24 năm sưu tầm đá
Nhà ông Nguyễn Văn Minh ở lưng chừng đồi Yên Thế, TP. Đà Lạt, nhưng quê lại ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Học xong Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, ông vào công tác ở TP.HCM, rồi về làm Hạt trưởng Kiểm lâm, Chủ tịch huyện Đơn Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.
Ông tâm sự, ngay từ hồi còn học phổ thông, ông đã có ý tưởng sưu tầm đá từ năm 1980, sau 24 năm sưu tập đến khi hoàn thành tác phẩm, ông Minh đã lấy được đá từ hàng trăm địa danh trên các tỉnh, thành phố cả nước.
Thật cảm động khi cầm quyển sổ nhật ký ghi chép cụ thể từng chuyến đi, ngày giờ, địa điểm lấy đá của ông. Ông bảo, có dịp đến hoặc đi qua tỉnh, thành phố nào, ông đều dành thời gian tìm kiếm một viên đá ở nơi đó. Đó không đơn giản chỉ là việc nhặt đá đơn thuần, mà có nguyên tắc riêng: viên đá phải do chính tay ông lấy, phải ở trên đồi núi có những di tích lịch sử văn hóa, mang nét đặc trưng riêng của địa phương đó, bởi như thế, viên đá mới mang hồn đất đai của mỗi vùng quê.
Viên đá ở nơi nào được viết tên tỉnh, thành phố đó và được ông nâng niu, bảo quản cẩn thận. Có dịp đến Phú Thọ, ông tới thắp hương ở Đền Hùng và xin đá ở đất tổ cội nguồn. Lên Thủ đô Hà Nội, ông lấy đá ở gò Đống Đa - nơi ghi chiến công oanh liệt Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Vào TP.HCM, ông lấy đá ở Thảo cầm viên - khu vui chơi giải trí được ra đời rất sớm. Thăm Cố đô Huế ông lấy đá ở khu vực lăng Vua Tự Đức - một vị vua sáng và còn là một nhà thơ...
Ông kể, ra vùng biển Quảng Ninh, ông lấy đá ở núi Bài Thơ - nơi cách nay 468 năm, vua Trần Anh Tông đã có một bài thơ khắc vào đá núi, khẳng định chủ quyền của lãnh thổ đất nước. “Đây là viên đá gắn với chủ quyền, hào khí dân tộc, một dấu mốc tuyệt vời”, ông Minh nói.
Từ mảnh đất Lạng Sơn địa đầu Tổ quốc cho đến chót mũi Cà Mau, đâu đâu cũng in dấu chân của ông. Chỉ riêng Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ông không ra được nên đã nhờ một nhà báo lấy giùm.
4 tháng tạo dáng từng viên đá
Đến cuối năm 2004, khi đã hoàn tất việc sưu tập đá, ông bắt tay vào việc xây dựng “Bộ sưu tập đá các tỉnh Việt Nam”. Đầu tiên, ông vẽ bản đồ Việt Nam, gồm tọa độ các tỉnh thành phố theo bản đồ chuẩn. Tiếp đến là mài, đẽo các viên đá giống hình bản đồ của các tỉnh, thành phố và gắn được chúng lên đó. Để có thể mài, đục, đẽo đá, ông phải đến học các thợ lành nghề, sắm bộ đồ nghề gồm máy mài, máy khoan, cưa, đục… và dành một góc nhà làm nơi thi công.
Phải mất gần 4 tháng ròng, ông mới hoàn thành việc tạo dáng cho từng viên đá. “Phải làm sao để mỗi viên đá giữ được vẻ tự nhiên, nhưng lại hài hòa trong bộ sưu tập, thành một tấm bản đồ bằng đá tự nhiên”, ông chia sẻ.
Để gắn các viên đá lên mặt gỗ dựng đứng một cách chắc chắn, ông mày mò pha chế được một hợp chất đặc biệt. Thủ đô Hà Nội và thành phố mang tên Bác, ông lắp thêm hai bóng điện đỏ. Khu vực biển đảo, ông sơn màu xanh. Còn các nước xung quanh, ông để nguyên màu gỗ và đặt viên đá của nước đó lên.
Dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng chính là thời điểm tập trung thi công cao độ và trước ngày 30/4/2005, ông đã hoàn thành tâm nguyện về một bộ sưu tập đá chào mừng các ngày lễ lớn: 75 năm thành lập Đảng, 30 năm Giải phóng miền Nam, 115 năm Ngày sinh của Bác và 60 năm Ngày Độc lập.
9 năm qua, đã có hàng ngàn lượt khách tìm đến nhà riêng của ông tại TP. Đà Lạt để chiêm ngưỡng tấm bản đồ đá. Trong số đó có hàng trăm người là du khách ngoại quốc. Nhiều phóng viên, đài truyền hình đã viết tin bài, làm phóng sự về ông và bức bản đồ độc đáo này. Và năm 2007, tấm bản đồ đá của ông Nguyễn Văn Minh đã được công nhận đạt kỷ lục ghi-nét Việt Nam mà nhiều người gọi đây là “kỷ lục của lòng yêu nước”.
Sau tấm bản đồ đá mang hồn thiêng sông núi, hào khí dân tộc, ông Minh lại tập trung mọi trí lực hoàn thành tác phẩm “Đại thụ” trên gốc gỗ pơ-mu 9 ngọn, hàng trăm năm tuổi, gồm những bức tượng vĩ nhân, danh nhân của dân tộc bằng đá như Vua Hùng, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Đình Chiểu... Chắc chắn khi hoàn thành, đó sẽ lại là tác phẩm độc đáo của người yêu đá, yêu dân tộc, yêu đất nước Việt Nam.