Việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang trở thành ưu tiên hàng đầu trên toàn cầu. Thỏa thuận COP21 Paris đạt được vào năm 2015 đã đánh dấu một bước đột phá lớn khi hơn 180 quốc gia, chiếm 88% lượng khí thải toàn cầu, cam kết giữ trái đất nóng lên dưới 2ºC.
Điều này thúc đẩy nhu cầu về tài chính xanh tăng lên và là cơ hội lớn để phát triển thị trường trái phiếu xanh, nguồn lực chính cho đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng xanh. Theo Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Initiative), lượng phát hành trái phiếu xanh trong năm 2016 đã đạt mức cao kỷ lục là 58,7 tỷ USD. Con số này dự báo sẽ tăng lên trong những năm tới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency) ước tính, hàng năm sẽ cần khoảng 1 nghìn tỷ USD để dành cho các dự án phát thải thấp.
Một trong những cách thành công nhất để huy động vốn nhằm giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu là thông qua các thị trường vốn quốc tế. Các chính phủ và các tổ chức tư nhân thường xuyên phát hành chứng khoán nợ dưới dạng trái phiếu để tài trợ cho các dự án của họ, trái phiếu đó được gọi là trái phiếu xanh. Khi các dự án liên quan đến phát triển bền vững hoặc các vấn đề xã hội rộng hơn, chứng khoán nợ đó được gọi là trái phiếu phát triển bền vững.
Trái phiếu xanh là loại công cụ thu nhập cố định thu hút tiền cho các hoạt động có lợi ích, liên quan đến khí hậu hoặc môi trường. Trái phiếu xanh có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, một công cụ đa năng cho tổ chức phát hành và có thể dễ dàng sử dụng cho các nhà đầu tư.
Cùng với xu thế phát triển mới trên thị trường tài chính, Luxembourg là một trong những quốc gia đầu tiên cam kết thực hiện mục tiêu chuyển đổi chính mình và hỗ trợ những quốc gia khác trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế toàn cầu bền vững. Do đó, Luxembourg đã thiết lập một chiến lược tài chính khí hậu để kêu gọi đầu tư công quốc tế và đầu tư từ khu vực tư nhân. Từ năm 2015, Chính phủ Luxembourg và các cơ quan dịch vụ tài chính của Luxembourg đã thiết lập Tổ hành động Tài chính Khí hậu, thực hiện Chiến lược Tài chính Khí hậu toàn diện và tích hợp đầy đủ với mục tiêu kép là: (i) đóng góp một cách có ý nghĩa cho nỗ lực quốc tế chống lại biến đổi khí hậu; (ii) củng cố vai trò của Luxembourg như một trung tâm quốc tế về biến đổi khí hậu.
Trên thị trường tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Luxembourg (LuxSE) đã tham gia tích cực vào sự phát triển của TTCK xanh. Trong năm 2007, LuxSE đã niêm yết trái phiếu xanh đầu tiên của Ngân hàng Đầu tư châu Âu “Climate Awareness Bond”.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển TTCK xanh, năm 2016, LuxSE đã khai trương Sàn giao dịch chứng khoán Luxembourg Xanh (LGX). Đây là Sở giao dịch đầu tiên trên thế giới dành riêng cho chứng khoán xanh và hiện nay đang niêm yết một nửa trái phiếu xanh trên thế giới. Trái phiếu chính phủ xanh đầu tiên trên thế giới do Cộng hòa Ba Lan phát hành trên LGX vào cuối năm 2016.
LGX là nơi niêm yết các sản phẩm của các tổ chức phát hành dành 100% khoản ngân sách cho đầu tư xanh. Nhờ LGX, Sở Giao dịch chứng khoán Luxembourg tạo cho các tổ chức phát hành và nhà đầu tư một môi trường nơi họ có thể cùng nhau thực hiện các mục tiêu xanh, nâng cao nhận thức về các dự án xanh. Các nhà đầu tư quan tâm tới môi trường có thể truy cập vào một danh sách đầy đủ các chứng khoán thực sự xanh.
Với mức độ minh bạch cao, thông qua LGX, các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận với các loại chứng khoán xanh, xã hội và bền vững, có thể truy cập miễn phí và không hạn chế các thông tin liên quan đến chứng khoán bền vững, có thể so sánh giữa các chứng khoán xanh, chứng khoán xã hội và bền vững khi cân nhắc quyết định đầu tư của mình.
Ngày càng nhiều nhà đầu tư tích hợp các nguyên tắc quản trị, môi trường và xã hội (ESG) vào chiến lược đầu tư của họ. Xu hướng phát triển mới này đã dẫn đến sự quan tâm lớn tới việc phát hành trái phiếu xã hội và bền vững. Do đó, ngay sau khi ra mắt, LGX cũng đã triển khai niêm yết trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững (S&S bonds).
LGX hiện nay niêm yết 132 trái phiếu xanh, 13 trái phiếu xã hội và 6 trái phiếu bền vững, trị giá hơn 72 tỷ EUR. Các chứng khoán được niêm yết trên LGX sẽ phải thể hiện được bản chất rõ ràng là "xanh" hoặc tương đương, ví dụ như có liên quan với các vấn đề khí hậu. Tất cả các chứng khoán niêm yết trên LGX đều được công nhận trên toàn cầu 100% là chứng khoán xanh.
Chỉ những tổ chức phát hành tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện nghiêm ngặt mới có thể tham gia LGX. Để gia nhập LGX, tổ chức phát hành sẽ phải đảm bảo chứng khoán của họ là "xanh" và điều đó do một chuyên gia bên thứ ba độc lập đánh giá, xác nhận trước khi được LGX chấp thuận.
Các tổ chức phát hành phải cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ báo cáo của họ, báo cáo về việc sử dụng số tiền thu được, quản lý dòng tiền từ chứng khoán xanh và các tác động dự kiến; tuân thủ các tiêu chuẩn của Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI) và Hiệp hội Thị trường hàng hóa Quốc tế (ICMA), để đảm bảo việc phát hành chất lượng cho nhà đầu tư.
LGX cũng là sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên bắt buộc báo cáo định kỳ sau niêm yết. Cho đến nay, báo cáo sau niêm yết được khuyến khích, không còn là yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức phát hành. Điều này chủ yếu là do báo cáo sau niêm yết do một chuyên gia có trình độ thực hiện và có thể phát sinh thêm chi phí.
Báo cáo sau niêm yết thường bắt đầu 12 tháng sau khi chứng khoán xanh được ban hành và có thể có nhiều hình thức khác nhau như báo cáo sử dụng lợi nhuận hoặc báo cáo kiểm toán, báo cáo phát triển bền vững/báo cáo ESG hay bản tin định kỳ thông báo cho công chúng về phân bổ vốn.
Bằng cách nâng cao yêu cầu đầu vào và yêu cầu báo cáo định kỳ sau niêm yết, LGX đảm bảo các tổ chức phát hành cung cấp cho nhà đầu tư sự minh bạch hoàn toàn về chứng khoán xanh của họ. Điều đó khiến tài chính xanh thực sự có ý nghĩa và tạo ra sự khác biệt thực chất trong nỗ lực giảm phát thải toàn cầu trong những năm tới.