Thủ tướng Phần Lan khuyến khích lao động Việt Nam sang làm việc

0:00 / 0:00
0:00
Hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Thủ tướng Phần Lan khuyến khích lao động và doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Việt Nam làm việc tại nước này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (Ảnh - Quochoi.vn) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (Ảnh - Quochoi.vn)

Chiều 10/9 theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin.

Thủ tướng Sanna Marin khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Phần Lan trong ASEAN và tại châu Á -Thái Bình Dương, hai nước đã hợp tác thành công về kinh tế, giáo dục, hợp tác phát triển, môi trường…

Tuy nhiên, còn có nhiều lĩnh vực tiềm năng mà Phần Lan mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới và muốn được sự ủng hộ của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác sâu rộng với Phần Lan về các lĩnh vực tiềm năng như xây dựng và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, các mô hình phát triển bền vững và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, viễn thông, năng lượng tái tạo, xử lý nước thải, giao thông vận tải…và các lĩnh vực theo xu hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo...

Theo ông Vương Đình Huệ thì hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác mà sự kiện ký kết hợp đồng mới ngày hôm nay giữa VNPT và Nokia của Phần Lan là minh chứng rõ nét về cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng hợp tác kinh tế giữa hai nước nhất là về đầu tư của Phần Lan còn khiêm tốn, vốn FDI còn hiệu lực mới đạt 23,632 triệu USD, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của cả hai nước. Việt Nam chủ trương đẩy mạnh hợp tác đầu tư nước ngoài, đề nghị Bà Thủ tướng và Chính phủ Phần Lan ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực triển khai; khuyến khích các doanh nghiệp Phần Lan mở rộng đầu tư vào Việt Nam, ủng hộ Quốc hội Phần Lan phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), tạo lòng tin cho doanh nghiệp được an tâm và bảo vệ trong kinh doanh, làm ăn cũng như không để lỡ cơ hội phục hồi trong bối cảnh bình thường mới.

Nhân dịp này Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phần Lan hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung vắc-xin, nhượng lại vắc-xin chưa cần sử dụng, hỗ trợ cung cấp vật tư y tế, giúp Việt Nam ứng phó với tình hình khó khăn do dịch bệnh hiện nay. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính Phủ Phần Lan tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu, bổ sung vào cộng đồng 2.500 sinh viên Việt Nam hiện đang được đào tạo tại Phần Lan.

Đồng tình với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Thủ tướng Phần Lan cho biết, giáo dục tốt là một trong những trụ cột quan trọng, là “chìa khóa” cho những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội và thích ứng với những thách thức mới nổi lên của Phần Lan, khẳng định Phần Lan sẵn sàng hợp tác triển khai các chương trình giáo dục nghề nghiệp, đào tạo giáo viên giữa hai nước.

Song song với đó, Phần Lan cũng đứng trước thách thức già hoá dân số, thiếu lao động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Phần Lan khuyến khích lao động và doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Việt Nam làm việc tại Phần Lan. Về vấn đề này Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và khẳng định Việt Nam có nguồn lực lao động trẻ, năng động và đáp ứng được yêu cầu của Phần Lan.Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về hợp tác trong các cơ chế đa phương, khẳng định hai nước đều tham gia và có vai trò tích cực ở EU và ASEAN, cần tiếp tục duy trì phối hợp và ủng hộ lẫn nhau, tham gia vào nỗ lực chung kết nối ASEAN – EU, góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – EU vừa mới được thiết lập.

Hai bên tái khẳng định nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở các vùng biển và đại dương, duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục