Thách thức kép
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Covid-19 đã khiến 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực trong quý III/2021, trong đó 4,7 triệu người bị mất việc, 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất - kinh doanh, 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng đột biến, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (3,98% quý III/2021).
Mặt khác, lực lượng lao động Việt Nam cũng phải đối mặt với một thách thức nữa ngoài dịch bệnh, đó là quá trình già hóa dân số. Trung bình trong giai đoạn 2009 - 2019, tốc độ tăng dân số cao tuổi lớn gấp 3 lần tổng dân số (4,35% so với 1,14%), điều này kéo theo chỉ số già hóa tăng mạnh (năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999).
Dự báo dân số theo giả định mức sinh trung bình của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ người 65 tuổi trở lên sẽ đạt 14,17% tổng dân số vào năm 2036, tức là chúng ta có khoảng 15 năm nữa để quá độ chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già”.
Trong ngắn hạn, già hóa dân số đồng nghĩa với suy giảm tăng trưởng lực lượng lao động và ảnh hưởng đến cơ cấu lực lượng lao động, kìm hãm tăng năng suất lao động. Trong dài hạn, già hóa dân số tạo ra sức ép đối với thị trường lao động, đòi hỏi phải điều chỉnh thị trường lao động - việc làm, giải quyết mâu thuẫn và xung đột thế hệ trong thời kỳ dân số già.
Nâng cao chất lượng nguồn lao động
PGS. TS. Vũ Hoàng Ngân, Trưởng khoa Khoa Kinh tế và quản lý nguồn nhân lực - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân |
Nhiều quốc gia châu Á đã biết tận dụng triệt để cơ hội “dân số vàng” để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam cất cánh.
Với tổng dân số khoảng 98 triệu người hiện nay, số người trong độ tuổi lao động chiếm 2/3 dân số (trong đó khoảng 50% dưới 34 tuổi) rất thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề nghiệp.
Tuy nhiên, lực lượng này chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, với trên 70% lao động chưa qua đào tạo, đặt ra thách thức không nhỏ về chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”.
Trong bối cảnh đó, việc thu hút lao động nước ngoài trình độ cao đến Việt Nam làm việc được coi là một giải pháp phù hợp để nâng cao trình độ, kỹ năng cho nguồn lao động trong tương lai và phát huy lợi thế dân số vàng ở Việt Nam.
Để làm tốt điều này, Việt Nam cần xây dựng một lộ trình rõ ràng, xây dựng và công bố chính sách tuyển dụng với chế độ đãi ngộ tốt để thu hút nguồn nhân lực nước ngoài mà trong nước khó đào tạo trong từng giai đoạn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với chương trình kinh tế - xã hội của địa phương để xác định nhu cầu về số lượng và chất lượng lao động nước ngoài ở địa phương, nhằm hạn chế việc sử dụng lao động người nước ngoài sai mục đích.
Trong quá trình thực hiện, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra lao động, có thể xem xét nghiên cứu thí điểm mô hình thanh tra phụ trách theo nhóm công việc như vấn đề: di cư, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, chất lượng lao động…, thay vì giám sát tất cả các nội dung trong Bộ luật Lao động như hiện nay.
Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng Luật về người lao động nước ngoài tại Việt Nam, song song tập trung đào tạo nhân lực trong nước, việc thu hút lao động có kỹ năng từ nước ngoài chỉ nên là giải pháp bổ trợ và có chọn lọc.
Đẩy mạnh hợp tác đào tạo lao động bậc cao với các nước phát triển thông qua các chương trình hợp tác xuất khẩu lao động, thực tập sinh trong những ngành nghề thiếu nhân lực tại thị trường Việt Nam.
Làm tốt công tác dự báo cầu lao động định kỳ hàng năm theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề đòi hỏi kỹ năng mới để làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh, giải quyết việc làm cho người động.
Tăng cường gắn kết chặt chẽ ba “nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục - đào tạo đặc biệt giáo dục nghề nghiệp…