Chứng khoán xanh, xa mà gần

(ĐTCK) Tuy còn xa lạ với thị trường cũng như nhà đầu tư, nhưng với việc đã xuất hiện những chứng khoán xanh đầu tiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần bắt nhịp hội nhập với quốc tế. Diễn biến này không chỉ dần định hình phương thức huy động vốn mới thông qua phát hành chứng khoán xanh, mà còn đáp ứng khẩu vị đầu tư mới, qua đó cả bên mua lẫn bên bán góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, gần gũi với con người.
Sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chào bán, huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh Sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chào bán, huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh

Những chứng khoán xanh đầu tiên

Giống như nhiều sản phẩm phục vụ con người khác được thiết kế và sản xuất theo hướng ngày càng thân thiện với môi trường, có giá trị sử dụng giúp con người sống an hòa với mẹ thiên nhiên, sản phẩm chứng khoán xanh cũng có những đặc tính tương tự.

Sự xuất hiện của những sản phẩm này trên thị trường vốn quốc tế, không chỉ làm thay đổi phương thức huy động và sử dụng vốn cho các công trình, dự án “xanh” như thủy lợi, trồng rừng, chống phát thải nhà kính…, mà còn đáp ứng nhu cầu đầu tư có trách nhiệm hơn với môi trường và sự sống của con người từ phía nhà đầu tư cá nhân cho đến các nhà đầu tư tổ chức.

Vì những giá trị thiết thực ấy, những sản phẩm chứng khoán xanh đầu tiên đã dần hình thành tại Việt Nam. Nếu như trước năm 2016, câu chuyện phát triển thị trường vốn xanh tại Việt Nam chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng của nhà quản lý, lẫn các tổ chức có ý định phát hành, thì đến nay đã có những chứng khoán xanh đầu tiên được đưa ra thị trường, qua đó không chỉ mở ra triển vọng mới cho nhà phát hành trong huy động vốn để triển khai các dự án xanh, mà còn đáp ứng nhu cầu đầu tư, nhất là từ phía nhà đầu tư ngoại.

Những sản phẩm chứng khoán xanh đầu tiên, theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), được hình thành từ khuôn khổ chương trình hợp tác với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Bộ Tài chính đã phối hợp với GIZ triển khai chương trình thí điểm phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam.

Thị trường tài chính 24h: Cơ hội ở đâu khi thị trường sợ hãi?

Theo đó, lãnh đạo Bộ Tài chính đã đồng ý thực hiện thí điểm phát hành trái phiếu xanh năm 2016 áp dụng cho trái phiếu chính quyền địa phương của TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (thuộc UBND TP.HCM) đã phát hành được 523,5 tỷ đồng trên tổng khối lượng 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương phát hành tháng 10/2016.

Số vốn này được TP.HCM được sử dụng cho 11 dự án xanh thuộc các lĩnh vực quản lý nguồn nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu… Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hành được 80 tỷ đồng trên tổng khối lượng 500 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương phát hành tháng 9/2016.

Là người gắn bó với quá trình ra đời của trái phiếu xanh tại Việt Nam, TS. Michael Krakowski, Giám đốc Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh của GIZ dự báo, với kết quả tích cực trên, tới đây trái phiếu xanh tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh.

Sở dĩ như vậy bởi theo Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần đây, đã đưa ra yêu cầu hình thành các cơ chế phát triển trái phiếu xanh.

Bộ Tài chính cũng đang có kế hoạch sửa đổi khung pháp lý với dự kiến lồng ghép các cơ chế về phát triển trái phiếu xanh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang tạo thuận lợi cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh.

Ngoài trái phiếu xanh, một sản phẩm chứng khoán xanh khác đã định hình trong năm 2017, sau khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) phối hợp với GIZ và UBCK tiến hành nghiên cứu và triển khai là Chỉ số phát triển bền vững (VNSI). Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên chuyên trách Hội đồng quản trị của HOSE cho biết, VNSI được xây dựng theo chuẩn mực của một chỉ số đầu tư, để làm cơ sở cho triển khai sản phẩm ETF và các sản phẩm khác.

Sắp tới, VNSI sẽ được hoàn thiện theo hướng nâng cao tiêu chí đánh giá về phát triển bền vững để tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Mong muốn của HOSE là sẽ làm việc với các quỹ đầu tư để họ quan tâm sử dụng chỉ số này cho phát triển các sản phẩm đầu tư, mà trước mắt có thể là sản phẩm tương lai trên thị trường chứng khoán phái sinh. Đây sẽ là bước khởi đầu thuận lợi cho phát triển các sản phẩm chứng khoán xanh khác.

Đường còn gập ghềnh

Mặc dù các sản phẩm chứng khoán xanh đã định hình, nhưng việc thúc đẩy thị trường vốn xanh phát triển đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân theo đại diện Bộ Tài chính là đến nay chưa định hình khung pháp lý bài bản, chuyên biệt cho thị trường này, mà đang vận dụng các quy định của pháp lý hiện hành.

Do tính chất còn mới của các sản phẩm chứng khoán xanh, nên mức độ quan tâm của tổ chức phát hành, cũng như công chúng đầu tư, nhất là nhà đầu tư trong nước còn hạn chế. Hạn chế này khiến bên huy động dù rất muốn phát hành chứng khoán xanh, nhưng không dễ triển khai vì gặp khó trong tìm kiếm sức cầu cho sản phẩm này.

