Báo cáo Thị trường trái phiếu Việt Nam lần đầu tiên được Bộ Tài chính công bố vào ngày 10/12/2019 cho biết, cuối năm 2018, các tổ chức tín dụng nắm giữ khoảng 47,8% dư nợ thị trường trái phiếu chính phủ, giảm 28,9% so với mức 76,7% vào cuối năm 2015.
Các tổ chức tài chính phi ngân hàng, bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, các quỹ đầu tư, bảo hiểm tiền gửi… nắm giữ khoảng 52,2% dư nợ thị trường trái phiếu chính phủ.
Trước đó, biểu đồ nắm giữ công cụ nợ này từ năm 2011-2017 cho thấy, tỷ trọng sở hữu của các ngân hàng thương mại nhỏ dần, nhường chỗ cho các nhà đầu tư khác tham gia (xem bảng 1).
Bảng 1: Cơ cấu người mua trái phiếu chính phủ.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, thông tin được ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ mới đây cho biết, chủ thể này hiện mới sở hữu khoảng 1% quy mô thị trường trái phiếu chính phủ.
Trong khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và có triển vọng ổn định, việc khối ngoại nắm giữ quá ít công cụ nợ của Chính phủ là một câu hỏi mà các nhà quản lý cần tìm câu trả lời để thị trường trái phiếu chính phủ phát triển hài hòa hơn.
Chuyên gia WB cho rằng, thị trường trái phiếu chính phủ là nền tảng quan trọng để xây dựng thị trường vốn Việt Nam, vì thị trường này cung cấp công cụ tham chiếu (đường cong lãi suất), đại diện cho sự vận hành của toàn thị trường vốn.
Bên cạnh việc Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho Quỹ hưu trí tư nhân ra đời và khuyến khích các quỹ đầu tư rót vốn vào trái phiếu, nền tảng hàng hóa cần phải cải thiện theo hướng giảm bớt số mã và tăng quy mô trên từng mã.
Trong môi trường cạnh tranh giữa các thị trường vốn khu vực, ông Alwaleed Alatabani khuyến nghị, hàng hóa và các công cụ thị trường cần phát triển tương đương với các thị trường khu vực, như vậy mới có thể tăng sức hấp dẫn với vốn ngoại.
Bảng 2: lãi suất trái phiếu chính phủ theo các kỳ hạn.
Hiện tại, thị trường Việt Nam còn thiếu các sản phẩm chào giá cao kết chắc chắn 2 chiều, chưa có việc cho phép giao dịch trong ngày và loại bỏ yêu cầu ký quỹ…
Bên cạnh đó, điểm hạn chế không nhỏ của thị trường Việt Nam là không cho phép nhà đầu tư ngoại, cụ thể là các nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư không có sự hiện diện thương mại tại Việt Nam, được sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Ông Phạm Phú Khôi, Hiệp hội Kinh doanh trái phiếu Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý cần đồng bộ hóa nền tảng chính sách và phát triển thêm các sản phẩm hợp khẩu vị nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, chủ trương của nhà quản lý là ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn.
Bên cạnh việc rà soát cơ chế, chính sách để phát triển các quỹ đầu tư trái phiếu, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện; đổi mới cơ chế đầu tư của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, sẽ phấn đấu đến năm 2021 đưa trái phiếu chính phủ Việt Nam vào các rổ chỉ số trái phiếu quốc tế như JP Morgan, Bloomberg Barclays, Citi World Government để thu hút các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường trái phiếu Việt Nam.
Cùng với đó, sẽ tăng cường hội nhập quốc tế bằng việc tham gia các chương trình, diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực như ASEAN, ASEAN+3, diễn đàn thị trường trái phiếu các nước mới nổi, thị trường trái phiếu xanh để hợp tác trong phát triển thị trường trái phiếu.
Trong khi thị trường trái phiếu chính phủ đặt kế hoạch năm 2021 sẽ vào rổ chỉ số quốc tế thì trên thị trường cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán đang tiếp tục thúc đẩy các tổ chức quốc tế, trong đó có FTSE xem xét nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm tới.
Một số lãnh đạo cấp vụ tại Ủy ban Chứng khoán và lãnh đạo HOSE trong “đội đặc nhiệm” đã và đang nỗ lực đối thoại với nhà đầu tư quốc tế nhằm giải đáp vướng mắc và cải thiện thiện cảm của họ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.