Quan điểm của các luật sư đều cho rằng bầu Kiên không phạm tội.
Với hành vi trốn thuế, Luật sư Vũ Xuân Nam cho rằng giao dịch hợp đồng giữa bà Hương và ACB đã được kê khai thuế đầy đủ. Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát không có thẩm quyền đánh giá tính hợp pháp của các hợp đồng liên quan. Các văn bản trả lời của Tổng cục thuế cũng không thể là chứng cứ chứng minh.
Về kết luận giám định, luật sư cho rằng đối tượng giám định trong trường hợp này là thuế TNDN của DN trong niên độ tài chính chứ không thể là khoản thuế phát sinh từ một hợp đồng.
Hơn nữa, giám định viên đã không tính đến chế độ miễn giảm thuế 30% mà Công ty B&B được hưởng. Nếu trích lập dự phòng rủi ro thì Công ty B&B sẽ bị lỗ và không phát sinh thu nhập chịu thuế.
Luật sư Hoàng Đôn Hùng bào chữa cho hành vi Cố ý làm trái, cho rằng Ngân hàng Nhà nước không có văn bản nào quy định ngân hàng thương mại không được thực hiện nghiệp vụ ủy thác khi không có hướng dẫn của cơ quan này.
“Chúng tôi khẳng định quyết định ngày 22/3/2010 là đúng quy định pháp luật tại thời điểm ban hành. Việc ủy thác gửi tiền của ACB không vi phạm Điều 106, Luật Các tổ chức tín dụng 2010”, luật sư Hoàng Đôn Hùng nói.
Cũng theo Luật sư, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng xác nhận công văn 350 chỉ mang tính chất lưu hành nội bộ. Và chưa phù hợp không có nghĩa là vi phạm pháp luật.
Theo trình bày của luật sư, ACB yêu cầu ngân hàng Công thương trả cả gốc lẫn lãi số tiền các nhân viên gửi. Ngân hàng công thương có nhiều vi phạm để Huyền Như làm sai trong thời gian dài với hàng trăm lần thực hiện, với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Hậu quả là ACB phải gánh chịu. ACB đã khởi kiện yêu cầu ngân hàng công thương trả tiền sau khi Huyền Như bị bắt.
Đáng chú ý, luật sư Hùng cho rằng NHNN đã thiếu trách nhiệm khi không cảnh báo, nhắc nhở, không xử lý sai phạm việc ủy thác gửi tiền của các ngân hàng, dẫn đến các bị cáo bị truy tố tội danh 'Cố ý làm trái'.
Từ ý kiến này, luật sư Hùng kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở NHNN, kiến nghị tuyên Nguyễn Đức Kiên không phạm tội 'Cố ý làm trái'.
Về hành vi liên quan đến khoản đầu tư cổ phiếu ACB, Luật sư cho rằng bầu Kiên không cố ý làm trái và không hề có khoản thiệt hại nào từ hành vi thông qua chủ trương đầu tư cổ phiếu. Khoản đầu tư này đã được thanh lý tất toán từ tháng 6/2010. Và các khoản thu lỗ đều do ACI, ACI HN chịu trách nhiệm.
ACI và ACI HN xác nhận không nợ nần gì ACB, ACBS và các báo cáo tài chính của ACB, ACBS đều không ghi nhận khoản lỗ nào. Tài sản mà đại diện Viện Kiểm sát cho rằng đã mất thì vẫn còn tồn tại. ACB đã xác nhận không có thiệt hại gì.
Luật sư Phạm Danh Tín bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang cho rằng khi ký nghị quyết ngày 22/3/2010 thì Luật TCTD chưa có hiệu lực và chưa thông qua. Tại thời điểm này Luật TCTD năm 1997 và sửa đổi 2004 đang có hiệu lực theo đó các ngân hàng được quyền ủy thác, nhận ủy thác liên quan hoạt động ngân hàng.
Hậu quả của hành vi này theo cáo trạng là số tiền gửi tại VietinBank bị Huyền Như chiếm đoạt nhưng số tiền đang được xét xử ở vụ án khác nên không đủ cơ sở cho rằng ACB thiệt hại số tiền này.
Hành vi làm trái không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả thiệt hại mà do Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối để lấy số tiền hợp pháp của các nhân viên ACB được gửi tại tài khoản ở Vietinbank.