Qua thực tiễn phát hành trái phiếu xanh, đại diện cho tiếng nói của tổ chức phát hành, ông Lê Văn Bắc đến từ Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM chia sẻ về những khó khăn mà bên phát hành đang đối mặt. Theo đó, trái phiếu xanh của TP.HCM tuy đã nằm trong danh mục tái cấp vốn, tham gia thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước, nhưng chưa được cơ quan này cho phép sử dùng để tính dự trữ bắt buộc. Hiện chưa có ưu đãi về thuế, phí đối với các hoạt động liên quan đến trái phiếu xanh như phát hành, mua - bán…

Thêm vào đó, hạn mức vay nợ ngân sách do Bộ Tài chính và Quốc hội phê duyệt hàng năm rất hạn hẹp, kể cả các địa phương có kết chuyển ngân sách về trung ương như Hà Nội, TP.HCM (hạn mức vay nợ của TP.HCM tối đa bằng 70% thu ngân sách địa phương hưởng theo phân cấp).

Như vậy, bên cạnh phát hành trái phiếu xanh trong khuôn khổ hạn mức ngân sách được Bộ Tài chính và Quốc hội phê duyệt hàng năm, cần cho phép các địa phương phát hành trái phiếu xanh đảm bảo và trái phiếu xanh dự án, tức là trái phiếu chính quyền địa phương xanh không thuộc hạn mức huy động vốn của tỉnh, thành phố.

Một khó khăn nữa với nhà phát hành, theo đại diện Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM là hiện chưa có hướng dẫn cụ thể chuẩn mực quốc tế về trái phiếu xanh. Bộ Tài chính hướng dẫn vẫn quản lý chung tiền thu được từ trái phiếu xanh, chưa hạch toán, quản lý bằng tài khoản riêng. Bộ Tài chính và UBCK chưa có quy định về “danh mục dự án xanh”.

TP.HCM chưa có quy định ưu tiên cho các danh mục dự án xanh. Thủ tục hành chính, cụ thể là các quy định về trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án hiện nay còn phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và tiến độ thực hiện dự án.

Để khắc phục những vướng mắc trên, qua đó rộng đường cho trái phiếu xanh phát triển, thực tiễn đang đòi hỏi Bộ Tài chính sớm đề xuất phương án sửa đổi và lồng ghép cơ chế, chính sách trái phiếu vào các dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2011 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định 01/2011 về phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, Nghị định 138/2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương để trình Chính phủ xem xét ban hành.

UBCK cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn phát triển thị trường trái phiếu xanh. Ngoài đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến phát hành, giao dịch trái phiếu xanh, Bộ Tài chính cần cho phép một số địa phương lớn phát hành trái phiếu xanh dự án và trái phiếu xanh đảm bảo.

Chờ rộng cửa pháp lý

Các nhà phát hành lẫn thị trường đang trong đợi nhà quản lý sớm có giải pháp tháo gỡ về pháp lý để không chỉ khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện tại, mà còn rộng đường cho hoạt động phát hành, giao dịch chứng khoán xanh.

Liên quan đến định hướng sửa đổi cơ chế nhằm góp phần thúc đẩy thị trường vốn xanh phát triển trong thời gian tới, ông Dương cho biết, trong quá trình sửa đổi 3 văn bản quan trọng là Luật Chứng khoán, Nghị định 01/2011, Nghị định 90/2011, Bộ Tài chính, UBCK đang tính toán bổ sung các quy định nhằm định hình khung pháp lý rõ ràng cho thúc đẩy phát triển thị trường vốn xanh.

Bộ Tài chính còn có ý tưởng xây dựng Nghị định về các chính sách hỗ trợ triển khai phát hành trái phiếu xanh quy định về kiểm soát công bố thông tin, sử dụng vốn, giám sát dự án, qua đó tăng quy mô; đa dạng sản phẩm; chuẩn hóa cơ chế theo dõi, đánh giá, giám sát thị trường; khuyến khích tham gia của các quỹ đầu tư xanh.

Riêng đối với trái phiếu doanh nghiệp xanh, cơ quan quản lý sẽ bổ sung quy định về mục đích phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các dự án/chương trình xanh; hướng dẫn cơ chế báo cáo, công khai thông tin về phát hành, quản lý sử dụng vốn trái phiếu cho các dự án xanh.

Thị trường tài chính 24h: Trở lại ngoạn mục

Đối với trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương, cơ quan quản lý sẽ định hình cơ chế xây dựng bộ tiêu chí về công bố thông tin các dự án xanh, ban hành danh mục dự án xanh ưu tiên sử dụng vốn trái phiếu xanh...

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, cùng với việc đang khẩn trương xem xét xây dựng và ban hành chính sách về phát hành, niêm yết, giao dịch chứng khoán xanh, cơ quan quản lý đang tính toán các cơ chế nhằm khuyến khích trái phiếu xanh phát triển thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, phí cho trái phiếu xanh; tổ chức quảng bá, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp về trái phiếu xanh tham gia thị trường…

Đề cập cụ thể các giải pháp phát triển chứng khoán xanh, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, cơ quan quản lý đang tính toán sửa đổi, bổ sung các khái niệm về đầu tư xanh, chứng khoán xanh; nghiên cứu đưa ra các tiêu chí về chào bán, niêm yết, giám sát cho các sản phẩm được dán mác xanh.

Cùng với đó là hình thành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp chào bán, huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua thị trường vốn cho các doanh nghiệp, dự án và sản phẩm xanh như niêm yết, phát hành cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh, chứng chỉ đầu tư các dự án, chương trình, lĩnh vực xanh… 

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục