Trong năm 2024, Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ giao 4.174 tỷ đồng vốn đầu tư ngân sách nhà nước, trong đó vốn ngân sách địa phương 3.454 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 720 tỷ đồng; HĐND tỉnh giao 4.250 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã quyết liệt, tập trung, chỉ đạo, đẩy nhanh phân khai vốn và tiến độ dự án. Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 50% vào quý II/2024. Tuy nhiên, kết quả trên thực tế không được như kỳ vọng.
Thông tin tại hội nghị giao ban đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 cho thấy. Đến ngày 31/5/2024, giải ngân vốn đầu tư công được 1.005,527 tỷ đồng, đạt 24,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 23,66% kế hoạch HĐND tỉnh giao (giảm 29,15% so với cùng kỳ).
Ước giải ngân đến 30/6/2024 là 1.282,377 tỷ đồng, đạt 30,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 30,17% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Theo báo cáo UBND tỉnh, trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công vẫn còn một số hạn chế do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Có thể kể đến như vai trò người đứng đầu tại một số đơn vị chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế.
Bên cạnh đó còn những vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều dự án gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm, khai thác vật liệu xây dựng. Sự phối hợp giữa các cơ quan có lúc thiếu chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt. Việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh…
Để thực hiện hoàn thành Kế hoạch xây dựng cơ bản năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn bằng các biện pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của chương trình phục hồi, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên vật liệu phục vụ các dự án, công trình trọng điểm. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các cấp chính quyền. Thành lập các tổ công tác, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công.
UBND tỉnh Tây Ninh ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024.
Danh mục gồm 6 dự án về đô thị, 15 dự án lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở, 10 dự án lĩnh vực khu thương mại dịch vụ và chợ, 9 dự án lĩnh vực nông nghiệp, 3 dự án lĩnh vực du lịch và một số dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, giao thông vận tải, thể thao, thu gom và xử lý nước thải đô thị, cấp nước đô thị.
Trong đó, có những dự án có quy mô lớn, nổi bật như các dự án: Khu đô thị dịch vụ Trảng Bàng với diện tích 175 ha; Khu đô thị phụ cận Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen (TP Tây Ninh) với diện tích 266 ha; Trồng dược liệu dưới tán rừng kết hợp du lịch sinh thái và dịch vụ y khoa tại xã Hoà Hội (huyện Châu Thành) diện tích 1.200 ha, Khu trồng trọt chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Hội, Tân Hà (huyện Tân Châu)...
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, quy hoạch đã mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Tây Ninh.
Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.
Về phương án phát triển hệ thống đô thị đến năm 2030, tỉnh phấn đấu có 16 đô thị. Trong đó có 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV, 7 đô thị loại V. Tương tự, hệ thống khu công nghiệp sẽ được phân bố chủ yếu theo các trục: QL22, QL 22B, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh và các trục đường kết nối với trung tâm kinh tế của Vùng…