Mời gọi đầu tư
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nhận xét, trong số các dự án PPP đã triển khai tại TP.HCM thời gian qua, điểm nhấn là các dự án hạ tầng như cầu Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, hay tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài… Đây là các công trình được thi công nhanh, chất lượng đảm bảo và góp phần giải quyết vấn nạn kẹt xe.
Theo bà Mai, cũng như cả nước, đầu tư công ở TP.HCM có vai trò quan trọng trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo động lực thúc đẩy phát triển của Thành phố. Tuy nhiên, trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Thành phố chỉ chiếm khoảng 8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chỉ đóng vai trò là vốn mồi. Chính vậy, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là một yêu cầu tất yếu.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong thời gian vừa qua, số lượng dự án PPP chỉ chiếm 5% tổng số dự án đầu tư công của Thành phố, nhưng nguồn lực xã hội đã huy động gấp 3 lần tổng nguồn lực đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Do đó, người đứng đầu chính quyền TP.HCM mong muốn các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư trao đổi, chia sẻ về các giải pháp sử dụng hiệu quả vốn ngân sách nhà nước, đồng thời kêu gọi đầu tư, thực hiện các dự án PPP trong các lĩnh vực hạ tầng, giao thông, môi trường…
“Thành phố dự kiến tổ chức hội nghị về đầu tư trong tháng tới và sẽ đưa ra danh mục 245 dự án cần mời gọi đầu tư, trong đó có nhiều dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP”, ông Phong nói.
Tìm giải pháp đột phá
Trao đổi tại Hội thảo quốc tế về đối tác công - tư trong một số lĩnh vực ở TP.HCM vừa được tổ chức, ông Ousmare Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để duy trì lợi thế cạnh tranh cũng như giải quyết các thách thức từ tốc độ đô thị hóa nhanh, cần đầu tư hạ tầng nhiều hơn, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục và môi trường. Nhưng nếu chỉ dự vào đầu tư công thì không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn về hạ tầng và dịch vụ.
“Cần cải thiện hiệu quả đầu tư công và hướng đến việc phát huy tốt hơn nguồn lực từ khu vực tư nhân. PPP sẽ là một giải pháp cho vấn đề trên, giải quyết được nhu cầu hạ tầng và gia tăng phúc lợi xã hội cho Thành phố”, ông Ousmare Dione nói.
Để các dự án PPP thành công, theo vị này, cần phải nhìn nhận đây là mô hình hợp tác dài hạn, cùng chia sẻ cả lợi ích lẫn rủi ro. Bên cạnh đó, các khung pháp lý, quy định và thể chế cũng phải rõ ràng, chặt chẽ để nhà đầu tư yên tâm rót vốn.
Theo bà Mai, thời gian tới, TP.HCM sẽ có nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, nhất là các dự án PPP.
Đó là việc miễn tiền sử dụng đất đối với các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, môi trường; ban hành lộ trình tăng phí xử lý nước thải (hiện chỉ thu bằng 10% giá nước sạch), phí sử dụng dịch vụ y tế cũng như mức học phí cho các trường đầu tư theo hình thức PPP theo nguyên tắc thị trường...
Cùng với đó, Thành phố có kế hoạch triển khai một số dự án PPP tiên phong, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ ODA kết hợp PPP… để khuyến khích và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
“Thành phố sẽ tập trung hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với một dự án thuộc lĩnh vực xử lý nước thải, một dự án thuộc lĩnh vực y tế thông qua việc thu phí, hoàn trả chi phí đầu tư dự án từ nguồn thu dịch vụ công. Qua đó, nhân rộng mô hình, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án trong lĩnh vực tương tự”, bà Mai cho biết.
Đối với một số dự án PPP quy mô đầu tư lớn, có tính lan tỏa, Thành phố đề xuất cơ chế kết hợp, ưu tiên bố trí từ vốn đầu tư công; bao gồm bố trí vốn từ nguồn ngân sách và huy động nguồn vốn với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức quốc tế. Phần hỗ trợ của Nhà nước như là phần vốn mồi, thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước khi đồng hành cùng nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư…