập. Đó là những sự thực rất đỗi tự hào mà không lời bôi vẽ hằn học nào có thể phủ nhận được.

Nhìn lại chặng đường đó, lại càng thấm thía sự quan tâm, dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng, quan tâm đến truyền thống quý báu, là chìa khóa làm nên sức mạnh của Đảng, đó là tinh thần đoàn kết, dân chủ.

Trong bối cảnh Đảng ta đang đánh giá 30 năm Đổi mới, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chuẩn bị nền tảng bước sang một giai đoạn phát triển mới của đất nước; khi mà toàn Đảng đã và đang tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn để Đảng thực sự là một cơ thể sống khỏe mạnh, cường tráng, thì lời căn dặn của người sáng lập Đảng - lãnh tụ Hồ Chí Minh lại càng nóng hổi tính thời sự.

Và trước mỗi khó khăn, chông gai, cùng nhớ lại lời căn dặn của Bác, là “trước hết, nói về Đảng”, về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Đan Thanh
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục