Làm IR một cách chủ động và hiện đại

(ĐTCK) TTCK Việt Nam trở nên sôi động và thu hút chú ý kể từ những năm 2005-2006, với sự gia nhập của nhiều doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế. Ai cũng biết thông tin đóng vai trò cốt yếu trong đầu tư chứng khoán, nhưng tại thời điểm này, nhà đầu tư và giới phân tích phần lớn đều ở trong tình trạng “đói” thông tin trầm trọng.
Hình ảnh và nội dung minh họa được chọn từ Báo cáo thường niên BVSC, doanh nghiệp có chất lượng báo cáo thường niên trong TOP 10 liên tục từ 2014-2016 Hình ảnh và nội dung minh họa được chọn từ Báo cáo thường niên BVSC, doanh nghiệp có chất lượng báo cáo thường niên trong TOP 10 liên tục từ 2014-2016

Công bố thông tin là hoạt động cốt lõi của nghiệp vụ quan hệ nhà đầu tư (IR), nhưng có thể nhận thấy hầu hết doanh nghiệp đều khởi đầu với mức độ sẵn sàng và chủ động khá thấp.

Thông tin tài chính chỉ được công bố định kỳ hàng quý/hàng năm vừa đủ theo quy định của pháp luật; và đáng lưu ý, rất khó để có thể tìm thấy thông tin tài chính quá khứ 3-5 năm trước, cũng như một vài phác họa về triển vọng tài chính tương lai (guidance).

Chúng ta cũng ít thấy doanh nghiệp chủ động tổ chức các buổi gặp gỡ nhà đầu tư/chuyên viên phân tích hay các roadshow, hội nghị đầu tư, mà chỉ có những roadshow niêm yết mang tính bắt buộc.

Cửa của doanh nghiệp cũng ít khi mở ra với các nhóm nhà đầu tư cá nhân và chỉ số ít nhà đầu tư tổ chức mới có “đặc quyền” viếng thăm doanh nghiệp (company visit) với cơ hội phân tích sâu các thông tin tài chính cũng như phi tài chính (thông tin tiến độ dự án, hợp đồng tiềm năng…).

Hoạt động IR trên thị trường gần như chỉ có vậy và bối cảnh sơ khai này hoàn toàn có thể khiến nhiều người nghi ngại về sự minh bạch và bình đẳng trong tiếp cận thông tin – yếu tố quyết định lợi nhuận trên TTCK. Đó là chưa kể quyền lợi của “khách hàng” - những nhà đầu tư bỏ vốn vào doanh nghiệp - đã không được quan tâm đúng mực.

10 năm và những bước tiến trong nhận thức, hành động

Nhìn lại hoạt động IR chập chững 10 năm trước để thấy và ghi nhận những bước tiến to lớn ở mọi khía cạnh của nghiệp vụ IR và ở mọi chủ thể tham gia TTCK.

Về phía doanh nghiệp, ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp mà chúng tôi có cơ hội tiếp xúc đều đã nhận thấy giá trị mà hoạt động IR mang lại. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển từ thế bị động và tuân thủ sang hoạt động IR chủ động và sáng tạo để tối đa hóa hiệu quả. IR giờ đây không còn là chi phí khó chịu mà đã trở thành một khoản đầu tư và do đó, nhiều nguồn lực được tập trung để không ngừng cải thiện chất lượng.

Chính nhờ sự chuyển biến trong nhận thức này mà chúng ta đã thấy hàng loạt hoạt động IR mới được doanh nghiệp triển khai trong những năm gần đây, chẳng hạn ngày hội chuyên viên phân tích, viếng thăm doanh nghiệp cho nhóm nhà đầu tư/chuyên viên phân tích, báo cáo phân tích doanh nghiệp chất lượng cao, hội nghị nhà đầu tư, roadshow chào bán cổ phần của cổ đông hiện hữu…, bên cạnh các hoạt động truyền thống khác.

Đáng chú ý, trong các hoạt động IR này, chất lượng thông tin mà doanh nghiệp cung cấp ngày càng có chất lượng, với hàm lượng phân tích và đánh giá xu hướng chuyên sâu, giúp giới đầu tư có thể ra quyết định kịp thời.

Thông tin không dừng lại với một vài con số doanh thu, lợi nhuận đột biến (như nhà đầu tư cá nhân ưa thích), mà còn những phân tích xu hướng và so sánh với quá khứ, với doanh nghiệp cùng ngành, triển vọng kinh doanh, tiến độ sản phẩm/dự án trong ngắn và dài hạn, định hướng kinh doanh chiến lược, cách vượt qua các thách thức của thị trường…

Các cơ quan điều hành thị trường cũng cho thấy cách tiếp cận hiện đại trong công tác IR. Bên cạnh việc hoàn thiện các quy phạm pháp luật để đảm bảo hoạt động của TTCK, chúng ta đã thấy những nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở GDCK trong việc quảng bá, hợp tác tại thị trường nước ngoài, công tác chuẩn bị và vận động để nâng hạng thị trường Việt Nam, trong đó, HOSE tiên phong phối hợp với Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức Giải thưởng Báo cáo thường niên liên tục trong 10 năm qua, góp phần nâng cao nhận thức của thị trường đối với hoạt động IR…

Một cấu phần quan trọng của TTCK là nhà môi giới Bên bán, điển hình là các công ty chứng khoán, công ty tư vấn đầu tư. Là cầu nối không thể thiếu giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp (Bên bán), những nhà môi giới đã có một thập kỷ rất sáng tạo trong hoạt động IR để nhằm thúc đẩy giao dịch thành công và tối đa hóa giá trị cho khách hàng.

Bên cạnh các báo cáo phân tích chất lượng cao, nhà môi giới trong nước đã tổ chức thành công hàng loạt hội nghị đầu tư với sự tham gia của nhà đầu tư toàn cầu, roadshow ở nước ngoài cho doanh nghiệp… Cách đây 10 năm, đây là những công việc “độc quyền” của các nhà môi giới và tư vấn danh tiếng nước ngoài.

Đối với Bên mua là nhà đầu tư cá nhân (mà chúng ta vẫn quen gọi là nhà đầu tư nhỏ lẻ), cùng với sự phát triển về quy mô và chất lượng của thị trường, ý thức của họ về quyền lợi của “bên góp vốn” cũng ngày càng tăng lên. Điều này ban đầu giúp doanh nghiệp ý thức được tầm quan trọng của IR và sau đó sẽ liên tục cải thiện nghiệp vụ IR dựa trên các phản hồi từ cộng đồng đầu tư.  

Giúp doanh nghiệp làm IR tốt hơn

Nhà đầu tư và cổ đông là “khách hàng”: Doanh nghiệp cần nhận thức một cách đúng đắn rằng, cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng là “khách hàng” của mình và như vậy, cần đặt nhà đầu tư và cổ đông ở trọng tâm của mọi hoạt động IR và truyền thông tài chính. Cần lưu ý, đây là dạng khách hàng có thể trả lại “sản phẩm” (bán cổ phiếu) bất cứ khi nào không hài lòng với bất cứ vấn đề gì của doanh nghiệp và có thể làm sụt giảm giá trị doanh nghiệp ngay tức thì.

Vượt ra ngoài yêu cầu tuân thủ (compliance): Theo định nghĩa của Hiệp hội Quan hệ nhà đầu tư Hoa Kỳ (NIRI), IR là hoạt động quản trị chiến lược, có khả năng tích hợp nghiệp vụ tài chính, truyền thông, marketing và yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác truyền thông hai chiều giữa doanh nghiệp và cộng đồng tài chính và các thành phần thị trường khác, với mục tiêu cuối cùng là giúp doanh nghiệp đạt được mức định giá phù hợp.

(Investor relations (IR) is a strategic management responsibility that is capable of integrating finance, communication, marketing and securities law compliance to enable the most effective two-way communication between a company, the financial community, and other constituencies, which ultimately contributes to a company's securities achieving fair valuation.)

Như vậy, IR không chỉ là công bố thông tin theo đúng yêu cầu của cơ quan quản lý, mà cần phải huy động các nguồn lực của nghiệp vụ tài chính, truyền thông, marketing để không ngừng cải thiện giá trị của doanh nghiệp.

Chuẩn bị nhân sự phù hợp: Trên cơ sở nhận thức được tầm quan trọng, chức năng và nhiệm vụ của IR hiện đại, doanh nghiệp cần có bước chuẩn bị và đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu trong một thị trường vốn ngày càng cạnh tranh cao

. Như đề cập ở trên, cổ đông và nhà đầu tư cần được đặt vào vị trí “khách hàng” và một đội ngũ không nắm rõ cách thức vận hành thị trường vốn thì rất khó để cải thiện hiệu quả của hoạt động IR. Ngoài ra, kết hợp với nhân sự có nền tảng kinh nghiệm marketing, kỹ năng lắng nghe phản hồi…, cũng là một lợi thế không nhỏ.

Tiếp cận công cụ IR một cách sáng tạo: Để không ngừng cải thiện hiệu quả, doanh nghiệp cần mạnh dạn đổi mới phương thức tiếp cận đối với các công cụ IR. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể tận dụng các nền tảng công nghệ hiện đại hay mạng xã hội, để tiếp cận nhà đầu tư với chi phí rất thấp. Hiện một số doanh nghiệp niêm yết đã truyền hình trực tiếp roadshow thông qua webcast, Facebook, Youtube, thực hiện Báo cáo thường niên online…, đã tạo dấu ấn mạnh trên thị trường về công tác IR.

IR cả trong thời điểm bi quan: Hoạt động IR cần phải được chú trọng và thực hiện một cách liên tục, nhất quán cả trong giai đoạn lạc quan lẫn giai đoạn bi quan. Đặc biệt, chính trong những thời điểm bi quan lại là lúc nhà đầu tư cần thông tin hơn bao giờ hết, vì họ lo lắng cho túi tiền của mình.

Đa số doanh nghiệp Việt Nam hầu như im ắng trong những lúc hoạt động kinh doanh khó khăn, nhưng lại tỏ ra rất tích cực khi triển vọng trở nên khả quan hơn. Điều này dễ gây ấn tượng tiêu cực, không tạo được niềm tin trong giới đầu tư, vì họ có cảm nghĩ rằng, doanh nghiệp dường như đang PR thái quá.  

Chủ động ứng phó với khủng hoảng truyền thông: Khi mà nhu cầu của “khách hàng” ngày càng cao, hoạt động kinh doanh ngày càng mở rộng, thị trường phát triển, công nghệ thay đổi không ngừng thì cũng đồng nghĩa với xác suất xảy ra khủng hoảng truyền thông rất lớn. Một kế hoạch để chủ động ứng phó và xử lý khủng hoảng truyền thông là luôn cần thiết, vì nếu khủng hoảng lan rộng, hàng tỷ đồng vốn hóa của doanh nghiệp có thể bốc hơi chỉ trong một thời gian ngắn. 

Đinh Như Đức Thiện, Giám đốc Investar Research & Advisory (www.investar.vn)
Đặc san Báo cáo thường niên 2017

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục