
Sau phiên giao dịch sáng rung lắc và tăng điểm nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn trạng thái này. Dù vậy, điểm tích cực là sắc xanh vẫn chiếm ưu thế lớn trên bảng điện tử, trong khi lực cung được tiết giảm. Cùng với đó, nhóm bluechip giao dịch vững chắc dù không quá ấn tượng, nhưng cũng đủ giúp VN-Index kết phiên tăng điểm nhẹ.
Thanh khoản trở lại mức trung bình sau phiên bùng nổ hôm qua. Phản ánh phần nào tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, trong bối cảnh thông tin hỗ trợ thiếu vắng, hoặc nếu có cũng không đủ mạnh tác động đến xu hướng thị trường.
Mặt khác, việc VN-Index đang ở quanh mức đỉnh trong hơn 3 năm qua, trong khi động lượng ngắn hạn hạ nhiệt trong vùng quá mua có thể khiến thị trường chững lại và cần phải tiếp tục tích lũy để ổn định nền giá, do đó, trạng thái rung lắc, tích lũy sẽ còn tiếp diễn, thậm chí có thể điều chỉnh ngắn hạn.
Mặc dù vậy, theo phân tích của nhiều công ty chứng khoán cho rằng nhịp điều chỉnh nếu có sẽ có tính chất lành mạnh và biên độ giảm điểm không quá lớn nhờ vào bức tranh vĩ mô Việt Nam đang có nhiều điểm sáng.
Đóng cửa phiên ngày 4/7, sàn HOSE có 204 mã tăng và 101 mã giảm, VN-Index tăng 5,01 điểm (+0,36%), lên 1.386,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 861,8 triệu đơn vị, giá trị 20.478,2 tỷ đồng, giảm gần 39% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 77,5 triệu đơn vị, giá trị 2.195,7 tỷ đồng.
Như đã đề cập, nhóm bluechip là động lực chính trong phiên này với sắc xanh lan tỏa. Trong đó, ba cổ phiếu nổi bật là ACB +2,1% lên 21.850 đồng, BVH +3,6% lên 54.900 đồng và FPT +3,8% lên 122.500 đồng.
Các mã khác dù không tăng mạnh, nhưng góp thêm sức phần lớn là ngành ngân hàng, với TCB, CTG, VPB, BID LPB, VCB, STB, SSB, cùng HPG, SSI, PLX, VNM...cũng kết phiên trong sắc xanh.
Ở chiều ngược lại, chỉ số ít giảm nhưng biên độ không đáng kể, trong đó, VIC dẫn đầu cũng chỉ mất hơn 2,7% xuống 91.900 đồng.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là những cái tên liên quan đến bất động sản, xây dựng duy trì được mức tăng tốt như LDG, DLG, PTL khi tăng kịch trần, những cổ phiếu CRE, HPX, CTI, DIG, HHS, KHG, TCH tăng từ gần 3% đến hơn 5,5%.
Đáng chú ý khác là cổ phiếu VIX khi tiếp tục là cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn và bỏ xa phần còn lại với hơn 74,3 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu nhích gần 3% lên 14.550 đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index dần nhích lên các ngưỡng cao hơn và kết phiên không xa mức cao nhất ngày đạt được.
Đóng cửa, sàn HNX có 100 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index tăng 1,58 điểm (+0,68%), lên 232,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 90,2 triệu đơn vị, giá trị 1.518 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,66 triệu đơn vị, giá trị 38,3 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu nhỏ với SVN, DST, FID tăng kịch trần, và tương tự là NVB khi cũng chạm sắc tím +9,4% lên 14.000 đồng, khớp 1,76 triệu đơn vị.
Bốn cổ phiếu lớn PVS, MBS, SHS và CEO cũng đồng loạt tăng và khớp lệnh cao nhất sàn, với CEO khớp 20,5 triệu đơn vị, tăng gần 3% lên 18.000 đồng, còn lại nhích nhẹ.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau khi bò ngang quanh tham chiếu đã bất ngờ có nhịp tăng nhanh vào cuối phiên khi dòng tiền chảy mạnh ở các mã nhỏ.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,31%), lên 101,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,1 triệu đơn vị, giá trị 506,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,62 triệu đơn vị, giá trị 148 tỷ đồng.
Loạt cổ phiếu nhỏ, thị giá thấp như DIC, LMH, QBS, PVX đồng loạt tăng kịch trần. Trong đó, PVX khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 6 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai 41IF7000 tăng nhẹ 1,2 điểm, tương đương 0,08% lên 1.472,2 điểm, khớp lệnh hơn 122.700 đơn vị, khối lượng mở hơn 58.000 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mức độ phân hóa tương đối cao, nhưng những mã khớp lệnh cao nhất đa số tăng. Trong đó, CFPT2513 khớp lệnh tốt nhất với hơn 6,28 triệu đơn vị và tăng 4,8% lên 650 đồng/cq. Theo sau là CACB2404 với 4,78 triệu đơn vị và tăng 26% lên 340 đồng/cq.