Các ngân hàng có vốn nhà nước cần tăng vốn gấp

(ĐTCK) Công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo Đề án 1058 và Nghị quyết 42 dù đạt nhiều kết quả tích cực thời gian qua, nhưng còn nhiều nút thắt cần tiếp tục tháo gỡ, trong đó có vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.
Agribank sẽ cần bổ sung vốn điều lệ gần 13.000 tỷ đồng. Agribank sẽ cần bổ sung vốn điều lệ gần 13.000 tỷ đồng.

Quy mô hệ thống TCTD tiếp tục tăng

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng. Tính đến cuối tháng 3/2020, tổng tài sản đạt 12,48 triệu tỷ đồng, tăng 46,8% so với cuối năm 2016.

Bên cạnh đó, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; chất lượng quản trị, điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Cụ thể, đến cuối tháng 3/2020, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 617,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,4% so với cuối năm 2016; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 937,9 nghìn tỷ đồng, tăng 57,67% so với cuối năm 2016.

Một điểm đáng chú ý là việc triển khai chuẩn mực vốn Basel II tiếp tục được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn.

Tính đến nay, có 76 TCTD (2 ngân hàng thương mại - NHTM có vốn nhà nước chi phối, 20 NHTM cổ phần, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 43 chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ 1/1/2020 với mức tối thiểu là 8%.

Riêng nhóm NHTM có vốn nhà nước, tính đến 31/3/2020, tỷ lệ an toàn vốn của BIDV là 8,58%;
Vietcombank là 10,02%; VietinBank là 10,67% và Agribank là 9,19%.

Những con số này đã thay đổi so với trước đó, ví dụ BIDV tại thời điểm 31/12/2019 có CAR là 12,33%; Vietcombank là 9,82%; VietinBank là 9,6% và Agribank là 9,21%.

“Mặc dù đã tăng được vốn vào cuối năm 2019 với thương vụ bán cổ phần cho KEB Hana Bank, giúp CAR tăng mạnh vào thời điểm cuối năm 2019, nhưng tỷ lệ này tại BIDV đã giảm mạnh tính đến cuối tháng 3/2020 do Ngân hàng áp dụng CAR theo Thông tư 41 vào đầu năm 2020 và tiến hành phân chia lợi nhuận. Vietcombank cũng đã áp dụng Thông tư 41, nhưng CAR chưa giảm vì chưa chia lợi nhuận”, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Với Agribank, vị lãnh đạo trên thông tin: “Trong nhiều năm qua, CAR bị suy giảm do tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản. Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng nếu áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41, CAR của Agribank chỉ trên 6%, dưới chuẩn mực của Basel II”.

Vẫn còn 14 TCTD, trong đó có Agribank, đề nghị được áp dụng CAR theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN nhằm tạo cơ sở pháp lý cho những TCTD chưa thực hiện được CAR theo Thông tư 41 xây dựng lộ trình phù hợp (nhưng không quá thời hạn 3 năm).

“Để đảm bảo quy định của Thông tư 22, đồng thời thực hiện room tăng trưởng tín dụng 11% được phân bổ theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, Agribank sẽ cần bổ sung vốn điều lệ gần 13.000 tỷ đồng”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tính toán.

Còn nhiều nút thắt chờ tháo gỡ

Về chủ trương tăng vốn cho các NHTM nhà nước, Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” đã đề ra mục tiêu: Tăng vốn điều lệ để bảo đảm CAR theo chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các NHTM nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần.

Đồng thời, Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã yêu cầu: Đến năm 2020, các NHTM nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực an toàn vốn của Basel II.

Theo quy định của Luật số 69/2014/QH13, chỉ một số loại hình doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, Agribank là đối tượng được đầu tư bổ sung vốn điều lệ và thuộc trường hợp được bổ sung vốn điều lệ theo quy định tại Điều 13 - Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69).

Hướng dẫn nội dung này, Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP cụ thể hoá danh mục về lĩnh vực Nhà nước phải bổ sung vốn để giữ tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trong đó, không có “NHTM mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối”.

Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 91 và phải xong trong tháng 12/2019, nhưng đến nay vẫn chỉ là dự thảo.

Thực tế cho thấy, những nỗ lực của ngành ngân hàng trong quá trình thực hiện cơ cấu lại đã góp phần quan trọng trong bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng kinh tế vĩ mô bền vững.

Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo Đề án 1058 và Nghị quyết 42 đạt hiệu quả thì còn nhiều việc cần phải triển khai gấp.

Tại kỳ họp Quốc hội khoá XIV, Thống đốc Lê Minh Hưng đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao quá trình triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đặc biệt đối với các đề xuất của Ngân hàng Nhà nước về phương án xử lý các TCTD yếu kém.

Chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý vấn đề tăng vốn điều lệ của các NHTM nhà nước, đảm bảo các ngân hàng này có đủ năng lực tài chính, hoạt động an toàn, lành mạnh, có điều kiện chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

“Có thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể để phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần hạn chế nợ xấu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, Thống đốc đề xuất.

Đối với Quốc hội, Thống đốc kiến nghị sửa đổi Nghị quyết số 25/2016/QH14 hoặc ban hành một nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước (không bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc).

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu nói chung và xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42 nói riêng thông qua việc quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm của đất nước.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cần xét đến khía cạnh xử lý nợ xấu khi quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, đặc biệt là quy định liên quan đến thuế ”, Thống đốc nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục