Muôn vẻ đại hội thường niên 2020

(ĐTCK) Khi những yêu cầu về giãn cách xã hội được nới lỏng, doanh nghiệp lục tục tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ). Có đại hội diễn ra nhẹ nhàng, nhưng cũng có đại hội cổ đông chất vấn gay gắt.
Muôn vẻ đại hội thường niên 2020

Sau một lần hoãn vì dịch bệnh Covid-19, Công ty cổ phần Ðạt Phương (DPG) đã tổ chức ÐHCÐ vào ngày 25/4 vừa qua. Do hiệu quả kinh doanh năm 2019 không như kỳ vọng, chỉ đạt 217 tỷ đồng lãi ròng, hoàn thành 42% kế hoạch lợi nhuận (513 tỷ đồng), nên cổ đông chất vấn khá gay gắt.

Có ý kiến cho rằng, 2 năm liền doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch gây mất niềm tin cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc DPG chỉ nêu khó khăn với các lý do rất cũ, như đã từng đưa ra từ năm 2018 là chậm giải ngân đầu tư công, vướng mặt bằng, thời tiết không thuận lợi... khiến cổ đông cảm thấy việc giải thích chỉ để “cho có”, không đủ thông tin để cổ đông nắm bắt cụ thể tình hình hoạt động kinh doanh, tình hình các dự án, công trình đang thi công ra sao…

Chưa kể, việc cổ phiếu giảm giá mạnh, từ 50.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 22.000 đồng/cổ phiếu mà không có bất cứ thông tin nào được đưa ra để trấn an nhà đầu tư, cổ đông cũng tạo sự bất bình.

“Công tác truyền thông quá yếu kém, thiếu trách nhiệm với nhà đầu tư, cổ đông”, một nhà đầu tư nói.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, với cương vị, trách nhiệm của thành viên HÐQT, ban giám đốc, họ chỉ tập trung vào chiến lược kinh doanh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, còn thị giá cổ phiếu do thị trường quyết định, không thể can thiệp.

Ðành rằng, giá cổ phiếu là do cung cầu thị trường, song quan điểm trên không nhận được sự đồng tình, bởi điều nhà đầu tư, cổ đông mong muốn là sự chia sẻ, đồng hành của lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó khăn.

Trong trường hợp của DPG, cổ đông đầu tư vào cổ phiếu DPG tức là tin tưởng vào Ban lãnh đạo Công ty, nhưng khi cổ phiếu lao dốc, cổ đông chịu thiệt hại tiền bạc, tài sản, thì không nhận được phản hồi.

Cổ đông còn cho rằng, HÐQT không xứng đáng nhận thù lao năm 2019 vì không hoàn thành kế hoạch đề ra, chứ không phải mức 2% lợi nhuận sau thuế 2019 so với mức 1% của năm 2018.

Có thể thấy, nếu doanh nghiệp chú trọng thực hiện công tác quan hệ nhà đầu tư (IR), phản ứng nhanh nhạy với thông tin thị trường, ứng xử kịp thời và chuyên nghiệp trong việc công bố thông tin ra công chúng thì sẽ hạn chế được sự bức xúc của cổ đông.

Trong trường hợp khác, Công ty cổ phần Ðầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế Interserco (ILS) đã tổ chức ÐHCÐ vào ngày 29/4. ILS có vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty đạt doanh thu 65,4 tỷ đồng, lỗ 8,8 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2018, ILS lỗ 16 triệu đồng. Kế hoạch năm 2020 được đưa ra với doanh thu 79,6 tỷ đồng, lãi sau thuế 360 triệu đồng.

Ðại hội diễn ra khá nhẹ nhàng với một vài ý kiến mang tính chất đề nghị ILS cung cấp thêm thông tin bởi không đạt hiệu quả kinh doanh như kế hoạch đã vạch ra khi Công ty tiến hành cổ phần hóa.

Thế mạnh của ILS là Cảng cạn ICD Mỹ Ðình nằm tại số 17 Phạm Hùng (Hà Nội). Tuy nhiên, cùng với sự phát triển khu trung tâm mới của Thủ đô, việc đặt ICD Mỹ Ðình ở khu vực này không còn phù hợp.

Công ty có dự án đầu tư xây dựng cảng mới tại Ðức Thượng, Hoài Ðức (Hà Nội) với tổng diện tích khoảng 18 ha, vốn đầu tư dự kiến là 1.598 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, công suất hoạt động của ICD Mỹ Ðình giai đoạn 2020-2030 là 151.800 TEU/năm trên tổng công suất khoảng 380.000 TEU/năm.

Lũy kế hết năm 2019, ILS đã đầu tư 219 tỷ đồng. Trong giai đoạn đầu tư, doanh thu và lợi nhuận của Công ty khó tăng mạnh.

Chia sẻ với cổ đông, Chủ tọa đại hội cho biết, ICD Mỹ Ðình tại Hoài Ðức giải phóng mặt bằng được khoảng 90% và chỉ còn kẹt lại một số hộ dân chưa đồng ý di dời và 5 cột điện cao thế chạy chéo cảng.

Nếu các hộ dân không thực hiện di dời thì địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế, có thể đến tháng 8 tới sẽ giải quyết xong.

“Công ty hy vọng quý I/2021 có thể mở cảng giai đoạn 1 với 1 nhà kho, 1 sân bãi, văn phòng tạm của cơ quan hải quan và Công ty...”, vị chủ tọa nói.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục