Nhiều nhà băng nới room
Nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ trong bối cảnh các ngân hàng có hệ số an toàn vốn ở mức thấp, làm hạn chế phát triển kinh doanh, đặc biệt là hạn chế tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo Vietcombank đề xuất cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được giữ lại lợi nhuận, trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đồng thời, tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 35%.
Vietcombank cũng kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ. Ngân hàng này cho biết, đối tượng phát hành hướng đến là đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho, để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến hơn 46,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho. Đồng thời, Vietcombank cũng phát hành cho các nhà đầu tư khác, có thể gồm cả Mizuho, dự kiến gần 261,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành.
Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, room ngoại còn lại của Vietcombank (6,4%) và BIDV (13,3%) cho thấy, các ngân hàng này vẫn còn dư địa để tăng vốn thông qua phương thức bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, cả hai nhà đầu tư chiến lược của các ngân hàng này (KEB Hana Bank của BIDV và Mizuho Bank của Vietcombank) hiện sở hữu 15% cổ phần so với hạn mức là 20%. Yuanta Việt Nam cho rằng, Vietcombank, BIDV còn trống room ngoại để có thể tăng thêm vốn từ các nhà đầu tư chiến lược hiện nay.
BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới, tương đương 8,5% vốn điều lệ bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược của VietinBank (Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ) đang sở hữu 19,7%, gần bằng hạn mức quy định là 20%.
Năm 2022, không chỉ các “ông lớn”, mà nhiều ngân hàng thương mại cũng có dự định nới room ngoại. Chẳng hạn, VPBank đã có tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.
Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông của VPBank. Ngân hàng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài và thậm chí dành cả phần cổ phiếu quỹ chào bán cho đối tác.
Theo Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng, Ngân hàng sẽ mở room ngoại tối đa, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược. Kế hoạch này có thể hoàn tất trong quý I/2022. Nếu phát hành thành công, vốn chủ sở hữu của nhà băng này sẽ đạt mức kỷ lục, khoảng 120.000 tỷ đồng.
Hút thêm vốn ngoại
Theo lãnh đạo VPBank, thương vụ bán vốn cho đối tác ngoại sẽ mang về giá trị tương đương thương vụ bán 49% vốn FE Credit (gần 1,4 tỷ USD).
OCB cũng đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu (5,1% tổng số cổ phần đang lưu hành) cho cổ đông nước ngoài. Theo đó, OCB đang tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 22% nhằm chuẩn bị cho sự tham gia nhiều hơn của các cổ đông nước ngoài. Thương vụ sẽ hoàn thành trong năm 2022.
Việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam là cần thiết, song phải đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với vai trò quản lý nhà nước. Đồng thời, chính sách rõ ràng, nhất quán ngay từ đầu sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các ngân hàng đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, hội nhập quốc tế.
- Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Mới đây, HĐQT Ngân hàng OCB đã thông qua việc triển khai phương án phát hành 882.341 cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược là Ngân hàng Aozora, với giá chào bán 25.571 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên trong quý I/2022. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, vốn điều lệ của OCB dự kiến tăng lên hơn 13.757 tỷ đồng.
Trước đó, giữa 2020, OCB bán 15% cổ phần cho đối tác Nhật Bản là Ngân hàng Aozora đưa vốn điều lệ tăng từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng.
Trong khi đó, Sacombank cho biết sẽ bán 32,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2022. Tuy nhiên, việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài phải được sự đồng ý của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Trong khi đó, LienVietPostBank cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Hay SHB đã tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, HDBank đang là một trong số ít ngân hàng được xem xét nới giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49% theo lộ trình quy định trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Trên thị trường hiện nay, một số nhà băng còn nguyên room ngoại như Nam A Bank, VietCapitalBank, Kienlongbank, VietA Bank, SCB... Các ngân hàng này cũng có kế hoạch sớm hút thêm vốn ngoại, tăng năng lực tài chính.
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giới hạn về tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài tại các tổ chức tín dụng (tối đa 30%) đang làm khó cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại.
Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP đang được áp dụng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài không được quá 5% vốn điều lệ; tổ chức nước ngoài sở hữu không quá 15% vốn điều lệ; nhà đầu tư chiến lược sở hữu không quá 20% vốn điều lệ; nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan sở hữu không quá 20% vốn điều lệ. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.