Gỡ vướng cơ chế bảo lãnh tại dự án PPP hạ tầng

Nếu không có cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu và bảo lãnh ngoại tệ, rất khó thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tham gia bỏ vốn vào các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn theo hình thức PPP.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh

Nguy cơ ế dự án

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nhưng đến thời điểm này, rất ít doanh nghiệp, tổ chức tài chính nước ngoài bày tỏ sự quan tâm tới 8 dự án thành phần dự kiến theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

“Chúng tôi đã thử tiếp xúc, chào hàng dự án với một số nhà đầu tư Nhật Bản và châu Âu, nhưng câu trả lời chung là họ chỉ quan tâm nếu chủ đầu tư chấp nhận bảo lãnh doanh thu tối thiểu và bảo lãnh ngoại tệ”, ông Hồ Ngọc Loan, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Thăng Long cho biết.

PMU Thăng Long là đơn vị được Bộ GTVT giao làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền với 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dự kiến đầu tư theo hình thức PPP là Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Quốc lộ 45 - Nghi Sơn. Đơn vị này thậm chí đã rất cẩn thận thuê tư vấn Deloitte để rà soát hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Trên thực tế, nguy cơ “ế” 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam đã được cảnh báo từ trước khi một trong những điều kiện tiên quyết để tạo lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài là các cơ chế bảo lãnh chính phủ chưa được xác lập trong các bộ hồ sơ mời sơ tuyển.

Đây cũng là lý do khiến bảo lãnh Chính phủ là một trong 10 nội dung tại Công văn số 1979/BKHĐT-QLĐT vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi các bộ, ngành để xin ý kiến khi xây dựng dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nội dung này xuất phát từ chính yêu cầu của các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng (đặc biệt là các đối tác quốc tế) trong quá trình triển khai 2 dự án PPP giao thông là cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Tân Vạn - Nhơn Trạch về cơ chế bảo lãnh của Chính phủ đối với một số rủi ro về doanh thu, khả năng chuyển đổi ngoại tệ và thực hiện trách nhiệm của Chính phủ.

Việc chưa có công cụ tài chính (như mô hình Quỹ đầu tư PPP mà các nước áp dụng) và các công cụ bảo lãnh rủi ro cho dự án (bảo lãnh doanh thu, lưu lượng, chuyển đổi ngoại tệ, thay đổi quy hoạch...) dẫn đến việc thực hiện các dự án PPP vẫn bế tắc, nên chưa hấp dẫn khu vực tư nhân.

Để tháo gỡ nút thắt này, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính triển khai nghiên cứu và báo cáo kết quả nghiên cứu thí điểm áp dụng cơ chế bảo lãnh cho các dự án ngành giao thông theo hình thức PPP. Tại Văn bản số 11107/BTC-ĐT ngày 12/9/2018, Bộ Tài chính đã khẳng định việc áp dụng các hình thức bảo lãnh là điều kiện cần để tiếp tục khuyến khích đầu tư tư nhân.

“Trong bối cảnh quy định pháp luật hiện hành, việc thực hiện cơ chế này còn vướng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công. Do đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện nội dung này trong quá trình xây dựng Luật PPP”, Công văn số 1979/BKHĐT-QLĐT do ông Nguyễn Đức Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Điều kiện tiên quyết

Được biết, trong số 3 loại bảo lãnh Chính phủ tại các dự án PPP được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến các bộ, ngành, thì bảo lãnh doanh thu tối thiểu và bảo lãnh ngoại tệ nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.

Theo đó, đối tượng được áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu dự kiến là các dự án do Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Mặc dù vậy, không phải tất cả các dự án này đều được cấp bảo lãnh, mà căn cứ từng dự án, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ trong quá trình quyết định chủ trương đầu tư sẽ xem xét quyết định cấp bảo lãnh doanh thu tối thiểu.

Trong trường hợp được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu, trong vòng 5 năm đầu vận hành công trình, Nhà nước bảo lãnh doanh thu tối thiểu đảm bảo tới 75% doanh thu được dự kiến trong hợp đồng dự án và 65% trong 5 năm kế tiếp. Trường hợp ngược lại, khoản doanh thu vượt quá 125% trong 5 năm kể từ thời điểm bắt đầu hoạt động và 135% trong 5 năm kế tiếp, nhà đầu tư sẽ phải thanh toán cho phía Nhà nước.

Đối với cơ chế bảo lãnh ngoại tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vấn đề này đã được xới đi, xới lại nhiều lần trong quá trình xây dựng Nghị định số 15/2016/NĐ-CP và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP. Trong quá trình trao đổi, phía Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần bày tỏ quan điểm rất khó để bảo đảm ngoại tệ cho các nhà đầu tư PPP do nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam chưa thực sự vững chắc, nên việc cam kết bảo đảm ngoại tệ với quy mô lớn sẽ gây áp lực lớn đến an ninh tiền tệ.

Tuy nhiên, do đây là vướng mắc được nhiều nhà đầu tư và tổ chức tín dụng nước ngoài kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến về phương án cung cấp bảo lãnh đảm bảo về tỷ giá và lượng ngoại tệ có thể chuyển đổi. Cụ thể, đối với tỷ giá sẽ quy định một mức biên độ biến động tỷ giá trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ 5 năm), trường hợp tỷ giá thực tế vượt quá mức này, Chính phủ cam kết chia sẻ một tỷ lệ phù hợp giá trị chênh lệch do biến động tỷ giá. Đối với lượng ngoại tệ có thể chuyển đổi, dự thảo đề xuất Chính phủ bảo đảm tối đa 30 - 50% nhu cầu ngoại tệ của nhà đầu tư.

Đối tác nước ngoài luôn yêu cầu phải có bảo lãnh doanh thu và bảo lãnh ngoại tệ

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, trong quá trình thương thảo nhượng quyền thu phí tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho một doanh nghiệp Hoa Kỳ, đối tác luôn yêu cầu phải có bảo lãnh doanh thu và bảo lãnh ngoại tệ.

“Việc thiếu 2 công cụ trên là một trong những lý do khiến các cuộc đàm phán nhượng quyền thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng liên tục thất bại, dù nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư”, ông Tỉnh cho biết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục