Lựa chọn chứng khoán xanh trước mối đe doạ do biến đổi khí hậu

(ĐTCK) Theo ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), chứng khoán xanh phát triển có yếu tố thiện tâm trong chính các nhà đầu tư, nhưng mối đe doạ do biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia mới là yếu tố quan trọng.
Nhà đầu tư Việt Nam đã bước đầu coi chứng khoán xanh như là một công cụ đầu tư mới
Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2020. Nhà đầu tư Việt Nam đã bước đầu coi chứng khoán xanh như là một công cụ đầu tư mới Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2020.

Sự ra đời của chứng khoán xanh trên thế giới có phải xuất phát từ hành vi đầu tư có trách nhiệm với môi trường sống?

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2009, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trên thị trường tài chính như một điều kiện quan trọng đối với phát triển bền vững nền kinh tế.

Chỉ có một thị trường tài chính bền vững mới có thể huy động vốn cho nền kinh tế bền vững.

Khái niệm “tăng trưởng xanh” theo đó xuất hiện. Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) định nghĩa, “tăng trưởng xanh là chiến lược để đạt được phát triển bền vững”.

Tăng trưởng GDP phải duy trì hoặc khôi phục chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, đáp ứng các nhu cầu của tất cả mọi người với mức thấp nhất có thể tác động đến môi trường.

Với Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng xanh là hiệu quả trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa ô nhiễm và các tác động môi trường, có khả năng thích ứng trước các hiểm họa thiên nhiên, vai trò của quản lý môi trường và vốn tự nhiên trong phòng ngừa thiên tai...

Để hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững, nhiều nước đã phát triển các chính sách tài chính như bố trí ngân sách thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đưa ra các chính sách về thuế, phí để thúc đẩy chiến lược tăng trưởng xanh.

Các nước cũng phát triển thị trường vốn xanh và sản phẩm tài chính xanh để huy động nguồn lực đầu tư cho các dự án xanh, bảo vệ môi trường.

Theo đó, hình thức đơn giản và phổ biến nhất là phát hành các trái phiếu xanh để hỗ trợ cho các dự án thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho dự án xanh, phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh.

Ông có cho rằng, yếu tố thiện tâm trong chính các nhà đầu tư đang thúc đẩy phong trào đầu tư vào chứng khoán xanh trên toàn cầu?

Ông Nguyễn Như Quỳnh.

Tôi nhất trí với ý kiến này, nhưng mối đe doạ do biến đổi khí hậu đối với phát triển bền vững của mỗi quốc gia mới là yếu tố quan trọng thúc đẩy chứng khoán xanh phát triển.

Biến đổi khí hậu không chỉ tạo áp lực gia tăng cho các chính phủ, mà còn gia tăng chi phí sản xuất của khu vực tư nhân.

Vì vậy, động lực thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh phát triển xuất phát từ chính nhu cầu về nguồn vốn của các nhà phát hành và các cam kết của nhà đầu tư về tài trợ cho chống biến đổi khí hậu, cũng như những lợi ích kép mà nó mang lại cho cả nhà đầu tư và nhà phát hành.

Trái phiếu xanh đem đến nguồn tài chính cho các quốc gia triển khai các dự án năng lượng sạch, giảm tác động và thích nghi với biến đổi khí hậu, trong khi mang lại cho các nhà đầu tư nguồn tín dụng chất lượng cao, lợi tức từ các khoản đầu tư, cùng với những lợi ích tích cực về mặt môi trường.

Bên cạnh đó, công nghệ “sạch” cũng đang là một xu hướng được các nhà đầu tư lựa chọn trước những lo ngại về nguy cơ do biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường.

Tại Pháp nói riêng và ở châu Âu nói chung, xu hướng “đầu tư có trách nhiệm với xã hội” đã và đang là một chuẩn mực trong lĩnh vực đầu tư và phát triển.

Cách thức và nguyên tắc đầu tư có nguyên lý dựa trên những giá trị xã hội này đã và đang tạo ra động lực cho sự phát triển của trái phiếu xanh tại Pháp.

Năm 2013, giá trị phát hành của trái phiếu xanh toàn cầu đạt 11,4 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với năm 2012.

Gần đây nhất, theo báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận Climate Bonds Initiative, trái phiếu xanh phát hành trên toàn cầu trong năm 2017 đạt 155,5 tỷ USD, tăng 78% so với năm 2016, nhờ sự tăng trưởng về số lượng các tổ chức phát hành, các chính sách hỗ trợ tài chính xanh của các quốc gia và nhu cầu đầu tư trái phiếu xanh tăng vọt.

Trong đó, ba thị trường dẫn đầu là Mỹ, Trung Quốc và Pháp, chiếm 56% tổng giá trị phát hành năm 2017.

Theo ông, dòng tiền đầu tư đổ vào chứng khoán xanh có tiếp tục gia tăng mạnh?

Theo tôi, trong thời gian tới, dòng tiền đầu tư vào chứng khoán xanh sẽ ngày càng tăng, bởi nhu cầu đối với trái phiếu xanh ngày càng tăng.

Các nhà đầu tư toàn cầu đang kêu gọi các chính phủ cần hành động để mở rộng thị trường trái phiếu xanh nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư xanh.

Các tổ chức bảo hiểm cam kết sẽ tăng mức độ đầu tư vào công cụ tài chính xanh lên 10 lần so với hiện nay cho đến năm 2025.

Tổ chức phát hành trái phiếu xanh ngày càng đa dạng. Xuất phát ban đầu chủ yếu do các ngân hàng phát triển đa phương (Ngân hàng Đầu tư châu Âu - EIB, Ngân hàng Thế giới - WB) phát hành, cho đến nay, các tổ chức phát hành trái phiếu xanh đã mở rộng, bao gồm các tổ chức công, doanh nghiệp, tổ chức tài chính…

Nhu cầu đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng xanh không thể chỉ dựa vào nguồn tài chính từ khu vực công và hệ thống ngân hàng, mà cần phải được huy động từ nhiều nguồn khác.

Ông có cho rằng, các nhà đầu tư Việt Nam chưa nghĩ nhiều đến đầu tư vào chứng khoán xanh. Thay vào đó, họ tập trung vào việc đầu tư sao cho kiếm được nhiều lãi, hơn là quan tâm đến bảo vệ môi trường?

Tôi không nghĩ vậy. Tại Việt Nam, hậu quả do biến đổi khí hậu đã làm gia tăng mức độ, cũng như chu kỳ xảy ra thiên tai như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng cao…

Điều này đã tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân. Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam tổn thất 15 tỷ USD/năm, tương đương 5% GDP.

Từ tháng 10/2016, trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Bộ Tài chính đã triển khai chương trình thí điểm phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam áp dụng cho trái phiếu chính quyền dịa phương của TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngay trong năm 2016, TP.HCM đã phát hành thành công 523,5 tỷ đồng trái phiếu xanh, nguồn vốn được sử dụng cho 11 dự án xanh. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hành thành công 80 tỷ đồng trái phiếu xanh cho 1 dự án xanh.

Các năm 2017, 2018, hai tỉnh này tiếp tục phát hành thí điểm trái phiếu chính quyền địa phương xanh và đến nay TP.HCM đã hoàn thành 100% kế hoạch phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương xanh cho 34 dự án xanh; Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hành thành công 500 tỷ đồng (100%) cho 8 dự án xanh.

Như vậy, có thể thấy, nhà đầu tư Việt Nam đã bước đầu coi chứng khoán xanh như là một công cụ đầu tư mới.

HNX là "chợ" tổ chức phát hành sản phẩm trái phiếu chính quyền địa phương xanh đầu tiên ở Việt Nam, đến nay, các hoạt động phát hành và giao dịch sản phẩm này nói riêng, các loại chứng khoán xanh khác nói chung có thêm bước tiến gì mới? Kế hoạch của HNX trong tổ chức và giao dịch chứng khoán xanh trong tương lai là gì?

Lựa chọn chứng khoán xanh trước mối đe doạ do biến đổi khí hậu ảnh 2

Sở GDCK Hà Nội cho biết, sẽ sử dụng nguồn lực phù hợp cho xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu xanh Việt Nam.

Về phía HNX, từ cuối năm 2015, nhằm triển khai Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, trong khuôn khổ chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng bền vững về môi trường và xã hội trong lĩnh vực cải cách thị trường tài chính xanh của GIZ, sau khi đánh giá thực trạng thị trường trái phiếu Chính phủ, HNX đã phối hợp với GIZ xây dựng phương án thí điểm về phát hành trái phiếu xanh với cơ cấu, đặc điểm sản phẩm linh hoạt như trái phiếu coupon thuần túy, trái phiếu có nguồn thu từ dự án, trái phiếu zero coupon, phù hợp với chương trình hành động chung của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ngoài nghiên cứu chỉ số trái phiếu xanh, HNX cũng mong muốn nghiên cứu tạo ra sản phẩm kết hợp giữa tín dụng, trái phiếu và từ nguồn hỗ trợ vốn ưu đãi quốc tế (ODA).

Tại Pháp nói riêng và ở châu Âu nói chung, xu hướng “đầu tư có trách nhiệm với xã hội” đã và đang là một chuẩn mực trong lĩnh vực đầu tư và phát triển.   

Hiện nay, vẫn còn có vướng mắc về mặt cơ chế liên quan đến xác định tiêu chí xanh cho các dự án.

Do đó, HNX sẽ tiếp tục khảo sát, học hỏi kinh nghiệm của các thị trường trên thế giới và hợp tác với các chủ thể khác nhau trong lĩnh vực tài chính xanh nói chung và trái phiếu xanh nói riêng để phục vụ cho phát hành sản phẩm trái phiếu xanh.

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tập trung nghiên cứu hoàn thiện khung khổ chính sách phát triển thị trường trái phiếu hiện đại theo thông lệ quốc tế, trong đó ưu tiên phát triển thị trường trái phiếu xanh.

HNX tiếp tục phối hợp với các tổ chức điều hành thị trường và các tổ chức phát hành nghiên cứu, ban hành khung pháp lý quy định về phát hành sản phẩm trái phiếu xanh.

Trên thị trường trái phiếu, HNX sẽ tiếp tục tổ chức các buổi giới thiệu về phát hành trái phiếu xanh cho các thành viên thị trường, hỗ trợ GIZ truyền thông về trái phiếu xanh, phối hợp với GIZ và các địa phương để kêu gọi và tổ chức phát hành trái phiếu xanh phục vụ các dự án xanh của địa phương.

Trên thị trường cổ phiếu, HNX phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM nghiên cứu xây dựng quy chế hướng dẫn về quản trị rủi ro môi trường xã hội, nâng cao trách nhiệm xã hội (CSR) của các doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng.

Để thu hút nhà đầu tư tham gia chợ chứng khoán xanh, các nước đã sử dụng những biện pháp nào và Việt Nam nên học gì từ kinh nghiệm đó?

Tại Trung Quốc, trong năm 2016 có 81 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành, chiếm 39% tổng số trái phiếu xanh toàn cầu trong cùng thời kỳ.

Các cơ quan quản lý thị trường trái phiếu đã rút ngắn thời gian chấp thuận đối với các đợt phát hành trái phiếu xanh so với trái phiếu thông thường.

Tất cả các đợt phát hành trái phiếu đều phải được thẩm định và kiểm soát theo quy định của pháp luật để bảo vệ nhà đầu tư.

Chính quyền Bắc Kinh, Thượng Hải áp dụng chính sách hỗ trợ về lãi suất đối với trái phiếu xanh dựa trên những tiêu chí cụ thể về giá trị phát hành, kỳ hạn.

Tại Singapore, Cơ quan Giám sát tiền tệ Singapore tài trợ cho trái phiếu xanh thông qua hỗ trợ chi phí thẩm định của bên thứ hai áp dụng với giá trị phát hành từ 200 triệu USD trở lên và kỳ hạn trái phiếu ít nhất là 3 năm.

Cơ quan này cũng đưa ra những biện pháp nhằm xác định các tổ chức phát hành đạt tiêu chuẩn cho chương trình tài trợ này bao gồm những doanh nghiệp hoặc tổ chức tài chính phát hành trái phiếu xanh.

Việc phát hành trái phiếu phải do doanh nghiệp thành lập tại Singapore thực hiện và trái phiếu sau khi phát hành phải được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore. Doanh nghiệp phải nộp báo cáo đánh giá độc lập hoặc định mức tín nhiệm dựa trên những tiêu chuẩn trái phiếu xanh được quốc tế công nhận.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, để phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, hành lang pháp lý phục vụ cho việc phát triển trái phiếu xanh cần được hoàn thiện, phải tạo ra những cải cách trong nền kinh tế và hệ thống tài chính nhằm tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển trái phiếu xanh.

Đồng thời, có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các chủ thể phát hành trái phiếu xanh và thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến loại tài sản này.

Bên cạnh đó, ban hành bộ nguyên tắc trái phiếu xanh phù hợp với tiêu chuẩn trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế.

Chúng ta cũng nên tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nước ngoài như WB, UNEP, GIZ… trong phát hành và phát triển trái phiếu xanh trên thị trường.

Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của người dân, nhà đầu tư, xây dựng các giá trị trong đầu tư hướng đến nền kinh tế xanh nhằm tạo sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng đầu tư đối với các sản phẩm xanh trên cả thị trường tài chính và thị trường hàng hoá.

Trước mắt, Việt Nam cần triển khai những đợt phát hành thử nghiệm, có thể có sự tham gia hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế uy tín như ADB, GIZ… nhằm tạo ra các tiền lệ phát hành loại trái phiếu mới so với các trái phiếu thông thường.

Về phía mình, HNX có thể phối hợp cùng các tổ chức quốc tế đứng ra thăm dò nhu cầu của các nhà tổ chức phát hành và nhà đầu tư tiềm năng, phối hợp xây dựng năng lực của các chủ thể tham gia thị trường nhằm từng bước hình thành hạ tầng ban đầu cho phát hành trái phiếu xanh, bên cạnh hoàn thiện dần khung khổ pháp lý.

Trên cơ sở kinh nghiệm và hạ tầng sẵn có của việc phát hành và giao dịch trên thị trường trái phiếu chính phủ, HNX cam kết sử dụng nguồn lực phù hợp cho xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu xanh Việt Nam.

Nguyễn Hữu
Báo Đầu tư Chứng khoán Tết Canh Tý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục