Trong giai đoạn đầy khó khăn và thách thức đó, ngành bảo hiểm vẫn có cú chuyển mình ấn tượng để nhanh chóng thích nghi và đạt được những bước tiến tăng trưởng đáng kể, trở thành điểm sáng của bức tranh kinh tế ảm đạm giữa đại dịch. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện đầu xuân với ông Gaurav Sharma – Tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife – để có cái nhìn rõ và sâu hơn về chủ đề này.
Ông có cho rằng thành công lớn nhất của ngành bảo hiểm năm 2020 chính là việc các doanh nghiệp bảo hiểm đã thích ứng rất nhanh trước những thử thách mới?
Năm 2020 quả là một năm có quá nhiều khó khăn cho mọi ngành kinh tế, tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có “cú lội ngược dòng” với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 20% (theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội bảo hiểm). Không những thế ngành bảo hiểm còn là điểm sáng về thu hút nhân sự.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các ngành nghề thì ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam may mắn duy trì tăng trưởng ổn định.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc dịch bệnh khiến người dân quan tâm hơn đến sức khỏe và bảo hiểm, đồng thời cũng nhờ vào sự thích ứng rất nhanh của các doanh nghiệp bảo hiểm trước những thử thách mới.
Trong đó, thay đổi tích cực nhất có thể kể đến là việc tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đã đẩy nhanh hơn tiến độ công nghệ hóa, số hóa và thay đổi cách vận hành kinh doanh, giao dịch với khách hàng… đều đã có thể được thực hiện trực tuyến.
Năm 2020 đã diễn ra như nào với BIDV MetLife thưa ông? Chiến lược kinh doanh có phải thay đổi nhiều để thích nghi mới tình hình mới?
Có thể nói, COVID-19 chính là ‘cú hích’ mạnh mẽ buộc ngành bảo hiểm phải thay đổi nhanh chóng để thích ứng. Và bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife cũng không nằm ngoài xu thế ấy.
Dù trong những giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh và quy định giãn cách xã hội từ Chính phủ, hoạt động làm việc và đạo tào của BIDV MetLife không hề bị gián đoạn thông qua những kênh online từ xa như Webex.
Đặc biệt, chúng tôi đã đào tạo hơn 7.000 cán bộ bán hàng được cấp phép (LBS) trên hơn 1.000 điểm hiện diện, và kênh đại lý cũng đạt được bước khởi đầu vững mạnh.
Năm 2020 dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng tổng doanh thu của chúng tôi vẫn tăng 28% và lượng khách hàng tăng 30% so với năm 2019. Nhờ đó, tổng tài sản của chúng tôi đã cán mốc hơn 3.600 tỷ đồng. Chúng tôi cũng đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng lên đến 5.790 trường hợp, với tổng giá trị chi trả là 25,2 tỷ đồng…
Một cột mốc đáng nhớ là vào tháng 10/2020, BIDV MetLife đã được vinh danh giải thưởng “Corporate Excellence Award” – Doanh nghiệp xuất sắc Châu Á 2020 do Enterprise Asia – Tổ chức phi chính phủ hàng đầu về Kinh doanh tại Châu Á trao tặng. Chủ đề của giải thưởng năm nay là “Thúc đẩy phát triển kinh tế vượt qua mọi giới hạn và thách thức” trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.
Ông Gaurav nhận giải thưởng Doanh nghiệp xuất sắc Châu Á 2020 từ Ban tổ chức APEA 2020. |
Theo ông, tốc độ tăng trưởng khả quan của năm 2020 có được tiếp tục duy trì trong năm 2021?
Như tôi đã chia sẻ ở trên, COVID-19 đã làm thay đổi khá rõ nét nhận thức về cuộc sống, tài chính và bảo hiểm sức khỏe của nhiều người. Người dân đã quan tâm hơn đến sức khỏe vì vậy họ cũng chủ động tìm biện pháp bảo vệ trước dịch bệnh. Đây chính là cơ hội để các công ty bảo hiểm có thể phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe với nhiều mức tùy chọn và đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng hơn…
Ngoài ra, nhu cầu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn nhờ các hợp đồng bancassurance độc quyền mới được ký kết, các công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng lớn hơn.
Trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và không còn giãn cách xã hội, các hoạt động bán hàng (họp mặt, hội nghị khách hàng...) sẽ có thể phục hồi về mức trước COVID, thúc đẩy hoạt động bán hàng mạnh mẽ hơn.
Thực tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn bởi vẫn còn rất nhiều cơ hội để tăng trưởng. Hiện nay, tỷ lệ dân số Việt Nam có bảo hiểm còn rất thấp, chỉ khoảng 10%.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng cũng đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm cũng như pháp luật về kinh doanh bảo hiểm để đến năm 2025 Việt Nam đạt 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ…
BIDV MetLife có kế hoạch, chiến lược gì cho năm tới trong chiến lược phát triển sản phẩm, vận hành cũng như các kênh phân phối?
Ngoài việc tiếp tục phát triển thêm các dòng sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của hầu hết các phân khúc khách hàng thì đầu tư vào công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng về dịch vụ vẫn tiếp tục là mục tiêu quan trọng của BIDV MetLife.
Trong những năm qua, BIDV MetLife đã mang đến những giải pháp tài chính – bảo hiểm vượt trội, đưa ra thị trường 15 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và đạt mức tăng trưởng hơn 33% phí bảo hiểm mới hàng năm.
Ngay trong những ngày đầu của năm mới 2021, BIDV MetLife đã ra mắt chương trình Serve Happy với mục tiêu mang đến cho khách hàng những trải nghiệm đột phá và hỗ trợ nâng cao chuyên môn của đội ngũ tư vấn qua việc tích hợp các giải pháp công nghệ số và tối ưu quy trình tự động hóa của bộ đôi tính năng Happy Door và Happy Library.
Nếu như Happy Door được coi là cổng thông tin tự động tiếp nhận – xử lý – báo cáo các yêu cầu hỗ trợ từ khách hàng và đội ngũ bán hàng, thì Happy Library được xây dựng như một thư viện kiến thức trực tuyến dễ sử dụng, dễ chia sẻ và thuận tiện tra cứu 24/7 dành cho đội ngũ bán hàng, cung cấp thông tin tập trung và chính thống về sản phẩm, quy trình và quy định do BIDV MetLife ban hành.
Tầm nhìn của BIDV MetLife là trở thành đối tác tin cậy của nhân viên và khách hàng và hướng tới vị trí Top 3 ngân hàng bảo hiểm (bancassurance) và nhà cung cấp giải pháp bảo hiểm nhân thọ kỹ thuật số hàng đầu tại thị trường Việt Nam.