Ðừng để cổ phiếu... sống chết mặc bay

(ĐTCK) Mùa công bố kết quả kinh doanh bán niên là thời điểm quan trọng, bởi vậy không ít doanh nghiệp khá chú trọng công tác quan hệ cổ đông (IR). 
Ðừng để cổ phiếu... sống chết mặc bay

Bên cạnh công bố sớm, đầy đủ thông tin, báo cáo tài chính theo quy định, doanh nghiệp còn tổ chức các buổi gặp gỡ giới phân tích, cơ quan truyền thông, cổ đông, nhà đầu tư để giải đáp mọi vấn đề thị trường quan tâm. Nhiều thông tin hữu ích với giới đầu tư đã được cung cấp, trao đổi tại cuộc gặp của Coteccons, Hòa Phát, FPT, Vĩnh Hoàn…

Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp ngại làm IR, dù không muốn giá cổ phiếu cứ lẹt đẹt. Doanh nghiệp nọ vốn là công ty tư nhân, sau một hồi phát triển, niêm yết trên thị trường chứng khoán, gặp thời đã gia tăng quy mô đáng kể.

Tuy nhiên, cổ đông của Công ty cứ ấm ức vì giá cổ phiếu ngoài mấy phiên chào sàn lên đến được đầu hai cứ lộn ngược xuống gần mệnh giá, loanh quanh mức đó cả năm trời, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành dù kinh doanh không nổi trội hơn, giá cổ phiếu cứ tăng vù vù.

Có nhiều lý do, nhưng thông tin về doanh nghiệp thì rất cắc – bụp.  Bộ phận truyền thông nhận được câu hỏi về hoạt động và tình hình tài chính doanh nghiệp, chuyển kế toán cả tuần vẫn chưa có câu trả lời.

Năm lần bảy lượt lên kế hoạch tổ chức gặp gỡ giới phân tích vẫn chưa thực hiện được lần nào. Lãnh đạo Công ty cũng muốn chia sẻ, nhưng lại sợ nói hớ, truyền thông vin vào đó “bới bèo ra bọ” lại ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh.

Chủ tịch doanh nghiệp khác lại có quan điểm  chỉ truyền thông để bán sản phẩm còn giá cổ phiếu lên hay xuống là do thị trường, họ chẳng bán cũng chẳng mua thì quan tâm làm gì cho mệt.

Mới đây thôi, khi gặp lại, hỏi thăm hoạt động doanh nghiệp dạo này ổn không, đợt phát hành trái phiếu vừa qua hoàn tất hay chưa, ông mệt mỏi cho biết, ngân hàng chào lãi suất cao quá, không dám đi vay bằng trái phiếu, muốn tăng vốn bằng cách chào bán cổ phiếu ra công chúng thì giá cổ phiếu chưa "leo lên mặt đất", hỏi phát hành thêm làm sao. Cực chẳng đã, doanh nghiệp đành bán tài sản để có tiền đầu tư mới. 

Tiếc cho một doanh nghiệp, tiếc cho một mã chứng khoán đã có thời giành được cảm tình rất tốt của nhiều nhà đầu tư, giá cổ phiếu cũng từng thuộc nhóm "hoa hậu trên sàn".

Giá như lãnh đạo công ty không thờ ơ với thị trường và có giải pháp tận dụng tốt những cơ hội thị trường chứng khoán mang lại, doanh nghiệp đã đỡ vất vả như bây giờ.

Giới chuyên gia trên thị trường nói rằng, doanh nghiệp có thể kinh doanh, đầu tư giỏi, nhưng chưa chắc chứng khoán hóa tài sản doanh nghiệp đã giỏi.

Doanh nghiệp nào có quy mô cổ đông càng rộng, luôn luôn có sự mới mẻ về cổ đông, cổ phiếu được quan tâm, ở góc độ nào đó mới có thể coi là thành công khi đưa cổ phiếu lên sàn. Những doanh nghiệp như vậy khi cần huy động vốn, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền ra mua cổ phần. 

"Sân chơi" chứng khoán giờ đã khác trước rất nhiều, trên toàn thị trường có hàng nghìn mã cổ phiếu (tính trên cả hai sàn niêm yết chính thức và sàn UPCoM), vì vậy, không phải mã chứng khoán nào cũng được giới đầu tư săn đón, quan tâm. Tình trạng chìm nghỉm và thua thiệt dễ đến với những cổ phiếu mà lãnh đạo doanh nghiệp không có tư duy thay đổi và thích ứng. 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục