
Hai kịch bản cho VN-Index
Thị trường chứng khoán quý II khép lại với đủ cung bậc cảm xúc khi chỉ trong ba phiên đầu tháng 4, VN-Index “bốc hơi” gần 200 điểm sau khi Mỹ công bố sẽ áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam ở mức cao so với nhiều nước khác, nhưng ngay sau đó lại có phiên tăng điểm mạnh nhất lịch sử (ngày 10/4) khi thuế quan được tạm hoãn 90 ngày.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, yếu tố đầu tiên sẽ tiếp tục chi phối thị trường trong quý III vẫn là câu chuyện thuế quan.
Yếu tố thứ hai được ông Minh đề cập là chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất từ tháng 9, tuy nhiên khả năng này vẫn còn bỏ ngỏ.
“Nếu câu chuyện thuế quan khiến lạm phát tăng trở lại, Fed có thể sẽ chưa giảm lãi suất như kỳ vọng. Đặc biệt, trong bối cảnh các biện pháp thuế của Mỹ không mang tính đánh đồng toàn diện mà chỉ tập trung vào từng nhóm ngành, rủi ro lạm phát đã bắt đầu gia tăng. Do đó, khả năng Fed không giảm lãi suất trong năm nay là khá cao”, ông Minh nhận định.
Yếu tố thứ ba là kỳ vọng nâng hạng thị trường. Xét về tiêu chí, Việt Nam đã tiệm cận đủ điều kiện nâng hạng. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng phụ thuộc vào yếu tố định tính, chẳng hạn FTSE Russell có thể khảo sát các quỹ đầu tư lớn - là những khách hàng của họ - để đánh giá về thị trường Việt Nam. Mặt khác, nâng hạng chỉ có tác động tích cực về mặt tâm lý, tạo động lực cho thị trường, chứ không thể kỳ vọng sẽ mang lại dòng vốn hàng chục tỷ USD trong thời gian ngắn.
Chuyên gia Yuanta cho rằng, động lực hỗ trợ thị trường trong quý III sẽ đến nhiều hơn từ yếu tố trong nước. Việc Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP 2025 ở mức 8% bất chấp những khó khăn vĩ mô và địa chính trị cho thấy kỳ vọng lớn vào nội lực của nền kinh tế.
Thứ nhất, nếu việc trì hoãn thuế tiếp tục được duy trì, xuất khẩu sẽ còn tiếp tục tăng nhờ tâm lý phòng ngừa rủi ro từ các doanh nghiệp.
Thứ hai, tiêu dùng trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi nhờ chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ, như việc kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, duy trì lãi suất ở mức thấp, đặc biệt là lãi suất mua nhà cho người trẻ khoảng 5 - 5,5%.
Thứ ba, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh khi Chính phủ đã phát hành thêm trái phiếu và dòng tín dụng ngân hàng đang dần hướng vào các dự án công, là động lực rõ ràng để thúc đẩy kinh tế trong nước.
Về dài hạn, ông Minh đánh giá cao các động thái hỗ trợ kinh tế tư nhân thông qua Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Do đó, thị trường chứng khoán quý III dự kiến sẽ vận động theo hai kịch bản, tùy thuộc vào tiến trình đàm phán thuế quan.
Kịch bản 1, đàm phán thuế quan có thông tin khả quan, thị trường có nhiều khả năng duy trì đà tăng trong quý III và có thể hướng lên vùng 1.400 điểm. Việc chưa có kết quả cụ thể sẽ giúp duy trì trạng thái kỳ vọng, tạo dư địa tích cực cho dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư.
Kịch bản 2, đàm phán thuế quan có kết quả cụ thể, nhưng diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc vào mức thuế quan được áp dụng. Nếu Việt Nam đạt được mức thuế “cào bằng” với các quốc gia trong khu vực, thị trường vẫn có thể duy trì xu hướng tăng, dao động trong vùng 1.300 - 1.400 điểm. Ngược lại, nếu mức thuế sau đàm phán cao hơn mặt bằng chung, tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam sẽ giảm sút so với các đối thủ trong khu vực. Khi đó, thị trường có thể phản ứng tiêu cực và giảm dưới ngưỡng 1.300 điểm.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận xét, dù nền tảng nội tại vững chắc, kết quả đàm phán thương mại với Mỹ vẫn là một ẩn số lớn, bởi việc đạt được các thỏa thuận thuế quan thuận lợi là yếu tố quan trọng để duy trì dòng vốn FDI trong dài hạn. Trong kịch bản kém tích cực, những áp lực từ bên ngoài có thể kích hoạt các nhịp điều chỉnh trên thị trường, không loại trừ khả năng VN-Index sẽ lùi về kiểm định các vùng hỗ trợ thấp hơn quanh 1.240 điểm trong quý III.
Một số nhóm ngành đáng quan tâm
Một số nhóm ngành được kỳ vọng bao gồm tài chính (ngân hàng, chứng khoán), bất động sản, đầu tư công và nhóm không bị ảnh hưởng thuế quan (công nghệ, bán lẻ)
Từ những phân tích của mình, ông Thế Minh cho rằng, 4 nhóm chính có cơ hội đầu tư rõ ràng trong quý III bao gồm tài chính (ngân hàng, chứng khoán), bất động sản, đầu tư công và nhóm không bị ảnh hưởng thuế quan (công nghệ, bán lẻ).
Nhóm ngân hàng được đánh giá sẽ có động lực tăng trưởng trở lại nhờ biên lãi ròng được cải thiện. Định giá hiện tại vẫn khá hấp dẫn với P/B dưới 1,5. Tuy nhiên, đà tăng của nhóm ngân hàng từ đầu năm khá phân hóa, chỉ một số mã như TCB, CTG hay MBB là tăng đáng kể, còn phần lớn các mã khác vẫn chưa tăng mạnh, cho thấy cơ hội chọn lọc vẫn hiện hữu.
Tương tự, ở nhóm chứng khoán, phần lớn cổ phiếu vẫn duy trì ở mức P/B khoảng 1 - 1,2 và giá đi ngang hoặc giảm trong thời gian qua, mở ra dư địa tăng. Câu chuyện nâng hạng thị trường được xem là yếu tố hỗ trợ tâm lý quan trọng. Ngoài ra, hoạt động của các công ty chứng khoán có thể được thúc đẩy bởi triển vọng phục hồi mảng môi giới, giao dịch tự doanh và gia tăng các thương vụ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng.
Đối với bất động sản, ông Minh cho rằng, 2025 là năm bản lề của ngành khi nguồn cung đã được tháo gỡ, các doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn hơn. Dù vậy, từ đầu năm đến nay, đà tăng chủ yếu đến từ một số cổ phiếu lớn như VIC, VHM, VRE, còn nhiều mã khác vẫn chưa tăng đáng kể.
Còn về triển vọng trong trung và dài hạn, ông Minh lưu ý, giai đoạn tới thị trường sẽ cần giải quyết bài toán sức cầu. Việc giá bán có thể hạ nhiệt hay không sẽ tác động đến việc người mua có sẵn sàng quay lại thị trường hay không, từ đó quyết định khả năng phục hồi thực sự của toàn thị trường trong năm 2026.
Ông Minh cũng đánh giá cao một số nhóm ngành có khả năng tránh được rủi ro từ các chính sách thuế quan như công nghệ, bán lẻ. Riêng với công nghệ, dù nhiều nhà đầu tư vẫn dè chừng sau đợt tăng nóng năm ngoái và lo ngại bong bóng, nhưng xu hướng dài hạn của ngành vẫn còn nguyên.
“Xu hướng công nghệ không thể dừng lại, chỉ là sau một năm tăng mạnh, thị trường cần thời gian điều chỉnh và đi lên từ từ”, ông nói và dự báo, khi cổ phiếu công nghệ Mỹ phục hồi, nhóm công nghệ Việt Nam nhiều khả năng cũng sẽ khởi sắc. Định giá của nhóm công nghệ hiện tại cũng đang ở mức hợp lý.
Cuối cùng, nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công có nhiều yếu tố thuận lợi để tăng trưởng trong năm nay, đặc biệt từ quý II đến quý IV khi tiến độ giải ngân vốn được đẩy nhanh sau giai đoạn đầu năm khá ì ạch. Yếu tố lãi suất đóng vai trò then chốt vì các doanh nghiệp nhóm này chủ yếu vay để triển khai dự án, nên với mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp, đây là lợi thế lớn giúp nhóm đầu tư công tiết giảm chi phí tài chính đáng kể. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu đầu vào cũng đang ở vùng thấp, góp phần cải thiện mạnh biên lợi nhuận trong năm 2025.
Nhìn rộng hơn cho cả giai đoạn nửa cuối năm 2025, Công ty Chứng khoán Vietcap khuyến nghị tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng (bao gồm MBB, TCB, STB) và tiêu dùng (FRT). Ngoài ra, FPT trong lĩnh vực công nghệ thông tin không chịu tác động trực tiếp từ thuế quan.
Chính sách tài khóa mở rộng và mặt bằng lãi suất thấp dự kiến sẽ hỗ trợ tích cực cho nhóm hạ tầng và bất động sản. Vietcap đánh giá cao mã HPG, KDH và NLG.
Nếu Việt Nam đạt được thỏa thuận thuế quan thuận lợi hơn, Vietcap khuyến nghị có thể mở rộng sang các cổ phiếu đầu ngành đã bị điều chỉnh mạnh trong nhóm ngân hàng (CTG, VCB, VPB), tiêu dùng (MWG, PNJ, MSN), khu công nghiệp (IDC, KBC), sản xuất công nghiệp (DGC, TLG), vận tải (ACV, AST), dầu khí (PVS, PVD), điện và nước (HDG, QTP), vật liệu (BMP).