Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 thu hút hơn 100 đại biểu đại diện chính phủ, các chuyên gia, học giả và nhà nghiên cứu đến từ 18 quốc gia thuộc khuôn khổ Cấp cao Đông Á (EAS) gồm các nước ASEAN và đối tác (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ) tham gia. Diễn đàn đã kế thừa và phát huy những mục tiêu đã đặt ra từ trước như tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực, xác định những lĩnh vực hợp tác và tạo khung chính trị cho hợp tác biển.
“Các nước đã trao đổi nhiều về những lĩnh vực hợp tác, coi xây dựng lòng tin là điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy hợp tác”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh nói và cho biết thêm, điểm mới của diễn đàn lần này đã xác định được những lĩnh vực và tạo khung cho sự hợp tác giữa các quốc gia trên biển Đông. Tại Diễn đàn, các nước tham dự nhấn mạnh đến những lĩnh vực có thể hợp tác trong thời gian tới như ứng phó với thiên tai, sự cố về tàu thuyền, cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm trên biển, nếu thiết lập được dàn xếp khu vực, trong đó có cả lập đường dây nóng để có thể liên hệ được với nhau là rất quan trọng.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam nhấn mạnh: Hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải là mối quan tâm chung. Các quốc gia trong và ngoài khu vực mong muốn cùng sát cánh với ASEAN nỗ lực vì mục tiêu chung: cùng nhau hợp tác để tăng cường lòng tin và mở rộng các lĩnh vực hợp tác biển vì hòa bình, ổn định khu vực, vì lợi ích chung của các nước
“Những cuộc họp lần này vừa có điểm mới, vừa có tính chất kế thừa. Điểm mới ở đây là lần này nhấn rất nhiều vào những biện pháp cụ thể như thế nào để bảo đảm luật pháp quốc tế, Công ước luật biển, DOC đi vào thực hiện trên thực tế. Thứ 2 là ứng phó với những sự cố như thiên tai về giúp đỡ nhân đạo và ứng phó với sự cố có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng hải, tạo ra những cơ chế phù hợp, có những dàn xếp khu vực phù hợp để các bên cùng thực hiện kiềm chế và thực hiện nghĩa vụ của mình theo các thỏa thuận quốc tế”, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.
Hầu hết các ý kiến tại Diễn đàn đều cho rằng, đối với cả hợp tác phát triển klinh tế biển lẫn đảm bảo an ninh hàng hải, xây dựng lòng tin là cơ sở quan trọng. Vì thế, Diễn đàn biển ASEAN và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng tiếp tục phát huy vai trò là kênh bổ trợ cho các diễn đàn hiện có, đặc biệt trong các vấn đề chiến lược và liên ngành, với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Theo đó, các kết quả và kiến nghị từ các diễn đàn cần được chia sẻ và gắn kết với các kênh chính thức của ASEAN.
“Trong trao đổi các nước nhấn rất mạnh vào việc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước luật biển để bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn ở khu vực này và ủng hộ quyết định của ASEAN vừa rồi là làm sao thực hiện cho tốt Điều 5 của DOC về thực hiện kiềm chế và không có hành động làm phức tạp tình hình; đồng thời yêu cầu cả ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa cái tham vấn để sớm có bộ quy tắc ứng xử về COC. Các nước cũng đã trao đổi nhiều về những lĩnh vực hợp tác, coi xây dựng lòng tin là điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy hợp tác nhiều hơn nữa”, ông Vinh khẳng định.
Trong bối cảnh tình hình các vùng biển trong khu vực gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, Diễn đàn biển ASEAN mở rộng đã và đang phát huy vai trò là Diễn đàn thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin về an ninh biển.
Ông Robert K Harris, Cố vấn pháp lý về Đông Á Thái Bình Dương Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi khẳng định lập trường của mình là vị thế của Mỹ ở biển Đông rất rõ ràng, nhất quán, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chung. Rõ ràng, diễn đàn khu vực và cấu trúc khu vực là một công cụ hữu hiệu để những nước có chung lợi ích giải quyết các tranh chấp trên biển và để chắc chắn rằng hệ thống quốc tế trợ giúp các nước trong ASEAN, đáp trả các yêu sách và tìm hướng giải quyết”.
Sau hơn 20 năm thực hiện công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Diễn đàn này cũng tiến hành đánh giá tình hình thực hiện UNCLOS ở khu vực, chia sẻ về các kinh nghiệm thực hiện cũng như trao đổi về hướng hợp tác để đảm bảo thực hiện hiệu quả UNCLOS trong bối cảnh các vùng biển ở khu vực có những diễn biến phức tạp hiện nay.
Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về tình hình hợp tác biển trong ASEAN và kiểm điểm các sáng kiến đã và đang được tiến hành trong AMF; Tăng cường hợp tác khu vực ASEAN về cứu trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai; Quản lý và Bảo vệ hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học cũng như thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khai thác các nguồn lợi thủy sản; Thúc đẩy hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực, trong đó có Biển Đông thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin cũng như các công cụ, cơ chế khu vực nhằm ngăn chặn và quản lý xung đột.
Sau 5 năm đi vào hoạt động, AMF đã từng bước tạo lập được cơ chế đối thoại mang tính tương tác cao giữa các nước thành viên ASEAN, tạo dựng lòng tin, đưa ra được một số khuyến nghị giúp thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN trong hợp tác biển, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Một trong những thành công của AMF là tạo được sự quan tâm lớn của các nước đối tác ASEAN, từ đó thành lập Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF). Trong lĩnh vực hợp tác ứng phó thiên tai và cứu trợ nhân đạo, các nước đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm thu được của ASEAN thông qua ứng phó với cơn bão Hải Yến tại Philippines năm 2013.
Tại Diễn đàn, các nước tham gia đã cùng kiểm điểm lại mối quan hệ hợp tác trong thời gian qua trên các lĩnh vực về biển và an ninh, an toàn hàng hải; Tăng cường hợp tác ứng phó với những thảm họa và va chạm trên biển, đặc biệt trong lĩnh vực nhân đạo. Đồng thời, các nước cũng tích cực thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác như phòng chống thiên tai, cứu trợ nhân đạo với người và tàu thuyền đi biển gặp nạn và các lĩnh vực an ninh phi truyền thống trên biển. Hợp tác biển ngày càng trở thành một trong những ưu tiên của các nước ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác.
Giáo sư Carl Thayer, Học viện quốc phòng Australia cho rằng, Diễn đàn biển ASEAN là cơ hội để các nước trong khu vực tăng cường hợp tác biển, đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải.
“Diễn đàn này tạo ra không gian cho ASEAN trong bối cảnh có nhiều diễn biến mới ở Biển Đông. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã thể hiện sự chuyên nghiệp trong việc tổ chức diễn đàn này, thể hiện vị thế quan trọng của một quốc gia hướng biển trong ASEAN”, Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh.