21/30 doanh nghiệp bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 9 doanh nghiệp bảo hiểm còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường và đều trên 50% là MSIG (218,33%), UIC (148,98%), Cathay (140,25%), Fubon (141,61%), Phú Hưng (99,45%), Bảo Việt Tokyo Marine (89,32%), Bảo hiểm PVI (64,82%), BSH (59,05%), Liberty (55,60%).
Theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, tỷ lệ bồi thường của Bảo hiểm PVI cao là do có nhiều vụ tổn thất lớn thuộc nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại như: tổn thất giếng Cửa Lò 1 thuộc Song Hong Basi (ước số tiền bồi thường là 710 tỷ đồng); bồi thường tổn thất rò rỉ đường ống dẫn khí của mỏ Chim Sáo (ước số tiền bồi thường là 189 tỷ đồng)…
Còn tại MSIG, tỷ lệ bồi thường cao là do thanh toán bồi thường cho đơn bảo hiểm mọi rủi ro tài sản cho Công ty TNHH Meiko Electronics Vietnam liên quan đến vụ cháy xảy ra vào tháng 9/2013 với số tiền bồi thường trong tháng 4/2015 là 305 tỷ đồng.
Tỷ lệ thực bồi thường của UIC cao là do năm 2015 bắt đầu thanh toán dần cho 2 vụ cháy lớn trong năm 2014 là vụ cháy Nhà máy mực in Sakata ở Bình Dương vào tháng 9/2014, ước số tiền bồi thường là 150 tỷ đồng và vụ cháy nhà kho Công ty Nippon Express ở Nội Bài, Hà Nội vào tháng 10/2014, ước số tiền bồi thường là 230 tỷ đồng.
Trong tháng 4/2015, Cathay và Fubon đã bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong vụ việc xảy ra tại Bình Dương vào ngày 13/5/2014 với số tiền lần lượt là 32 tỷ đồng và 53,2 tỷ đồng, đó là lý do khiến tỷ lệ thực bồi thường của Cathay, Fubon cao.
Cũng trong 4 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 9.939 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc vẫn là Bảo hiểm PVI với doanh thu đạt 2.120 tỷ đồng, tăng 13,15% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 21,34% thị phần. Tiếp đến là Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu ước đạt 1.790 tỷ đồng, tăng 4,43% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 18,02% thị phần, Bảo Minh đứng thứ ba với doanh thu ước đạt 910 tỷ đồng, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 9,17% thị phần. Đứng thứ tư là PJICO với doanh thu ước đạt 706 tỷ đồng, tăng 12,21% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 7,11% thị phần. PTI đứng thứ năm với doanh thu ước đạt 694 tỷ đồng, tăng 36,52% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 6,99% thị phần.
Ngoài các doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu thị trường nêu trên, một số doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 50% so với cùng kỳ năm 2014 như VASS (335 tỷ đồng, tăng 4,68 lần), VBI (121tỷ đồng, tăng 2,23 lần), Phú Hưng (15 tỷ đồng, tăng 2,04 lần), ACE (31 tỷ đồng, tăng 88,33%), MIC (455 tỷ đồng, tăng 62,82%).
Một số doanh nghiệp bảo hiểm khác có doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm 2014 là AAA (72 tỷ đồng, giảm 58,13%), VNI (86 tỷ đồng, giảm 9,77%).
Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (3.106 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,27%), tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người (2.143 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,57%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (1.798 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,10%), bảo hiểm cháy nổ (875 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,81%), bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu (756 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,61%).