Thương vụ tỷ USD khuấy động thị trường M&A
Đầu tuần này, VPBank ký thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC, với giá trị 1,5 tỷ USD (khoảng 35.900 tỷ đồng). Đây là thương vụ có giá trị kỷ lục trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam từ trước tới nay, phá vỡ kỷ lục mà chính VPBank tạo ra trước đó (VPBank bán 49% vốn FE Credit với giá trị gần 1,4 tỷ USD).
Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Âu gặp nhiều khó khăn, sự kiện trên vô cùng có ý nghĩa, chứng tỏ sự hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam. Ông Jun Ohta, Giám đốc điều hành SMBC khẳng định, Việt Nam là thị trường rất quan trọng trong chiến lược phát triển của ngân hàng này.
“Mặc dù thế giới đang có nhiều bất ổn, song chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam, cũng như tin rằng, VPBank sẽ trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai. SMBC cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện để VPBank đạt mục tiêu này”, ông Jun Ohta nhấn mạnh.
Với khoản đầu tư chiến lược của SMBC lần này, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Trong khi đó, thông qua VPBank, SMBC cũng có thể tăng cường sự hiện diện và mở ra cơ hội cung cấp vốn cho các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam.
Ngoài thương vụ kể trên, thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng năm nay dự kiến tiếp tục sôi động. Ngoài các thương vụ chuyển nhượng bắt buộc OceanBank, CB, DongABank, GP Bank, thị trường M&A ngân hàng cũng sẽ ấm lên nhờ các thương vụ thoái vốn của VNPost tại LienVietPostBank, hay Petrolimex tại PGBank. Ngoài ra, nhiều ngân hàng TMCP trong nước cũng đang tích cực tìm đối tác ngoại.
Ngày 7/4 tới đây, Petrolimex sẽ đấu giá công khai 120 triệu cổ phiếu của PGBank. Sau khi Petrolimex thoái vốn, room vốn ngoại của PGBank sẽ được mở rộng lên tới 28%. Đây là cơ hội tốt cho nhà đầu tư ngoại trong việc đặt chân vào thị trường Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch PGBank kỳ vọng, với sự xuất hiện của nhà đầu tư mới cùng với xu hướng phát triển của ngành ngân hàng, PGBank sẽ có bước phát triển đột phá hơn.
Hiện vẫn còn khá nhiều ngân hàng trống room vốn ngoại như SHB, LienVietPostBank, SeABank, Bac A Bank, Nam A Bank, KienLongBank, VietABank, VietBank… Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, một loạt ngân hàng như SHB, SeABank, NamABank… cho biết, vẫn đang trong kế hoạch chào bán cho cổ đông nước ngoài.
Thị trường tài chính Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Những năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN luôn tìm kiếm cơ hội đặt chân vào thị trường ngân hàng Việt Nam.
Đầu tháng 3/2023, Ngân hàng UOB thông báo đã hoàn tất thu mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam. UOB Việt Nam cũng đã bổ nhiệm thêm các lãnh đạo cấp cao để dẫn dắt hoạt động kinh doanh bán lẻ được mở rộng tại Việt Nam.
Tôi tin rằng, VPBank là một địa chỉ tốt giúp SMBC triển khai thành công kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam. Kế hoạch đó có thể không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, mà còn thúc đẩy mở rộng ra nhiều lĩnh vực trọng điểm khác trong nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh, phát triển bền vững, thân thiện môi trường.
Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội khẳng định, Việt Nam là điểm đến đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản không thể bỏ qua. Trong các lĩnh vực ở Việt Nam, tài chính được coi là một trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhất.
Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. 3 ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản là Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Mizuho và SMBC đều đã trở thành cổ đông chiến lược tại 3 ngân hàng lớn của Việt Nam là VietinBank, Vietcombank và VPBank.
Với dân số sắp cán đích 100 triệu, số hóa mạnh mẽ, vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng GDP lạc quan…, Việt Nam vẫn là thị trường tài chính hấp dẫn trong khu vực. Ngoài ra, nhu cầu đầu tư lớn cho hạ tầng và xu thế “xanh hóa” (go green) cũng khiến Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn cho dòng vốn quốc tế.
Với riêng các ngân hàng Nhật Bản, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh lâu đời và hiệu quả tại Việt Nam là động lực để các ngân hàng này tăng hiện diện tại Việt Nam. Theo thống kê của Jetro, hiện có tới 60% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm trước, cao nhất trong khối các nước ASEAN.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản) từng cho rằng, các yếu tố nền tảng kinh tế của Việt Nam vô cùng vững chắc, điều này thúc đẩy hoạt động M&A tiếp tục sôi động trong năm 2023, trong đó có lĩnh vực tài chính. Cũng theo chuyên gia này, các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Việt Nam với mục đích thâm nhập và mở rộng sự hiện diện lâu dài của họ tại Việt Nam, thay vì mục tiêu săn lùng tài sản giá rẻ.