Nhiều địa phương không duy trì được đà giải ngân vốn đầu tư công tốt của năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
Đó là một trong những lý do vì sao, ước đến cuối tháng 6/2024, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 196.700 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch, thấp hơn con số 30,49% của cùng kỳ năm ngoái.
Giải ngân một số dự án trọng điểm quốc gia, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý đạt thấp. Giải ngân một số dự án trọng điểm quốc gia, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý đạt thấp.

Dẫn số liệu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 30/6/2024, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết 639.300 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chưa phân bổ chi tiết 29.900 tỷ đồng.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ về việc điều chỉnh giảm số vốn đến ngày 15/5/2024 chưa phân bổ chi tiết để bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác có nhu cầu. Tuy nhiên, sau ngày 15/5/2024, có 4 bộ và 10 địa phương tiếp tục phân bổ số vốn 954,4 tỷ đồng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Trong khi đó, về giải ngân, ước đến ngày 30/6/2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 196.700 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ giải ngân này đã thấp hơn so với con số 30,49% của cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải về con số này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, là do giải ngân vốn ngân sách địa phương thấp hơn cùng kỳ. 6 tháng, tỷ lệ giải ngân của các địa phương chỉ đạt 28,77%, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 32,76%.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 6 tháng đầu năm, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Kết quả, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước. Trong đó, có một số bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông - Vận tải, các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Lào Cai, Phú Thọ…

Tuy nhiên, vẫn có tới 15 bộ, cơ quan và 33 địa phương có số vốn giải ngân thấp hơn cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông, liên vùng do địa phương quản lý đạt thấp.

“Nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định và cho biết, có 15/44 bộ, cơ quan trung ương 33/63 địa phương có số vốn giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, đặc biệt có một số địa phương dù được giao kế hoạch năm 2024 cao hơn năm 2023 nhưng có giá trị giải ngân tuyệt đối 6 tháng đầu năm 2024 thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023.

Chẳng hạn, TP.HCM thấp hơn 4.604 tỷ đồng; Quảng Ngãi thấp hơn 1.510 tỷ đồng; TP. Hải Phòng thấp hơn 1.476,9 tỷ đồng; Bắc Giang thấp hơn 1.097 tỷ đồng; Đồng Nai thấp hơn 839 tỷ đồng...

Lý giải về việc vì sao giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bên cạnh các khó khăn, vướng mắc đã chỉ ra như giải phóng mặt bằng chậm; thiếu đất, cát đắp nền; biến động giá nguyên, nhiên vật liệu; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lúa, đất rừng kéo dài…, thì tình hình trên còn do kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2024 cao hơn năm 2023 khoảng 89.000 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết.

Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có nhiều biến động, nên các địa phương chưa thể tổ chức đấu giá đất, ảnh hưởng đến khả năng huy động và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân chậm còn có nguyên nhân chủ quan, do công tác tổ chức thực hiện tại một số bộ, ngành, địa phương còn bất cập, chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt, chưa đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Còn tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia..., Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án; lập và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện và giải ngân đối với từng dự án; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất…; kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng, cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp với diễn biến thị trường.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý thu, triệt để tiết kiệm chi ngân sách địa phương để bảo đảm tối đa vốn theo tiến độ cho các dự án đầu tư công.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để thực hiện phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục