Đa dạng hóa nhà đầu tư trái phiếu chính phủ

(ĐTCK) Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội, Ngân hàng Thế giới cùng một số chuyên gia vừa tham gia một cuộc đối thoại tìm giải pháp phát triển thị trường trái phiếu chính phủ sau 10 năm vận hành thị trường trái phiếu chuyên biệt tại Việt Nam. 
Đa dạng hóa nhà đầu tư trái phiếu chính phủ

10 năm giảm gánh nặng nợ công bằng giảm lãi suất, tăng kỳ hạn vay nợ

Thông tin đáng chú ý được bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính chia sẻ là việc 10 năm phát triển thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chuyên biệt tại Việt Nam đã giúp quy mô thị trường đạt mức 1,9 triệu tỷ đồng, kỳ hạn khoản vay nợ kéo giãn 9 - 10 năm, đạt bình quân 13,6 năm vào cuối tháng 11/2019.

Đặc biệt, lãi suất huy động vốn của Chính phủ chỉ còn ở mức 4,58%/năm, thấp hơn từ 6,4% - 7,6%/năm so với giai đoạn 2009 - 2014.

Việc tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài với chi phí huy động vốn hợp lý đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, giảm rủi ro của danh mục nợ công.

Hiện tại, quy quy mô thị trường trái phiếu chính phủ bằng 25,1% GDP năm 2019, gấp 12 lần so với năm 2009.

Khối lượng giao dịch bình quân trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng 24 lần so với năm 2009, bằng 0,9% dư nợ trái phiếu niêm yết.

Nếu như trước đây, chủ thể mua TPCP chủ yếu là các ngân hàng thương mại, thì nay đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư mới như các loại hình quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài.

Đến cuối tháng 11/2019, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các nhà đầu tư dài hạn đạt 55%, tăng 35% so với cuối năm 2009, các ngân hàng thương mại chỉ còn nắm giữ 45%, giảm 35% so với cuối năm 2009.

Năm 2009, trên thị trường TPCP không có các sản phẩm kỳ hạn quá 10 năm năm; từ năm 2015 đến nay, trên thị trường TPCP có các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm; ngoài ra, còn có các sản phẩm trái phiếu không trả lãi định kỳ, trái phiếu có kỳ trả lãi linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư là ngân hàng thương mại, hệ thống bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng theo bà Hiền, thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua, là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á.

Thu hút thêm vốn ngoại, đa dạng nhà đầu tư trái phiếu

Thanh khoản trên thị trường thứ cấp đạt 9.000 tỷ đồng/phiên, nhưng so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến 2030 thì vẫn còn có khoảng cách.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đến năm 2020 tăng khối lượng giao dịch TPCP, TPCP bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương lên mức 1% dư nợ trái phiếu niêm yết và năm 2030 là 2% dư nợ trái phiếu niêm yết.

Cùng với đó là nhiệm vụ phát triển đa dạng các sản phẩm mới, sản phẩm TPCP xanh để huy động vốn cho các dự án bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, để thanh khoản thị trường trái phiếu tăng lên, cái gốc là quy mô thị trường phải lớn hơn và nhà đầu tư tham gia phải đa dạng, chuyên nghiệp hơn.

Về quy mô, thị trường TPCP chịu giới hạn của trần nợ công, nên không gian phát triển sẽ đến từ việc Chính phủ giảm dần nợ vay nước ngoài.

Về phía nhà đầu tư, thị trường cần có những người chơi chất lượng, đây chính là giải pháp trọng tâm.

Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài mới nắm giữ khoảng 1% quy mô thị trường TPCP Việt Nam, trong khi tại các quốc gia lân cận, vốn ngoại sở hữu 20-30% thị trường TPCP.

“Nền kinh tế Việt Nam vận hành ổn định, có khả năng tăng trưởng tốt, vậy tại sao tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài lại thấp hơn nhiều so với các quốc gia lân cận? Đây là một câu hỏi đáng đặt ra”, ông Trần Văn Dũng nói.

Theo người đứng đầu UBCK, có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng nếu được, ông đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đều được sử dụng sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Cùng với đó, để xây dựng đường cong lãi suất chuẩn, ông Dũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm, thay vì chỉ được phát hành loại kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Khi Việt Nam có thị trường trái phiếu minh bạch, hiệu quả, sẽ tiếp tục góp sức làm giảm gánh nặng nợ công và đây cũng chính là thị trường lõi để xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vốn theo cơ chế thị trường.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục