Đó là nhận định rất đáng chú ý tại Báo cáo Đánh giá tái cơ cấu kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2014, được Viện Quản lý kinh tế Trung ương công bố mới đây.
Theo TS Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (CIEM), quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. “Kinh tế vĩ mô liên tục được giữ vững.
Chỉ số an toàn quốc gia được nâng cao, môi trường kinh doanh có sự cải thiện. Phản ứng của thị trường là khá tích cực. Xu hướng tăng trưởng kinh tế đang tăng vững.
Hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp đã được cải thiện đáng kể. Đóng góp của dịch chuyển cơ cấu trong tăng năng suất lao động được ghi nhận. Môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư đã được cải thiện mạnh mẽ nhờ thông qua các luật về doanh nghiệp, đầu tư và đã được các tổ chức xếp hạng thế giới ghi nhận có sự cải thiện.
Nhiều khả năng trong các bảng xếp hạng tới, thứ hạng của Việt Nam sẽ còn tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Các hoạt động đầu tư công, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, của hệ thống ngân hàng đã trở nên minh bạch hơn, có sự giám sát lớn hơn”, TS Tú Anh cho biết.
Cũng theo Báo cáo, chuyển dịch trên cơ cấu thu của ngân sách nhà nước đang dần chuyển sang hướng tích cực, nguồn thu vẫn tăng vững, mặc dù tỷ lệ huy động vào ngân sách từ nền kinh tế có xu hướng giảm, tạo điều kiện nhiều hơn cho doanh nghiệp phát triển. Phân bố nguồn lực vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng nhưng vai trò của TTCK ngày càng tăng và tăng ngay cả vào thời điểm nền kinh tế khó khăn nhất.
Sự dịch chuyển của đầu tư trên TTCK thời gian qua cũng có những bước tiến đáng ghi nhận. Cổ phiếu của DN thuộc những ngành có giá trị gia tăng cao đang được thị trường đón nhận khá tích cực cả về quy mô giao dịch và khối lượng giao dịch.
Tuy nhiên, theo ông Tú Anh, kết quả nghiên cứu từ báo cáo cũng chỉ ra rằng, quá trình tái cơ cấu vẫn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, khiếm khuyết, cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại khiến việc tái cơ cấu, đổi mới nền kinh tế chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí. Ngay cả trong kỷ luật đầu tư công, mặc dù đã có những văn bản pháp luật quy định chặt chẽ, những chỉ thị liên tục của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn còn nhiều sai phạm. Các quy trình quản lý đầu tư công theo hiệu quả đầu tư chưa được xây dựng.
Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, những ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước đang là yếu tố làm méo mó thị trường. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa phải đối diện với giới hạn ngân sách cứng, do đó áp lực phải sử dụng nguồn lực hiệu quả chưa cao.
Đến nay chưa có đủ số liệu để đánh giá hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa, và/hoặc sau khi thực hiện tái cơ cấu. Những chính sách đổi mới quản trị doanh nghiệp trong các doanh nghiệp này cũng chưa đi vào thực chất.
Cơ chế lồng ghép giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu vẫn còn hiện hữu. Đây là nguyên nhân tạo ra sân chơi không bình đẳng đối với các doanh nghiệp khác cũng như hiện tượng ngân sách mềm.
Đối với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hạn chế bộc lộ rõ là quá trình xử lý nợ xấu kéo dài, sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn cao cũng là nguyên nhân làm cho tín dụng không tăng được như mong đợi.
Nhận định về tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, ông Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam cho rằng, tái cấu trúc nền kinh tế có nghĩa, tái cấu trúc của các vùng, các tỉnh, các ngành đều cần thực hiện. Theo ông Thái, trong các báo cáo về tái cơ cấu kinh tế chưa thu thập nhiều tư liệu cần để đánh giá hiệu quả, thứ tự ưu tiên của từng ngành, từng vùng.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, cần có đánh giá vừa tổng quát vừa chi tiết. “Chúng ta mới đi “mon men” vào tái cơ cấu, tái cơ cấu cần đạt được trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong 3 năm vừa qua, chúng ta mới chỉ gỡ rối mà gỡ rối chưa xong. Chương trình tái cơ cấu chậm là phải, chậm quá”, ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, tái cơ cấu là phân bổ lại nguồn lực nhưng không phải là nhà nước phân bổ lại, mà phải là do thị trường phân bổ lại nguồn lực. Khi vai trò của Nhà nước ít đi, vai trò thị trường tăng lên thì nguồn lực sẽ được phân bổ đúng hơn và theo đó chất lượng cũng như hiệu quả sẽ tăng lên.