5 lần đàm phán mua bán cổ phần AVG
Tháng 1/2015, Tổng công ty Viễn thông Mobifone có tờ trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số. Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) sở hữu truyền hình An Viên là đơn vị được chọn.
AVG được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Sau 7 năm hoạt động, khi thương vụ Mobifone mua lại AVG diễn ra, các đơn vị định giá đã xác định giá trị doanh nghiệp này tăng hàng trăm lần so với thời điểm mới thành lập.
Cụ thể, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) xác định giá trị AVG theo phương pháp chiết khấu dòng tiền là 33.299 tỷ đồng. Công ty TNHH Ðầu tư và thẩm định giá AMAX xác định giá trị AVG theo phương pháp tài sản là 16.565 tỷ đồng, theo phương pháp thu nhập là 17.184 tỷ đồng. Dựa trên kết quả định giá của AMAX, hai bên đã có 5 lần đàm phán về giá mua bán.
Lần đàm phán đầu tiên ngày 4/8/2015, mức giá đề nghị là 15.577 tỷ đồng cho 100% vốn cổ phần của AVG, riêng mảng truyền hình là 600 triệu USD (tương đương 13.104 tỷ đồng). Mobifone đã trao đổi với nhóm cổ đông AVG và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông tổng mức đầu tư tối đa mảng truyền hình là 11.666 tỷ đồng.
Ngày 24/8/2015, cổ đông AVG chào giá 11.700 tỷ đồng cho 90% vốn cổ phần của AVG. Nhóm cổ đông này sẽ mua lại cổ phần của AVG tại hai công ty ngoài ngành là 2.473 tỷ đồng. Như vậy, giá trị 90% cổ phần AVG tính riêng cho mảng truyền hình là 9.226 tỷ đồng.
Lần thứ 3, nhóm cổ đông AVG đưa ra đề xuất chuyển nhượng 90,1% cổ phần với giá 11.371 tỷ đồng. Với đề xuất này, giá trị 90% cổ phần AVG tính riêng cho mảng truyền hình là 8.893 tỷ đồng.
Ðến lần thứ 4, hai bên đã thống nhất và ký biên bản chuyển nhượng 95% cổ phần với giá 11.371 tỷ đồng.
Lần đàm phán cuối cùng, hai bên chốt mức giá mua bán 95% cổ phần AVG là 8.898 tỷ đồng theo nguyên trạng (bao gồm cả phần vốn góp của AVG tại Công ty cổ phần An Viên B.P và Công ty cổ phần Giống tằm Mai Lĩnh).
Hai bên thỏa thuận Mobifone thanh toán 95% số tiền, còn 5% sẽ thanh toán vào ngày hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng.
Sau đó, Mobifone đã thanh toán lần đầu cho các cổ đông AVG là 2.666 tỷ đồng. Số tiền này, Mobifone đã rút trước hạn 7 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được 850 tỷ đồng, còn lại vay ngắn hạn tại VietinBank.
Lần 2, Mobifone thanh toán 5.778 tỷ đồng. Mobifone đã rút trước hạn tiền gửi tại 5 ngân hàng được 3.450 tỷ đồng, còn lại 1.700 tỷ đồng tiếp tục vay ngắn hạn VietinBank.
Như vậy, Mobifone đã mua 95% cổ phần AVG với giá gần 8.900 tỷ đồng và không đủ tiền mặt, phải vay ngắn hạn ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế AVG có đáng giá như vậy?
Theo cơ quan điều tra, vốn điều lệ của AVG tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 3.628 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn là 3.260 tỷ đồng, nợ phải trả 1.266 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn là 952 tỷ đồng, vượt 665 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn.
Các khoản vay và nợ dài hạn là 314 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 1.993 tỷ đồng, trong đó vốn cổ phần là 3.628 tỷ đồng, lỗ lũy kế từ năm 2010 đến 31/3/2015 là 1.634 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Quách Mạnh Lâm - Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính và Mai Thị Lan Hương - Kế toán trưởng từ khi Mobifone chưa mua cổ phần AVG khai rằng, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, tình hình tài chính AVG rất khó khăn, lỗ kéo dài, nợ vay lớn, vốn kinh doanh của mảng truyền hình âm.
Lằng ngoằng quá trình tăng vốn
Ðáng chú ý, hai lãnh đạo của AVG khai báo tài sản và nguồn vốn của AVG tăng qua các năm chủ yếu do thực hiện tăng vốn điều lệ và đầu tư tài chính.
Cụ thể, năm 2014, AVG mua cổ phần Giống tằm Mai Lĩnh. Quý I/2015, AVG mua cổ phần An Viên B.P. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, năm 2014 chiếm 31% vốn điều lệ, đến quý I/2015 chiếm 82%.
Nguồn vốn chủ sở hữu hầu hết dành cho các khoản đầu tư tài chính dài hạn, nhưng thực tế không phát sinh dòng tiền, mà thông qua việc bù trừ công nợ khi AVG mua cổ phần của các cá nhân tại Giống tằm Mai Lĩnh và An Viên B.P.
Giai đoạn 2014 - đầu 2015, AVG có Nghị quyết Ðại hội đồng cổ đông quyết định tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành thêm 147,8 triệu cổ phần.
Các cổ đông của AVG gồm ông Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch HÐQT AVG, đăng ký mua 80.840.00 cổ phần, bà Hoàng Thanh Hằng đăng ký mua 57.431.440 cổ phần, bà Phạm Thu Trang đăng ký mua 9.888.560 cổ phần.
Tuy nhiên, việc mua bán cổ phần không được thanh toán bằng tiền mặt. Giai đoạn này, AVG đã đầu tư mua cổ phần Giống tằm Mai Lĩnh, An Viên B.P của ông Vũ, bà Hằng, bà Trang. Do đó, hai bên đã đối trừ công nợ.
Với ông Phạm Nhật Vũ, từ năm 2011, AVG đã có quyết định rót vốn vào An Viên B.P để đầu tư dự án thăm dò, khai thác Bauxite và chế biến Alumina ở tỉnh Bình Phước với hai mỏ Thọ Sơn và Thống Nhất.
AVG mua lại 15 triệu cổ phần của ông Vũ tại An Viên B.P bằng cách ký thỏa thuận đặt cọc số tiền 1.200 tỷ đồng. Cũng trong năm 2011, AVG đã hoàn tất việc đặt cọc.
Tháng 11/2014, khi AVG có nghị quyết tăng vốn điều lệ, giao dịch mua bán cổ phần An Viên B.P được nhắc đến. Lúc này, hai bên mới ký hợp đồng chuyển nhượng, xác định giá bán là 1.800 tỷ đồng. Trừ tiền đặt cọc 1.200 tỷ đồng, AVG còn phải trả ông Phạm Nhật Vũ 600 tỷ đồng. Số tiền này được đối trừ vào tiền ông Vũ mua cổ phần khi tăng vốn điều lệ.
Tương tự, năm 2012, AVG đầu tư mua cổ phần Giống tằm Mai Lĩnh của bà Hoàng Thanh Hằng, bà Phạm Thu Trang vì công ty này sở hữu 11,1 ha đất tại phường Giang Biên, Hà Ðông (Hà Nội) và dự kiến triển khai dự án Khu đô thị Mai Lĩnh Riverside.
Tuy nhiên, AVG mua nợ cổ phần và có thỏa thuận nhận nợ với bà Trang là 98,8 tỷ đồng, với bà Hằng là 574 tỷ đồng.
Khoản nợ này được duy trì suốt từ năm 2012 cho đến tháng 1/2015, AVG đã đối trừ khoản nợ với nghĩa vụ thanh toán tiền mua cổ phần tăng vốn mà bà Hằng, bà Trang phải nộp. AVG xác nhận, bà Hằng, bà Trang đã nộp đủ tiền để mua cổ phần tăng vốn tại AVG.
Cũng trong tháng 1/2015, AVG hoàn tất việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ do chào bán cổ phần, số vốn điều lệ là 3.268 tỷ đồng.
Hiện, AVG sở hữu 99% vốn điều lệ tại Giống tằm Mai Lĩnh. Ðáng chú ý, Công ty không có dự án, không xin giấy phép về dự án Khu đô thị Mai Lĩnh Riverside.
Cơ quan điều tra xác định, việc Mobifone mua AVG có nhiều sai phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 6.475 tỷ đồng.
Từ thời điểm 2/1/2016, sau khi trở thành công ty con của Mobifone, AVG đã thay đổi tên và biểu tượng truyền hình An Viên thành MobiTV.
Trong quá trình hoạt động sau khi về với Mobifone, AVG luôn trong tình trạng khó khăn về tài chính do công nợ lớn, không huy động được vốn vay, không thể hợp tác xã hội hóa, cũng như không thoái được vốn tại hai doanh nghiệp ngoài ngành kể trên.