Tỷ lệ bồi thường 2014 giảm 3,3%
Số tiền thực bồi thường bảo hiểm của khối phi nhân thọ đạt 10.353 tỷ đồng trong năm 2014, tăng 4,2% so với năm 2013. Con số trên cùng với số tiền trả bảo hiểm 8.199 tỷ đồng (tăng 3,9%) của khối bảo hiểm nhân thọ trong năm qua đã đưa tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm toàn ngành tăng 4,1% so với năm 2013, khoảng 18.552 tỷ đồng, theo số liệu ước tính từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).
Tính trên con số 25.250 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm của khối phi nhân thọ, theo ước tính của cơ quan này, tỷ lệ bồi thường của khối đạt khoảng 41%. Như vậy, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc năm nay thấp hơn năm ngoái. Năm 2013, tỷ lệ này là 44,3%.
Tỷ lệ bồi thường giảm, là kết quả của những nỗ lực lớn của các DN trong kiểm soát rủi ro ngay từ khâu cấp đơn, tăng cường hiệu quả khai thác dịch vụ, nhưng vẫn ở mức cao, cao hơn so với năm 2012 (tỷ lệ bồi thường của khối phi nhân thọ là 38,8%). Đó là do các nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao chưa được cải thiện nhiều, cùng với sự kiện bảo hiểm bất ngờ xảy ra, với giá trị tổn thất lớn như sự cố ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh hồi cuối tháng 5. Chưa kể, nhiều tổn thất bất thường từ cháy nổ, cộng với bồi thường bảo hiểm theo chương trình thí điểm nông nghiệp vẫn còn sót lại.
Số liệu thống kê đầy đủ của cơ quan quản lý nhà nước về thị trường bảo hiểm trước đó cho thấy, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc 9 tháng đầu năm 2014 đạt 38%. Trong đó, 20/29 DNBH phi nhân thọ có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 9 DNBH còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường toàn thị trường, trong đó có 7 DNBH tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc trên 50% là Fubon (197%), MSIG (75%), GIC (69%), Cathay (81%), XTI (54%), Liberty (51%), BVTM (126%). Tỷ lệ bồi thường cao tập trung chủ yếu ở các nghiệp vụ xe cơ giới, sức khỏe, tài sản - thiệt hại.
Chia sẻ với ĐTCK, một DNBH cho biết, đến đầu tháng 6, các DNBH đang rất vui với tỷ lệ bồi thường chỉ khoảng 36%, giảm hẳn so với cùng kỳ năm ngoái thì sự cố tháng 6 trên đã khiến các DNBH một phen sốc nặng.
Một DNBH thuộc Top 5 chia sẻ, tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ tài sản kỹ thuật của công ty mình trong 6 tháng đầu năm 2014 được duy trì ở mức thấp, ước chỉ 20%, giảm 10% so với cùng kỳ thì sự cố tại Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh bất ngờ ập đến, với ước thiệt hại sơ bộ khoảng 400 - 500 tỷ đồng. Đó cũng là thiệt hại lớn nhất đối với DN này từ trước đến nay, làm tăng tỷ lệ bồi thường sau đó.
Với tổng số tiền ước thiệt hại là 2.500 tỷ đồng, đến nay, theo báo cáo của các DNBH, tổng số tiền bồi thường, tạm ứng bồi thường cho 317 doanh nghiệp bị thiệt hại là 268 tỷ đồng.
2015, nỗ lực giảm còn dưới 40%
Nỗ lực kéo tỷ lệ bồi thường xuống dưới 40% đang được các DNBH đặt ra trong năm 2015, nhờ tiếp tục tăng cường các khâu kiểm soát rủi ro ngay từ khâu cấp đơn.
“Với nghiệp vụ bảo hiểm vật chất xe, được xem là nghiệp vụ bị trục lợi bảo hiểm nhiều nhất, chúng tôi sẽ nâng cao quy trình kiểm tra xe trước khi cấp giấy chứng nhận bảo hiểm vật chất xe cũng như đánh giá, sàng lọc các khách hàng rủi ro cao, lỗ kinh doanh liên tục. Ngoài ra, sẽ tăng cường kiểm soát giá sửa chữa xe ô tô có số tiền sửa chữa từ 50 triệu đồng trở lên”, một lãnh đạo DN nói.
Việc giảm dần tỷ lệ bồi thường nhằm tránh cho DNBH bị lỗ nghiệp vụ, có thêm tiền để đầu tư, sinh lời cho DNBH cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh - xã hội đất nước. Năm 2014, nhờ giảm tỷ lệ bồi thường mà tổng số tiền đầu tư của các DNBH phi nhân thọ ước đạt khoảng 28.403 tỷ đồng (tăng 7% so với năm 2013).
Dẫu vậy, để thực hiện được mục tiêu này không đơn giản, ngành bảo hiểm vẫn đang đứng trước bài toán lớn là tăng cường quản trị rủi ro, phòng chống trục lợi bảo hiểm. Chưa kể, theo một chuyên gia trong ngành, nếu không kiểm soát tốt công tác quản lý khi bán bảo hiểm thủy sản cho ngư dân theo chương trình thí điểm mới đây của Chính phủ (theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014) thì giảm bồi thường sẽ chỉ là kỳ vọng, giống như từng xảy ra với chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.