Ngân hàng chờ vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số ngân hàng giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài (room) so với quy định nhằm tạo dư địa để phát hành cổ phiếu, huy động vốn ngoại trong thời gian tới. Nhiều ngân hàng khác có nhu cầu tăng vốn điều lệ cũng kỳ vọng sẽ thu hút được nguồn vốn nước ngoài.
HDBank điều chỉnh room từ mức 30% xuống 21,5% vào cuối năm 2020, nhằm dành dư địa hợp tác với các đối tác chiến lược. HDBank điều chỉnh room từ mức 30% xuống 21,5% vào cuối năm 2020, nhằm dành dư địa hợp tác với các đối tác chiến lược.

Tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược

Các công ty đại chúng có ngành nghề thuộc diện hạn chế nhà đầu tư nước ngoài được tự quyết room dưới mức quy định 49%, riêng ngành ngân hàng là 30%.

Trong lần sửa đổi quy định pháp luật năm ngoái, đề xuất nới room không được chấp thuận.

Giới chuyên gia nhận định, room nếu được mở sẽ hút dòng tiền ngoại, nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài có chiến lược đầu tư ngắn hạn, chỉ quan tâm đến việc kiếm lời từ các giao dịch mua bán cổ phiếu. Trong khi đó, các ngân hàng muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để tận dụng nguồn lực quản trị, nhân sự có kinh nghiệm, hệ thống công nghệ hiện đại... giúp ngân hàng phát triển.

Mặt khác, ngân hàng là ngành đặc thù nên nếu nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát lượng lớn cổ phần có thể gây bất lợi đến quá trình đồng hành của ngân hàng đối với việc thực thi chính sách tiền tệ, điều tiết vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước.

Vì thế, không ít ngân hàng tiếp tục có động thái “khóa” room dưới mức 30% để dành dư địa phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Chẳng hạn, HDBank điều chỉnh room từ mức 30% xuống 21,5% vào cuối năm 2020, nhằm để dành dư địa cho kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược trong thời gian tới.

Tương tự, VPBank quyết định giảm room từ 22,77% xuống 15%. Dư địa room dự kiến dùng để chào bán cho nhà đầu tư ngoại sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và thị trường ổn định hơn.

Viet Capital Bank đã lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định room, đồng thời thông qua việc đưa chứng khoán chào bán ra công chúng lên giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán (Ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm gần 1.000 tỷ đồng, lên 4.000 tỷ đồng trong năm 2021).

Giữa năm 2020, thị trường ghi nhận thương vụ bán 15% cổ phần của OCB cho đối tác Nhật Bản là Ngân hàng Aozora, đưa mức vốn điều lệ từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng. Hiện room ngoại tại OCB còn trống 10%, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho hay, Ngân hàng đang đàm phán với đối tác ngoại để bán tiếp phần còn lại.

Trong năm 2020, hoạt động gọi vốn nước ngoài gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nên các ngân hàng muốn khóa room để có dư địa lớn hơn, chờ đợi thị trường tốt hơn sẽ phát hành cổ phiếu huy động vốn ngoại, nhất là vốn từ các nhà đầu tư chiến lược.

Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room) tại ngân hàng nội vẫn là 30%.

Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30% vốn.

Nam A Bank cho biết, kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đã được Ngân hàng hoạch định nằm trong phương án tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên gần 7.000 tỷ đồng.

Theo đó, ngân hàng này sẽ phát hành 57 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và chào bán riêng lẻ 143 triệu cổ phiếu. Ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với đối tác ngoại trước khi đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE trong năm nay.

Với NCB, kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua từ năm 2017 nhưng chưa trở thành hiện thực. Theo Hội đồng quản trị NCB, Ngân hàng không chọn đối tác bằng mọi giá, mà dựa trên các tiêu chí đã được đặt ra để tìm đối tác phù hợp.

Thận trọng với nới room

Hiện tại, có những nhà băng vẫn còn nguyên room. Với một số ngân hàng đang tái cơ cấu hay 3 ngân hàng “0 đồng” (3 ngân hàng bị âm vốn chủ sở hữu, được Ngân hàng Nhà nước mua lại trong năm 2015), đối tác nước ngoài có thể mua 100% vốn nếu được sự đồng ý của Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa có thương vụ nào thành công.

Ngược lại, không ít ngân hàng đã cạn room và có nhu cầu tăng vốn điều lệ trong bối cảnh Thông tư 41/2016/TT-NHNN đặt ra các yêu cầu về an toàn vốn cao hơn theo tiêu chuẩn Basel II. VietinBank là một ví dụ.

Room tại Ngân hàng đã được lấp đầy trong những năm qua khiến kế hoạch tăng vốn gặp khó khăn vì liên quan đến cân đối sở hữu các cổ đông hiện hữu, gồm cổ đông nhà nước và vấn đề ngân sách, trong khi không còn dư địa để phát hành thêm cho khối ngoại. Gần đây, khối ngoại có giao dịch thoái bớt vốn tại VietinBank, nhưng mức độ hở room không lớn.

Một trong những giải pháp chính cho các trường hợp trên được nêu ra là Nhà nước cho phép nới room lên trên 30%. Điều này, một mặt tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, mặt khác tăng động lực để các ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính.

Liên quan đến room, theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ngân hàng châu Âu được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room. Cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank.

VinaCapital nhìn nhận, lĩnh vực tài chính - ngân hàng vẫn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng việc room duy trì ở mức 30% đang là rào cản huy động vốn ngoại của không ít ngân hàng.

Hệ thống ngân hàng giữ vai trò, vị trí đặc biệt, là huyết mạch của nền kinh tế. Việc các tổ chức tài chính nước ngoài tham gia vào hệ thống ngân hàng trong nước là rất tốt, song sự tham gia của các đối tác ngoại phải đảm bảo tuân thủ chính sách tiền tệ, điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Điều quan trọng nhất là sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có những công cụ kiểm soát hoạt động của các ngân hàng, nên cũng có thể xem xét tới việc nới room. Các ngân hàng nội đang cần sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ, cách thức quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế.

Mặc dù vậy, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng là lĩnh vực đặc thù nên cần cẩn trọng khi xem xét nới room.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cảnh báo, việc có quá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư ngắn hạn trên thị trường chứng khoán trở thành cổ đông của ngân hàng có thể gây tác động tiêu cực đến quản trị, thay đổi định hướng phát triển, hoặc gây bất ổn định đến cơ cấu cổ đông, quản trị điều hành của ngân hàng, thay vì thu hút được vốn.

Bảo Anh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục