Trái phiếu bất động sản đứng đầu bảng
Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong tháng 3/2020, có 125 đợt doanh nghiệp đăng ký chào bán trái phiếu với tổng trị giá 28.079 tỷ đồng. Trong đó, số đợt phát hành thành công là 109 đợt, với tổng trị giá trái phiếu phát hành 17.093 tỷ đồng. So với tháng 2/2020, cả số đợt đăng ký lẫn phát hành thực tế trong tháng 3 đều tăng mạnh. Tổng cộng, quý I/2020, có 63 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng trị giá trái phiếu phát hành trên 36.440 tỷ đồng/số đăng ký 65.060 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất ngờ phục hồi trong tháng cao điểm phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, quý đầu năm, lượng lớn trái phiếu phát hành thuộc về các doanh nghiệp bất động sản. Chỉ tính riêng tháng 3/2020, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành lượng trái phiếu với trị giá 8.087 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 47% trong tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công là 17.093 tỷ đồng. Trong tháng 4, một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn như Công ty Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam (gần 2.000 tỷ đồng), Công ty Bất động sản Đông Dương (1.200 tỷ đồng), Phú Mỹ Hưng (900 tỷ đồng)… Lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp này phát hành ở mức từ 10,5-13%/năm.
Còn báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI mới đây cho biết, trong quý I/2020, các doanh nghiệp địa ốc sẵn sàng chấp nhận phát hành trái phiếu lãi cao. SSI ghi nhận, nhóm các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành với tỷ lệ 49%, tương ứng với 23.202 tỷ đồng. Đặc biệt, lãi suất phát hành bình quân trong quý là 10,77%/năm, tăng 43 điểm cơ bản so với bình quân năm 2019, dù kỳ hạn bình quân ngắn hơn 1-2 tháng. Trong quý I, đã có 33 doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 23.200 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ và bằng 18,3% tổng lượng phát hành cả năm ngoái.
Doanh nghiệp địa ốc cần tiền để nuôi dự án nên khi cửa ngân hàng đóng lại, họ phải tìm đến kênh khác. Tình trạng doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu với lãi suất cao sẽ còn tiếp tục gia tăng trong năm nay
- TS. Nguyễn Trí Hiếu
Theo đánh giá của SSI, trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư vì lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang có xu hướng giảm. SSI nhận định, mức chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân tham gia.
Trước thực trạng trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu huy động vốn khi chính sách tín dụng kiểm soát chặt lĩnh vực này là điều hiển nhiên. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh, sức cầu nhà đất giảm mạnh, các ngân hàng sẽ thắt chặt việc cho vay lĩnh vực này. Trong khi đó, doanh nghiệp địa ốc cần tiền để nuôi dự án và họ phải tìm đến kênh khác. Khi nguồn cung tài chính hạn hẹp, nền kinh tế khó khăn, lãi suất là mấu chốt hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư. Vì vậy, việc doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu với lãi suất cao sẽ còn tiếp tục gia tăng trong năm nay.
Thế nhưng, không phải bất cứ doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu cũng được các ngân hàng chọn bảo lãnh phát hành và phân phối cho khách hàng. Ngược lại, các ngân hàng chỉ chọn phân phối trái phiếu của những doanh nghiệp có năng lực và đầu ra sản phẩm tốt hoặc có thể các chủ đầu tư đó đang có khoản vay tại nhà băng nhận bảo lãnh và phân phối trái phiếu. Chẳng hạn, đợt phát hành 550 tỷ đồng trái phiếu từ ngày 3/6-31/7/2019 của Công ty Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) được MB mua toàn bộ, hay 800 tỷ đồng trái phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI) phát hành ngày 9/5/2019 đã được VPBank mua toàn bộ... Một số ngân hàng thương mại không mua trực tiếp thì lại thông qua các công ty chứng khoán thành viên để mua.
Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia tài chính, việc các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có thể một số trường hợp là cơ cấu lại nợ. Khi thị trường trầm lắng, không ít doanh nghiệp có khoản nợ ngân hàng sắp đến kỳ phải trả, nhưng không biết lấy đâu ra tiền để trả. Nếu để lâu sẽ thành nợ quá hạn và nợ xấu, như vậy sẽ không thể tiếp tục được vay vốn. Vả lại, các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản không dễ tiếp cận vốn vay nên đã chọn phương án phát hành trái phiếu lãi suất cao để hút vốn.
Cảnh báo rủi ro tiềm ẩn
Trước tình trạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mức lãi suất cao, trong báo cáo quý I/2020, SSI đã đưa ra cảnh báo rủi ro với các nhà đầu tư về khả năng thanh toán, thanh khoản và sức chịu đựng qua các thời kỳ dịch bệnh của doanh nghiệp.
“Cơ chế bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cá nhân và minh bạch hóa thông tin thị trường vẫn chưa có nhiều cải thiện trong quý vừa qua”, SSI nhấn mạnh.
Mới đây, vào giữa tháng 3/2020, chính Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành kiểm soát chặt việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản để huy động vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tránh rủi ro dòng tiền. Theo cơ quan này, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn về tín dụng đầu tư bất động sản và an toàn dòng vốn. Các tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng đang thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng đối với bất động sản theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dẫn đến doanh nghiệp bất động sản, các chủ đầu tư dự án và cả người mua nhà đều khó tiếp cận tín dụng. Từ đó, một số doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao, từ 11-13%/năm. Có doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất huy động đến 14,5%/năm, đây là nguy cơ tồn đọng dòng vốn, tạo rủi ro, mất an toàn dòng vốn cho thị trường bất động sản.
Chuyên gia phân tích tài chính, ông Phan Dũng Khánh nhận định, năm 2019 nhiều doanh nghiệp để mức lãi suất trái phiếu trên 10%/năm, nhưng lúc đó lãi suất ngân hàng cũng khá cao. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, lãi suất của các ngân hàng đang hạ, trong khi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp vẫn khá cao thì có phần bất thường. Điều này không loại trừ trường hợp doanh nghiệp đang khó khăn về vốn, song khó tiếp cận với nguồn vay ngân hàng, nên để lãi suất cao nhằm hút khách.
Theo ông Khánh, các nhà đầu tư cá nhân, không chuyên nên gửi tiết kiệm ngân hàng, muốn lãi nhiều và chấp nhận được rủi ro cao hãy mua trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng khi mua, cần xem quy mô vốn chủ sở hữu, tài sản của doanh nghiệp, mục đích phát hành trái phiếu làm gì.
Có trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu để triển khai dự án, nhưng rồi dự án gặp khó khăn, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán. Rủi ro mất tiền sẽ rất cao với trái phiếu không đảm bảo, không chứng quyền.
TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra nhận định, thị trường tài chính đang bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19. Thị trường cho vay của ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong khi đó, dịch bệnh chưa hoàn toàn thoái lui và nguy cơ tác động mạnh đến nền kinh tế là không tránh khỏi.
Trước đây, nguồn vốn của doanh nghiệp địa ốc đến từ ngân hàng, nhưng hiện tại đã bị giới hạn. Vì thế, để xoay xở vốn, doanh nghiệp địa ốc phải huy động lãi suất cao. Tuy nhiên, ông Hiếu lo ngại, dấu hiệu này đang cảnh báo sự bất ổn của thị trường khi doanh nghiệp địa ốc sẵn sàng chấp nhận phát hành trái phiếu lãi suất cao. Nếu thị trường không sớm hồi phục lại như kỳ vọng của doanh nghiệp thì nguy cơ “vỡ trận” của doanh nghiệp phát hành và người mua trái phiếu là có thể xảy ra.
Trước những lo ngại trên, NHNN đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các nhà băng. Cơ quan điều hành thị trường cho hay, thời gian qua, một số ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp nhằm cơ cấu lại nợ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu doanh nghiệp tiếp tục gặp khó, không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ.
Vì vậy, Dự thảo quy định, nhà băng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ. Theo đó, khi một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích cơ cấu lại khoản nợ, thì ngân hàng cũng không được mua.
Bên cạnh đó, TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ khi mua theo phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt. Đồng thời, các nhà băng cũng không được mua trái phiếu của doanh nghiệp có nợ xấu phát sinh trong một năm. Theo lý giải của NHNN, điều này nhằm tránh tình trạng ngân hàng có nợ xấu cao nhưng vẫn mua bán trái phiếu doanh nghiệp.
Qua công tác kiểm tra, NHNN phát hiện một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các công ty khác, để các công ty này thực hiện dự án hoặc tiếp tục góp vốn, mua cổ phần... Vì vậy, NHNN yêu cầu các ngân hàng cần kiểm soát, không mua trái phiếu doanh nghiệp khi mục đích sử dụng vốn là để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, Dự thảo cũng đề cập một số quy định kế thừa về Thông tư 22/2019/TT-NHNN như TCTD không được vay vốn của TCTD khác để mua trái phiếu doanh nghiệp, không được mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành. Trước đó, giữa năm 2019, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng, bất động sản cần rà soát lại, cũng như không được đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu nợ.