Lần đầu tiên kể từ khi khung pháp lý về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc ra đời, quyết tâm thúc đẩy việc mua loại bảo hiểm này đã được thể hiện rõ tại lễ ký kết “Chương trình phối hợp đẩy mạnh thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc năm 2015 giữa Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công An)” diễn ra hôm 10/6.
Việc 2 đơn vị trên bắt tay vào cuộc được kỳ vọng sẽ mở lối cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của sản phẩm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, để loại sản phẩm này thực sự là một công cụ, giải pháp tài chính hữu hiệu, giúp cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, ông Phùng Ngọc Khánh đánh giá rằng, dù thời gian triển khai nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc so với các nghiệp vụ khác chưa nhiều (mới triển khai từ năm 2007) nhưng doanh thu tăng trưởng đều qua các năm, nhận thức về ý nghĩa của bảo hiểm cháy nổ bắt buộc ngày càng được nâng cao. Năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đã đạt 1.083 tỷ đồng.
Con số trên tưởng chừng lớn, thế nhưng, các DNBH phi nhân thọ cho rằng, nếu làm tốt hơn, kết quả đạt được sẽ còn gấp nhiều lần, bởi một trong những đối tượng thuộc diện phải mua loại bảo hiểm này là nhà chung cư đang ngày càng mọc lên như nấm. Dù vậy, vẫn còn nhiều những khó khăn trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc trong thực tế triển khai.
“Số lượng tổ chức, DN và người dân tham gia bảo hiểm còn hạn chế; các DN bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận động, thuyết phục khách hàng tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; công tác kiểm tra, giám sát chưa được tăng cường nên việc xử phạt đối với các tổ chức, DN không tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc còn thấp”, ông Khánh nói.
Từ thực tế triển khai, các DNBH phi nhân thọ cũng thừa nhận, vẫn còn cả một chặng đường gian nan trong việc thuyết phục khách hàng mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Ngay cả với các DN đã và đang bán tốt nhất trên thị trường là Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh thì cán bộ khai thác bảo hiểm cũng cho rằng rất khó bán hàng.
“Những tưởng khi một loạt hành lang pháp lý đang dần được kiện toàn, trong đó có các văn bản liên bộ giữa Bộ Tài chính và Bộ Công An, với đầy đủ các quy định và chế tài xử phạt thì công tác bán hàng sẽ dễ dàng hơn. Nhưng thực tế lại không như vậy. Nhiều cán bộ khai thác báo lại rằng, một số đối tượng thuộc diện phải mua bảo hiểm nhưng từ chối mua, bởi cho rằng sẽ không bị phạt, hoặc chỉ chỉ phạt do không tuân thủ qui định an toàn cháy nổ”, Phó Tổng giám đốc một DNBH cho biết.
Liên tiếp các vụ cháy nổ lớn xảy ra, gây tổn thất không nhỏ trong thời gian gần đây đã cho thấy một nghịch lý đang diễn ra. Đó là bảo hiểm cháy nổ bắt buộc rất có ý nghĩa trong việc góp phần bảo vệ toàn diện DN trước các tổn thất bất ngờ, đảm bảo sự phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội, nhưng khách hàng vẫn không mặn mà mua, thậm chí lơ là, chấp nhận đứng nhìn nguy cơ tổn thất lớn.
Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy, riêng năm 2014, các DN bảo hiểm đã bồi thường gần 671 tỷ đồng. Một số vụ cháy gây ra tổn thất lớn trong thời gian qua đã được các DNBH bồi thường kịp thời với số tiền không nhỏ. Chẳng hạn vụ cháy nhà kho Công ty Nippon Express ở Nội Bài, Hà Nội tháng 10/2014 (bồi thường 230 tỷ đồng); vụ cháy Nhà máy mực in Sakata ở Bình Dương tháng 9/2014 (bồi thường 150 tỷ đồng). Chưa kể các vụ cháy ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh ngày 13 và 14/5/2014 đã được DN bảo hiểm tạm ứng bồi thường gần 700 tỷ đồng.
Chia sẻ với ĐTCK, một lãnh đạo DNBH cho biết một diễn biến phổ biến khác, đó là người dân từ chối bỏ tiền mua bảo hiểm với mức phí thấp (chỉ vài triệu đồng), thay vào đó sẵn sàng chấp nhận mức phí nộp phạt cao do không tuân thủ việc mua bảo hiểm theo đúng quy định (vài chục triệu đồng). Nguyên nhân là bởi, “trên thực tế, hầu như chưa xử phạt do không mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, mới chỉ dừng ở việc xử phạt về việc không tuân thủ an toàn cháy nổ, trong khi khâu tuyên truyền về loại hình BH này vẫn chưa được chăm chút kỹ”, lãnh đạo một DNBH chia sẻ.