Án phạt cho doanh nghiệp Quản trị kém
Vi phạm các quy định về quản trị công ty là một trong những hành vi phổ biến nhất bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) xử phạt từ đầu năm đến nay.
Trong đó, nhức nhối hơn cả là 2 lỗi: Doanh nghiệp không minh bạch thông tin về quản trị; ban lãnh đạo doanh nghiệp và những người liên quan có hành vi bất minh trong giao dịch cổ phiếu của công ty.
Điều này gây nên mối ngờ về tình trạng lãnh đạo công ty và người có liên quan lợi dụng lợi thế biết trước thông tin để giao dịch cổ phiếu nhằm trục lợi, làm xói mòn niềm tin của cổ đông, nhà đầu tư trên thị trường.
Với lỗi vi phạm quy định về minh bạch thông tin quản trị, từ đầu tháng 8 đến nay, hàng loạt trường hợp vi phạm đã bị UBCK phát hiện và xử phạt.
Vừa qua, CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (mã DST - sàn HNX) đã phải chịu án phạt kép. Cụ thể, ngày 3/8/2018, UBCK xử phạt DST số tiền 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định đối với các báo cáo như Báo cáo quản trị công ty năm 2016; Báo cáo thường niên năm 2016; Quyết định số 07/2018/QĐ-STLI ngày 9/3/2018 của HĐQT; Nghị quyết số 04/2017/QĐ-HĐQT 16/1/2017 của HĐQT...
Ông Ngô Quang Hòa, Chủ tịch HĐQT DST bị phạt số tiền 42,5 triệu đồng vì đã ký Biên bản họp và Nghị quyết HĐQT số 17/2017/NQ-HĐQT ngày 4/10/2017 về việc bầu ông Bùi Việt Dũng làm Thành viên HĐQT Công ty khi chưa được Đại hội đồng cổ đông của DST thông qua.
Vẫn là về vi phạm minh bạch thông tin quản trị, đầu tháng 8/2018, UBCK đã phạt CTCP Container Việt Nam (mã VSC - sàn HOSE) 60 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định.
Theo đó, Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2016 và cả năm 2016; 6 tháng đầu năm 2017 và cả năm 2017 của VSC chưa thống kê đầy đủ các nghị quyết/quyết định của HĐQT gồm: Quyết định số 2, 3, 5/2016/QĐ-HĐQT ngày 6/4/2016, 14/9/2016, 20/12/2016; Quyết định số 101/QĐ-HĐQT ngày 1/8/2016; Quyết định số 1, 2, 3/2017/QĐ-HĐQT ngày 9/6/2017, 5/7/2017, 18/9/2017;
Đồng thời chưa trình bày đầy đủ về giao dịch giữa VSC và người có liên quan của người nội bộ Công ty như đã nêu tại phần thuyết minh giao dịch với các bên liên quan trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 và 2017, Báo cáo tài chính bán niên đã soát xét năm 2016 và 2017…
Một vi phạm phổ biến khác cho thấy chất lượng quản trị của nhiều doanh nghiệp niêm yết còn thấp là ban lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như những người có liên quan thực hiện các giao dịch cổ phiếu bất minh. UBCK đã phạt nhiều lãnh đạo của CTCP Đầu tư sản xuất và thương mại HCD (mã HCD - sàn HOSE) về hành vi này.
Cụ thể, UBCK áp dụng mức phạt 27,5 triệu đồng đối với ông Nguyễn Đức Quang, Phó tổng giám đốc HCD vì mua 160.000 cổ phiếu HCD vào ngày 27/11/2017, nhưng đến ngày 15/12/2017, Sở GDCK TP.HCM (HOSE) mới nhận được báo cáo kết quả thực hiện giao dịch;
Phạt 20 triệu đồng mỗi người đối với ông Nguyễn Hữu Quyên, Thành viên HĐQT HCD và ông Vũ Trọng Huân, Phó tổng giám đốc HCD với lỗi tương tự (ông Quyên mua 60.000 cổ phiếu HCD từ ngày 1/12/2017 đến 4/12/2017, ông Huân cũng mua 60.000 cổ phiếu HCD vào ngày 28/11/2017, nhưng đến ngày 15/12/2017, HOSE mới nhận được báo cáo kết quả thực hiện giao dịch của 2 vị này).
Mới đây, UBCK phạt 15 triệu đồng đối với bà Trịnh Vân Khanh, 20 triệu đồng mỗi người đối với bà Trần Thị Thanh Hà và bà Trịnh Thị Minh Ngọc (đều ở Hà Nội) vì báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch cổ phiếu NS3 của CTCP Sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội (sàn UPCoM).
Cụ thể, ngày 2/2/2018, bà Khanh đã bán 40.000 cổ phiếu NS3, bà Hà đã bán 95.000 cổ phiếu NS3 và bà Ngọc đã bán 50.000 cổ phiếu NS3, nhưng đến ngày 13/2/2018, Sở GDCK Hà Nội (HNX) mới nhận được báo cáo kết quả giao dịch của 3 nhà đầu tư này. Các bà Khanh, Hà, Ngọc là những người có liên quan đến ông Trịnh Kim Giang, Chủ tịch HĐQT NS3…
Nâng chất quản trị: Thúc đẩy tầm thấp, khích lệ tầm cao
Thực trạng trên cho thấy, ngay cả yêu cầu tối thiểu về quản trị công ty (QTCT) - theo thông lệ quốc tế, doanh nghiệp cần tuân thủ đúng các quy định pháp lý được coi là mức sàn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa đáp ứng. Bởi vậy, để cải thiện chất lượng QTCT, theo giới chuyên gia, Việt Nam cần thực hiện song song 2 chiến lược: Thúc đẩy tầm thấp, khích lệ tầm cao.
Với chiến lược “thúc đẩy tầm thấp”, điều quan trọng là cùng với gia tăng chế tài xử phạt các cá nhân, doanh nghiệp không tuân thủ quy định về QTCT để tăng tính răn đe, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cần thường xuyên đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao ý thức, không ngừng cải thiện chất lượng quản trị trong doanh nghiệp khi mà hiện trạng QTCT ở Việt Nam đang ở mức “thức tỉnh”.
"Thái Lan là một hình mẫu tốt đối với Việt Nam, nhất là về hoạt động đào tạo nhằm nâng cao tính tự giác của doanh nghiệp về cải thiện chất lượng QTCT. Theo Chủ tịch Sở GDCK Thái Lan, trung bình 1 ngày ở nước này có 7 khóa đào tạo về QTCT, với sự tham gia của nhiều thành viên thị trường…", ông Hiếu nói.
Trong khi đó, chiến lược “khích lệ tầm cao” sẽ giúp các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, đi tắt, đón đầu về nâng cao chất lượng quản trị, đảm bảo bắt kịp các doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế.
Điều này góp phần tăng điểm QTCT cho Việt Nam thông qua nhóm doanh nghiệp lớn, trong bối cảnh không dễ để cải thiện chất lượng quản trị cho số đông doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong thời gian ngắn.
Để triển khai hiệu quả chiến lược này, điều quan trọng là nhà quản lý cần có các giải pháp khích lệ doanh nghiệp thường xuyên đón bắt, nhanh chóng áp dụng các xu hướng mới về nâng cao chất lượng QTCT.
Theo ông Hiếu, một trong những xu hướng mới mà một số doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang áp dụng là thuê đơn vị độc lập nghiên cứu, mổ xẻ về những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, tương lai phát triển, sau đó đem kết quả nghiên cứu này ra hội thảo, bàn luận công khai.
"Cách làm này chẳng khác nào 'vạch áo cho người xem lưng', nên đến nay còn rất xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam", ông Hiếu nói và cho biết, hiện có 2 công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam làm khá tốt việc này là Honda và Intel, trong khi chưa có doanh nghiệp nội địa nào triển khai theo cách này. Trong đó, Intel thuê Đại học Fulbright nghiên cứu để đánh giá về thực trạng, cũng như tương lai phát triển của Công ty…
Thực tế, việc "vạch áo cho người xem lưng" chính là cách để thông tin về doanh nghiệp được đông đảo nhà đầu tư, nhà nghiên cứu, thị trường tiếp cận.
Bởi vậy, kinh nghiệm thế giới cho thấy, cách mà doanh nghiệp quốc tế đang làm để không ngừng thúc đẩy nâng cao chất lượng QTCT là họ luôn coi trọng việc mở ra nhiều kênh tiếp cận để lãnh đạo doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với nhà đầu tư, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang làm ngược lại khi tìm cách lánh mặt cổ đông, nhà đầu tư, thậm chí tìm cách giữ bí mật thông tin…
HĐQT của các doanh nghiệp Việt Nam có mong muốn nhận thông tin từ cổ đông không? Trong nhiều trường hợp, câu trả lời là không... Để thành công trong nâng hạng thị trường chứng khoán, cũng như gia tăng độ tin cậy đối với nhà đầu tư về thị trường, chất lượng quản trị công ty (QTCT) phải được nâng lên. Điều này đòi hỏi nỗ lực lớn của các doanh nghiệp. Muốn nâng cao chất lượng QTCT, doanh nghiệp cần tiến hành nhiều giải pháp. Đầu tiên, doanh nghiệp cần đánh giá lại chính sách thông tin với cổ đông, để thấu hiểu họ cần gì. Ở Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp chẳng biết cổ đông là ai diễn ra khá phổ biến, nên doanh nghiệp chẳng biết họ muốn gì, cần gì. Vậy thì làm sao doanh nghiệp biết cách làm cho cổ đông vui lòng để họ tiếp tục đầu tư vào doanh nghiệp? Mặt khác, HĐQT của các doanh nghiệp Việt Nam có mong muốn nhận thông tin từ cổ đông không? Trong nhiều trường hợp, câu trả lời là không, vì lãnh đạo công ty cũng chính là cổ đông. Tiếp đến, doanh nghiệp cần định hình chiến lược quan hệ với nhà đầu tư bằng cách gia tăng các kênh tương tác với cổ đông, thay vì mỗi năm gặp cổ đông 1 lần thông qua cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng việc công bố thông tin cho cổ đông, nhà đầu tư. Đơn giản như trên website của công ty, có doanh nghiệp không công khai thông tin về báo cáo thường niên, báo cáo tài chính. Khi đối mặt với tình trạng khó tiếp cận thông tin trên website, nhà đầu tư chẳng biết liên hệ với ai. Ở nhiều nước, trách nhiệm liên hệ với cổ đông đặt nặng lên vai giám đốc tài chính, trong khi vị trí này ở các doanh nghiệp Việt Nam đa phần giới hạn trong mối quan hệ với cơ quan thuế, mà chưa hiểu cách làm thế nào để quan hệ tốt với cổ đông. Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, tổng giám đốc không muốn nói chuyện với cổ đông những thông tin về kế toán, tài chính vì họ không am hiểu sâu, trong khi lẽ ra vị này phải nói được thông tin về các con số cho cổ đông... Ông Lim Chor Ghee - Tổng giám đốc Tập đoàn Tricor Việt Nam
Quan trọng là lắng nghe tiếng nói của nhà đầu tư
Để trả lời cho câu hỏi của doanh nghiệp là khi bắt tay xây dựng báo cáo phát triển bền vững, họ nên bắt đầu từ đâu, điều quan trọng nhất là cần làm rõ các bên đọc báo cáo này là ai, họ mong đợi doanh nghiệp công khai những thông tin gì?
Chẳng hạn, với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, yêu cầu báo cáo cần thể hiện rõ ràng, đầy đủ các thông tin về kinh tế, tài chính..., trong khi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lại mong đợi doanh nghiệp trình bày sắc nét các thông tin về lao động, các yếu tố liên quan đến cộng đồng, xã hội.
Đương nhiên, để đáp ứng được mong đợi của công chúng đầu tư, trong báo cáo phát triển bền vững, doanh nghiệp cần trình bày minh bạch, đầy đủ những thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, qua đó thực sự thể hiện doanh nghiệp phát triển bền vững.
Liên quan đến câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp quan tâm là lập báo cáo phát triển bền vững có tốn tiền không, kinh nghiệm cho thấy, một khi ban lãnh đạo doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, thì việc lập báo cáo này đòi hỏi đầu tư về tâm huyết và thời gian nhiều hơn là về tài chính.
Ông Nguyễn Công Minh Bảo - Giám đốc Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) tại Việt Nam