Ngày 16/6 tới, ACB sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với dự trình chỉ tiêu lợi nhuận ở mức 7.636 tỷ đồng, chỉ tăng lần lượt 2% và 5% so với năm trước. Đáng chú ý, mục tiêu vừa đưa ra giảm hơn 12% so với dự kiến.
Theo lý giải của lãnh đạo ACB, dịch Covid-19 bùng phát và lên đỉnh điểm từ tháng 3/2020 trên phạm vi toàn cầu, làm đảo lộn kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp, người dân.
Theo đó, năm 2020, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 12%, tiền gửi khách hàng tăng 12%, tín dụng tăng 11,75%; kiểm soát nợ xấu dưới 2%.
ACB có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2020 lên mức 21.615 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 30%. Đồng thời, chuyển niêm yết cổ phiếu ACB sang sàn HOSE (hiện đang niêm yết trên HNX).
Một số ngân hàng khác cũng đưa mức tăng trưởng ở dạng “thận trọng”. Tại TPBank, mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2020 được HĐQT TPBank trình thông qua tại ĐHCĐ diễn ra ngày 27/5/2020 ở mức 4.068 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước.
Còn SeABank, năm 2020, đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hơn 8%, đạt 1.506 tỷ đồng trước thuế. Hay tại Nam A Bank, ngân hàng này đưa ra mục tiêu lợi nhuận 2020 ở mức 800 tỷ đồng trước thuế, giảm 100 tỷ đồng so với năm trước…
Với những ngân hàng có mức lợi nhuận cao như VPBank, chỉ tiêu lợi nhuận 2020 được đặt ra thấp hơn mức đã đạt năm 2019. Tại ĐHCĐ tổ chức ngày 29/5, kế hoạch lợi nhuận được cổ đông VPBank thông qua là 10.214 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với thực hiện của năm 2019.
Với VPBank thì câu chuyện nằm ở thành viên là Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit. Đây là thành viên góp tỷ trọng lớn vào lợi nhuận hợp nhất, riêng năm 2019 tới 44%.
Năm 2020, do FE Credit đặt kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh kéo giảm lợi nhuận hợp nhất, còn riêng Ngân hàng VPBank thì mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến vẫn là 15%.
Một trường hợp đáng chú ý năm nay là VietinBank. Ngân hàng này bỏ bỏ ngỏ mục tiêu lợi nhuận 2020.
Tại ĐHCĐ diễn ra ngày 23/5, VietinBank cho biết, vẫn đang tiếp tục cập nhật diễn biến, tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế và hoạt động của Ngân hàng, phù hợp với phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Trước khi dịch bệnh xảy ra, VietinBank đưa ra mức dự kiến lợi nhuận thu về trong năm nay tăng 10% trở lên so với mức đạt được của năm 2019 (gần 11.000 tỷ đồng trước thuế).
VietinBank là ngân hàng xếp vào diện cần tăng vốn điều lệ khẩn cấp để đảm bảo quy mô tăng trưởng do các chỉ tiêu an toàn đã tới mức giới hạn. Mặc dù không đưa ra chỉ tiêu cụ thể tại ĐHCĐ, song ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, con số đã đạt được vẫn “không xấu” khi lãi sau thuế 2.404 tỷ đồng trong quý I/2020, giảm 5% so với cùng kỳ 2019, dự kiến hết quý II/2020 sẽ đạt khoảng 6.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Trả lời Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng đều cho biết, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến ngân hàng phải giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, thì sự leo thang căng thẳng Mỹ - Trung lại là nhân tố nhân tố khó đoán định trong thơi gian tới, chưa kể dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt ngoài lãnh thổ Việt Nam.
“Tất cả các yếu tố này khiến cho kế hoạch kinh doanh dù được thông qua nhưng vẫn chỉ là dự kiến”, lãnh đạo một ngân hàng cho biết.
Rủi ro cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng chính là rủi ro của ngân hàng. Các nhà băng đang phải đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, thận trọng giải ngân mới để kiểm soát rủi ro nợ xấu, tránh dự phòng rủi ro gia tăng khiến lợi nhuận bị “ăn” mòn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến 25/5/2020, tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính và ngân hàng nước ngoài, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ gần 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 767.000 tỷ đồng cho hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5%/năm so với trước dịch.