Doanh nghiệp muốn có, cơ quan quản lý nói không
Không quá khó hiểu khi các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án PPP là những người đầu tiên mong muốn có được các cơ chế bảo lãnh chính phủ trong các dự án này.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), đơn vị làm chủ đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, một trong những lý do khiến các cuộc đàm phán nhượng quyền thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đều thất bại là do đối tác Mỹ luôn yêu cầu phải có bảo lãnh doanh thu và bảo lãnh ngoại tệ.
“Cần phải có bảo lãnh doanh thu, nhất là với những dự án lớn. Việc này không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn ý nghĩa xã hội, có tác động lan tỏa một vùng. Với các dự án này, có thể bảo lãnh doanh thu tới 80%, nhưng không nhất thiết bảo lãnh trong cả đời dự án, mà chỉ cần 50% thời gian cũng được”, ông Tỉnh nói. Theo ông Tỉnh, Dự thảo Luật PPP đang thiết kế theo hướng bảo lãnh doanh thu 75% là thấp và theo hướng “rất an toàn cho Nhà nước”.
“Phải bảo lãnh cả về tỷ giá và doanh thu như hiện nay thì quá rủi ro cho nhà đầu tư”, ông Tỉnh nhấn mạnh và nhắc lại một thực tế là, nếu không có Ngân hàng Phát triển Việt Nam tham gia, thì không thể có Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện nay. Thậm chí, nếu bây giờ mới làm, chi phí có thể tăng gấp đôi, riêng tiền giải phóng mặt bằng có thể tăng từ 4.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Phan Xuân Dương, Phó giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân khẳng định: “Bảo lãnh chính phủ là rất cần thiết”. Ông Dương cho biết, ở dự án của công ty ông, 5 năm nay không giải quyết được vấn đề chuyển đổi ngoại tệ. Công ty ông nhập khẩu than bằng USD, thu tiền điện bằng VND, song khi cần chuyển đổi ngoại tệ lại gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi cần sự minh bạch, rõ ràng trong cơ chế chuyển đổi ngoại tệ”, ông Dương nói.
Trên thực tế, hiểu các khó khăn của nhà đầu tư trong thực hiện dự án PPP, Ban Soạn thảo Luật PPP cũng đã tính đến phương án xây dựng cơ chế bảo lãnh chính phủ đối với dự án PPP, bao gồm cả bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh ngoại tệ và bảo lãnh vốn vay, song khi đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, lại có khá nhiều quan điểm trái chiều về đề xuất này.
Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, việc áp dụng bảo lãnh ngoại tệ cho các dự án PPP là “không phù hợp”, do chưa phù hợp với quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và do thực tiễn dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Trong khi đó, đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định, không ủng hộ chuyện bảo lãnh chính phủ. Theo vị này, nguyên tắc của các dự án PPP là bình đẳng và thỏa thuận. “Nếu bảo lãnh có nghĩa là Nhà nước phải gánh chịu rủi ro. Đã là bình đẳng, thì khi có rủi ro, nhà đầu tư cũng phải chịu, chứ không thể có chuyện lãi thì nhà đầu tư được hưởng, còn lỗ thì Nhà nước chịu”, vị này nói.
Theo vị đại diện này, nếu cần thiết phải bảo lãnh, thì áp dụng có điều kiện, chỉ những dự án nào thật sự cần khuyến khích đầu tư, “xứng đáng” để Nhà nước chịu rủi ro thì hẵng áp dụng bảo lãnh chính phủ.
Nên hay không nên có bảo lãnh chính phủ?
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Ban Soạn thảo Luật PPP thừa nhận, một trong những lấn bấn lớn nhất hiện nay trong quá trình xây dựng Luật PPP là vấn đề bảo lãnh chính phủ. Nguyên nhân xuất phát từ việc có quá nhiều ý kiến khác nhau trong vấn đề này.
Theo ông Trương, việc thiếu hụt chính sách đối với cơ chế bảo lãnh của Chính phủ trong các dự án PPP là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số dự án giao thông có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài bị trì hoãn.
Liên quan vấn đề trên, ngay cả Bộ Tài chính cũng đã có văn bản báo cáo Chính phủ và khẳng định “tính cần thiết” của cơ chế bảo lãnh, đồng thời kiến nghị luật hóa nội dung này trong Luật PPP. Đó cũng là một trong những lý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian qua đã có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về việc thực hiện cơ chế bảo lãnh theo thứ tự ưu tiên áp dụng, gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh ngoại tệ và bảo lãnh vốn vay.
“Một trong những nội dung được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm là bảo lãnh chính phủ. Bảo lãnh chính phủ đối với các rủi ro, đặc biệt là rủi ro về doanh thu, được xem là nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, nghĩa là nợ chỉ phát sinh khi rủi ro xảy ra”.
- Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Trong đó, về bảo lãnh doanh thu tối thiểu, theo ông Nguyễn Đăng Trương, nhiều nước như Hàn Quốc, Malaysia, Canada… cũng áp dụng trong giai đoạn đầu phát triển thị trường PPP, nhằm gia tăng tính hấp dẫn của dự án với nhà đầu tư. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục lấy ý kiến về việc thực hiện bảo lãnh doanh thu tối thiểu, song có điều kiện rõ ràng. Đó là Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định đối tượng được bảo lãnh, căn cứ vào tính chất và yêu cầu thực hiện dự án.
Nguyên tắc áp dụng đối với phương thức này là trong 5 năm đầu vận hành công trình, Nhà nước bảo lãnh doanh thu tối thiểu, đảm bảo tới 75% doanh thu được dự kiến trong hợp đồng dự án và 65% trong 5 năm kế tiếp.
Trường hợp ngược lại, khoản doanh thu vượt quá 125% trong 5 năm đầu và 135% trong 5 năm kế tiếp sẽ được thanh toán cho phía Nhà nước.
Trong khi đó, với bảo lãnh ngoại tệ, Chính phủ sẽ chi trả 100% hoặc một tỷ lệ nhất định đối với những thiệt hại do tỷ giá thay đổi cho nhà đầu tư và ngược lại, cũng có thể được hưởng một phần lợi ích nếu tỷ giá biến động có lợi.
Còn với bảo lãnh vốn vay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã hỏi ý kiến các bộ, ngành về việc bổ sung đối tượng dự án PPP được cấp bảo lãnh vốn vay, sửa đổi điều kiện được cấp bảo lãnh vốn vay tại Luật Quản lý nợ công để phù hợp với dự án PPP, nhưng hầu hết các bộ, ngành đều chưa có ý kiến về nội dung này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao và Kiểm toán Nhà nước không thống nhất áp dụng loại bảo lãnh này.
Chính vì vậy, riêng về nội dung bảo lãnh chính phủ, Ban Soạn thảo cho biết, sẽ tiếp tục hỏi ý kiến các bộ, ngành, các thành viên và Tổ Biên tập luật để có thêm cơ sở hoàn thiện Dự thảo Luật PPP.