Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Năm 2015, MobiFone có chiến lược tham gia lĩnh vực truyền hình, với 2 phương án lựa chọn là trực tiếp đầu tư, hoặc mua lại một công ty kinh doanh và cung cấp dịch vụ truyền hình sẵn có.
MobiFone đã đi theo hướng thứ hai là mua lại 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), giá trị dự án trên 5.000 tỷ đồng.
Song, trên thực tế, giá trị thương vụ M&A lên tới 8.900 tỷ đồng. Từ sau khi có quyết định đầu tư, ký thỏa thuận, hợp đồng, việc thanh toán diễn ra nhanh chóng.
Chỉ trong vòng 19 ngày, Mobifone đã thanh toán 8.445,324 tỷ đồng (tương đương 95% giá trị hợp đồng).
Tuy nhiên, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần chưa hoàn tất thì thanh tra vào cuộc và phát hiện nhiều sai phạm, từ thẩm quyền đến trình tự, quyết định đầu tư. Sau đó, vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra.
Trong tháng 12/2019, phiên tòa xét xử các cá nhân liên quan đã diễn ra với mức đề nghị hình phạt rất nghiêm khắc.
Trong các thương vụ M&A thông thường, yếu tố quan trọng là giá mua và hiệu quả đầu tư.
Còn liên quan đến vốn nhà nước, vấn đề lớn nhất là câu chuyện cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định.
Đây cũng là vấn đề các luật sư đã tranh cãi tại phiên tòa kéo dài nhiều ngày qua. Một số ý kiến trước tòa cho rằng, giao dịch này “lạc lối ngay từ tên gọi” và các bên có sự lúng túng khi áp dụng pháp luật trong bối cảnh 2015 là năm chuyển tiếp với các luật về đầu tư bắt đầu có hiệu lực như Luật số 67, Luật số 69…
Luật sư Phan Trung Hoài phân tích, khi diễn ra giao dịch, nhận thức giữa các bên về áp dụng pháp luật còn lúng túng.
Điều này có nguyên nhân cụ thể là khi Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản hỏi ý kiến các cơ quan chuyên môn thì được xác định trình tự thủ tục dự án theo Luật số 69/2014.
Đến quá trình điều tra thì làm rõ phải áp dụng cả Luật số 67/2014, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến thẩm quyền, có một vấn đề lớn dẫn đến nhận thức của các bị cáo khác nhau, đó là chưa xác định được bản chất giao dịch mua 95% cổ phần AVG là mua cổ phần hay đầu tư dịch vụ truyền hình.
Văn bản trả lời của Văn phòng Chính phủ cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông đều có sự khác nhau về tên gọi của dự án.
Ngoài ra, nếu mua cổ phần thì có thuộc đối tượng phải thẩm định giá không và vì sao Bộ Tài chính không xác định giá mua?
Bởi theo Luật giá 2012, việc mua bán doanh nghiệp, cổ phần không thuộc đối tượng Nhà nước định giá, việc thuê đơn vị định giá là phù hợp và kết quả thẩm định giá để các bên xem xét.
Theo luật sư Phan Trung Hoài, có 2 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG (gồm phần vốn góp tại Công ty An Viên B.P và Công ty Giống tằm Mai Lĩnh) khiến Hội đồng thành viên MobiFone, Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông)… tranh cãi.
Theo đề xuất của MobiFone, 2 khoản này không nằm trong giao dịch mua cổ phần.
Khi trao đổi, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định giá trị 2 khoản này bằng 0 đồng, tức là giữ nguyên trạng. Việc thoái vốn không thực hiện được vì ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa sau này của MobiFone.
Bị cáo Phạm Đình Trọng, cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp cho biết, bị cáo thuộc vụ chức năng, tham mưu cho Bộ trưởng nên tham gia từ đầu đến cuối giao dịch này.
Bị cáo khai nhận, khi MobiFone có báo cáo đầu tiên, “thấy quy mô dự án kinh khủng quá”. Trước khi đặt bút, bị cáo tìm căn cứ pháp lý. Song tại thời điểm đó, Luật số 69/2014 mới có hiệu lực, chưa có hướng dẫn.
“Thực tế là có sự lúng túng khi luật mới ra đời”, bị cáo Trọng thừa nhận.
Có luật sư nêu ý kiến rằng, nếu là một dự án đầu tư thì cần có thời gian, địa điểm, thời hạn đầu tư và phải tuân theo trình tự của dự án.
Còn việc mua bán cổ phần, cổ phiếu diễn ra trong một thời điểm và các bên chỉ quan tâm là giá có đúng giá thị trường không, cổ tức thu về một năm bao nhiêu, tính thanh khoản của cổ phiếu và giá cổ phiếu có tăng không.
Luật Doanh nghiệp cũng quy định, đầu tư kinh doanh gồm 4 trường hợp, trong đó dự án đầu tư là một phần hoạt động đầu tư kinh doanh và độc lập với việc mua bán cổ phần, cổ phiếu với công ty khác. Vì vậy, khi các bị cáo lập dự án đầu tư, luật sư này cho rằng, có “sự lạc lối ngay từ tên gọi”.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, trước ngày 30/1/2019 có nhiều văn bản hướng dẫn khác nhau, nhưng sau ngày này thì có Nghị định số 10/2019/NĐCP quy định chi tiết về thẩm quyền của cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số trường hợp hiện vẫn chưa có lời giải cụ thể.
Ví dụ, doanh nghiệp A có 40% vốn nhà nước, doanh nghiệp A đầu tư 40% vốn vào một doanh nghiệp B. Nếu A muốn bán phần vốn của mình tại B thì ai có thẩm quyền quyết định bán phần vốn tại doanh nghiệp B?
Vấn đề ở đây là xác định phần vốn tại doanh nghiệp B là vốn nhà nước hay không, từ đó mới xác định được là thẩm quyền bán phần vốn tại B là của A, hay phải xin ý kiến của cả cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại A mới được quyền bán.