Lao động Việt sẵn sàng khi thị trường lao động ngoài nước mở cửa

0:00 / 0:00
0:00
Sau 2 năm gần như đóng băng, nhiều thị trường tiếp nhận lao động đã bắt đầu mở cửa trở lại. Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trao đổi về thị trường xuất khẩu lao động 2022.
Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thưa Thứ trưởng, Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để đón đầu sự mở cửa của các thị trường lao động?

Đến nay, tỷ lệ tiêm bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 ở Việt Nam và các nước đã tăng mạnh, nên một số nước dần mở cửa trở lại việc tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Cụ thể, thị trường Hàn Quốc mở cửa trở lại từ tháng 5/2021 sau hơn một năm ngừng tiếp nhận lao động theo Chương trình EPS; Đài Loan (Trung Quốc) mở lại từ ngày 15/2/2022; Nhật Bản bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 sau hơn một năm đóng cửa biên giới. Một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp.

Để chuẩn bị cho việc phái cử người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi các nước mở cửa tiếp nhận lao động trở lại, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động để có những chỉ đạo và hướng dẫn phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ đã tích cực làm việc với cơ quan liên quan trong nước, các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuẩn bị nguồn lao động, các thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đáp ứng các điều kiện, quy định tiếp nhận lao động nước ngoài tại các quốc gia/vùng lãnh thổ, như tiêm chủng, hộ chiếu vắc-xin, bảo hiểm sức khỏe…

Hiện nguồn lao động đã đào tạo có sẵn của Việt Nam ra sao, thưa ông?

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, số lao động đã được tuyển và đang chờ xuất cảnh là hơn 80.000 người (trong đó Nhật Bản khoảng 60.000 người, Đài Loan khoảng 13.000 người, Hàn Quốc khoảng 7.000 người và một số thị trường khác).

Để chủ động nguồn lao động, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị dịch vụ việc làm và cơ sở giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động gắn kết giữa doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với trung tâm dịch vụ việc làm và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để tạo nguồn lao động chất lượng đáp ứng được yêu cầu của đối tác nước ngoài…

Năm 2022, đâu là những ngành nghề tiềm năng nhất với người lao động Việt Nam muốn sang nước ngoài làm việc?

Thời gian qua, đại bộ phận lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - chế tạo, nhà máy, công xưởng (chiếm trên 80% số lượng người đi làm việc tại nước ngoài hàng năm). Ngoài ra, chăm sóc sức khoẻ (điều dưỡng, hộ lý làm việc tại bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi), nông nghiệp, xây dựng cũng là những ngành nghề mà các quốc gia/vùng lãnh thổ có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài.

Lao động Việt Nam luôn được người sử dụng lao động và các cơ quan hữu quan tại nước tiếp nhận đánh giá tích cực về sự chăm chỉ, cần cù, nắm bắt nhanh công việc, làm việc có chất lượng và năng suất. Tại một số thị trường như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, lao động Việt Nam luôn được doanh nghiệp, người sử dụng lao động ưu tiên tiếp nhận hơn so với lao động nhiều quốc gia phái cử khác.

Năm 2021, xuất khẩu lao động chỉ đạt 50% kế hoạch đề ra do ảnh hưởng của dịch bệnh. Năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động ra làm việc ở nước ngoài, gấp đôi năm ngoái. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ có kế hoạch gì về việc đàm phán mở rộng thị trường cũng như chuẩn bị lực lượng lao động trong nước?

Năm 2022, Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam và hầu hết các nước đã điều chỉnh chính sách thích ứng với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới. Do đó, nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng và là thời cơ thuận lợi để tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các thị trường này.

Cùng với các thị trường truyền thống, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với CHLB Đức, Australia (Chương trình Visa nông nghiệp), với Israel và một số thị trường châu Âu khác. Với tình hình như trên, kế hoạch 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 có khả năng thực hiện được.

Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến người lao động băn khoăn. Theo ông, cần có giải pháp gì để người lao động yên tâm ra nước ngoài làm việc?

Đối với doanh nghiệp, cần phối hợp chặt chẽ với đối tác và người sử dụng lao động nước ngoài để nắm bắt thông tin các chính sách, quy định về các yêu cầu, điều kiện thủ tục nhập cảnh để hướng dẫn người lao động thực hiện trước khi xuất cảnh và sau khi nhập cảnh.

Đồng thời, theo dõi sát sao tình hình việc làm, điều kiện làm việc, ăn ở và sinh hoạt của người lao động, đặc biệt là việc phối hợp bảo vệ các chế độ, quyền lợi của người lao động, cũng như kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh đối với người lao động.

Đối với người lao động đang làm việc ở nước ngoài, cần tuân thủ chặt chẽ quy định của cơ quan y tế sở tại, nơi làm việc và nơi sinh hoạt về phòng ngừa dịch bệnh.

Đối với lao động đang hoàn thiện thủ tục giấy tờ để đi làm việc ở nước ngoài hoặc đang có dự định đi làm việc ở nước ngoài, cần chủ động tìm hiểu các thông tin cần thiết liên quan đến thị trường, ngành nghề công việc dự kiến sẽ làm việc ở nước ngoài, chủ động nâng cao trình độ về ngoại ngữ và tay nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường tiếp nhận; trực tiếp liên hệ và thực hiện theo hướng dẫn của doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu theo quy định của nước tiếp nhận lao động.

Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, được biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, thưa ông?

Thứ nhất, triển khai thực hiện luật và các văn bản pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hướng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ hai, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước có lao động sang làm việc để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và tổ chức đưa lao động hết hạn hợp đồng về nước theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ ba, mở rộng hợp tác thêm thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam ngoài các thị trường truyền thống, ưu tiên các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có thu nhập cao cho người lao động. Trao đổi, đàm phán, ký kết hiệp định, thoả thuận hợp tác lao động song phương với các nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam để bảo đảm các quyền và lợi ích của người lao động.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo lao động về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật, đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động, tạo vị thế của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục