
Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT
Bên cạnh giá cổ phiếu đã chiết khấu, BSC duy trì triển vọng khả quan đối với triển vọng kết quả kinh doanh 2025F của FPT khi mà (1) thị trường Nhật Bản và EU vẫn đảm bảo tăng trưởng đột phá, (2) khối Viễn Thông (chủ yếu hoạt động tại thị trường nội địa) đóng góp ổn định, giúp phân tán rủi ro trong bối cảnh biến động toàn cầu. Do đó, BSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu bằng 136.500 đồng/CP.
Mặc dù hầu hết các phiên vẫn trong xu hướng biến động trong biên độ, nhưng cổ phiếu FPT đã có phiên cuối tuần ngày 4/7 bùng nổ với mức giá tăng vọt và thanh khoản lên tới hơn 12,8 triệu đơn vị khớp lệnh, cùng khối ngoại mua ròng tới hơn 452 tỷ đồng, trở thành điểm tựa chính cho thị trường khi đóng góp 1,6 điểm, giúp VN-Index khép lại phiên cuối tuần trong sắc xanh. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu FPT tăng 5.200 đồng (+4,43%) từ mức 117.300 đồng/CP lên 122.500 đồng/CP.
* DSC khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu VTP
Sử dụng phương pháp định giá DCF và P/E tỷ lệ 70:30, chúng tôi đưa ra giá mục tiêu năm 2025 là 122.600 đồng/CP. Chúng tôi cho rằng, VTP xứng đáng được định giá lại ở mức cao hơn nhờ mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như có những dự án mới đem lại doanh thu bền vững. Tuy nhiên, sau nhịp tăng giá gần đây, cổ phiếu đã tiệm cận giá trị hợp lý, do đó các nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội phù hợp để tích lũy.
Cũng như mã lớn FPT, cổ phiếu chuyển phát nhanh VTP có phiên cuối tuần ngày 4/7 khởi sắc, đã giúp mã này ghi nhận thêm tuần hồi phục. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất ngày 1/7, tổng cộng giá cổ phiếu VTP tăng 3.200 đồng (+2,72%) từ mức 117.800 đồng/CP lên 121.000 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CII
CII là một trong những doanh nghiệp có khả năng tận dụng tốt cơ chế mới của Luật – cho phép làm dự án BOT thu phí trên cơ sở cải tạo/ nâng cấp tuyến đường hiện hữu. Trong đó, dự án mở rộng CT HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến khởi công ngay từ năm 2026. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CII với giá mục tiêu 17.580 đồng/CP.
Thông tin đáng chú ý tại CII là đầu tháng 8 tới đây, Công ty sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành thêm cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 100:14. Về diễn biến giá, cổ phiếu CII tiếp tục có thêm tuần hồi phục nhẹ. Cụ thể, với 2 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu CII tăng nhẹ 250 đồng (+1,69%) từ mức 14.800 đồng/CP lên 15.050 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DPG
Các nhà máy thủy điện kỳ vọng sản lượng và KQKD tốt trong năm 2025 nhờ xu hướng thời tiết thiên về La Nina. Dòng tiền dồi dào từ các nhà máy điện là nguồn lực quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì tiến độ đầu tư các dự án BĐS và nhà máy kính siêu trắng mà không chịu quá nhiều áp lực nợ vay. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DPG với giá mục tiêu 51.212 đồng/CP.
Cổ phiếu DPG vẫn tiếp diễn trạng thái rung lắc nhưng đã hồi phục sau 2 tuần điều chỉnh từ vùng đỉnh lịch sử. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 1 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu DPG tăng nhẹ 1.050 đồng (+2,43%) từ mức 43.150 đồng/CP lên 44.200 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NHA
Tại Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (HOSE: NHA), Ghi nhận những tín hiệu tích cực về nhận quỹ đất đối ứng BT ngã ba Hòa Mạc – DH05 khi khu nhà ở Chợ Lương (một trong 2 quỹ đất đối ứng BT) đã nhận quyết định giao đất và kỳ vọng có thể bắt đầu kinh doanh từ đầu năm 2026. Chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NHA với giá mục tiêu 27.141 đồng/CP.
Mặc dù phiên cuối tuần ngày 4/7, hơn 4,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức được niêm yết bổ sung, nhưng cổ phiếu NHA vẫn diễn biến khởi sắc cùng thị trường chung và đã hồi phục sau tuần điều chỉnh trước đó. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 1 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu NHA tăng 800 đồng (+3,98%) từ mức 20.100 đồng/CP lên 20.900 đồng/CP.
* TPS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HDB
NĐT có thể thiết lập chiến lược giải ngân thăm dò với cổ phiếu HDB tại vùng giá quanh 22.100 – 22.250 đồng/CP và bổ sung vị thế nếu giá vượt hẳn 22.350 đồng/CP. Đồng thời thiết lập mức cutloss chặt chẽ nếu giá <21,600 (khi mô hình bị vô hiệu có thể dẫn đến trạng thái tích lũy kéo dài).>dưới 21.600 đồng/CP (khi mô hình bị vô hiệu có thể dẫn đến trạng thái tích lũy kéo dài).
Nhóm cổ phiếu vua đã trở lại là điểm tựa tiếp sức giúp thị trường tiếp tục chinh phục đỉnh mới của năm, trong đó, cổ phiếu HDB không nằm ngoài xu hướng chung của ngành. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu HDB tăng 750 đồng (+3,44%) từ mức 21.800 đồng/CP lên 22.550 đồng/CP.
* AGR và VPBankS đều khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VCG
Theo AGR, VCG hưởng lợi từ làn sóng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thị trường bất động sản dân dụng phục hồi và mảng đầu tư tài chính kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận khả quan. Do đó, chúng tôi đưa VCG vào danh mục khuyến nghị của tháng 7/2025, với giá mục tiêu là 25.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, VPBankS khuyến nghị mua cho cổ phiếu VCG với giá mục tiêu 27.300 đồng/CP dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP). VCG hiện tại đang giao dịch ở mức P/E là 22.4, cao hơn 7,1% so với trung bình 5 năm là 20,9, nhưng vẫn thấp hơn mức P/E 2025 của chúng tôi là 27,5 cho thấy mức giá hiện tại chưa phản ánh đầy đủ triển vọng tăng trưởng EPS của cổ phiếu.
Mặc dù có chút chỉnh nhẹ vào cuối tuần ngày 4/7 sau khi phá đỉnh của năm trong phiên trước đó, nhưng VCG nói riêng và nhiều mã bất động sản vừa và nhỏ nói chung cũng ghi nhận tuần giao dịch khá thành công cùng thị trường. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu VCG tăng 850 đồng (+3,86%) từ mức 22.000 đồng/CP lên 22850 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VEA
Tích cực tiết giảm chi phí, xây dựng lộ trình tái cơ cấu các công ty con, công ty liên kết; VEA tiếp tục nâng cao công tác quản trị và đang tìm đơn vị tư vấn chiến lược cho kế hoạch 2030 – 2045. Hưởng ứng nghị quyết 57 (đột phá phát triển khoa học, đổi mới công nghệ quốc gia), công ty đã liên kết với các viện nghiên cứu, đại học Bách Khoa Hà Nội và TP.HCM để khai thác tiềm năng cơ sở nghiên cứu, giải phóng nguồn lực lao động; Nghiên cứu tham gia ngành công nghiệp đường sắt và sau đó sẽ là các dự án năng lượng tái tạo. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VEA với giá mục tiêu 41.500 đồng/CP.
Mặc dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng cổ phiếu VEA đã có tuần tịnh tiến nhẹ. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng nhẹ và 1 phiên giảm vào cuối tuần ngày 4/7, tổng cộng giá cổ phiếu VEA tăng nhẹ 700 đồng (+1,78%) từ mức 39.300 đồng/CP lên 40.000 đồng/CP.
* DNSE khuyến nghị giá mục tiêu cổ phiếu MSN là 81.200 VND/cổ phiếu
Chúng tôi giả định lợi nhuận 2025 của MSN tăng trưởng trên 26% so với cùng kỳ. Với mức P/B dự phóng là 2.9 lần, giá mục tiêu là 81,200 VND/cổ phiếu.
Không được như kỳ vọng của công ty chứng khoán, sau tuần giao dịch bùng nổ trước đó giúp MSN leo lên đỉnh mới của năm 2025, cổ phiếu này đã chuyển qua trạng thái rung lắc và điều chỉnh giảm trong những phiên giao dịch đầu tháng 7. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng, 2 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu MSN giảm 2.200 đồng (-2,86%) từ mức 76.800 đồng/CP xuống 74.600 đồng/CP.
* TPS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu KBC
Dựa trên tổng hợp các tín hiệu kỹ thuật, cổ phiếu KBC đang cho thấy triển vọng tăng giá trong ngắn hạn. Để kịch bản tăng giá diễn ra đúng kỳ vọng, điều kiện cần thiết là cổ phiếu duy trì được trạng thái ổn định trong 1–3 phiên sau phiên breakout, cụ thể là không xuất hiện lực bán mạnh khiến giá đóng cửa dưới ngưỡng 25.500 đồng/CP.
Chiến lược giao dịch: NĐT có thể thiết lập chiến lược giải ngân từng phần với cổ phiếu KBC tại vùng giá (1) 26.300 – 27.200 đồng/CP và (2) 25.750 – 26.000 đồng/CP. Đồng thời thiết lập mức cutloss khi giá giảm về dưới 25.500 đồng/CP với khối lượng lớn.
Mặc dù chịu áp lực bán khiến cổ phiếu rung lắc với những phiên tăng giảm xen kẽ, nhưng KBC vẫn giữ được xu hướng tăng nhẹ trong tuần qua. Cụ thể, với 2 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu KBC tăng nhẹ 350 đồng (+1,32%) từ mức 26.450 đồng/CP lên 26.800 đồng/CP.
* KBSV khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu GAS
Trong ngắn hạn, mức tăng thị giá đã phản ánh đầy đủ các thông tin tích cực của doanh nghiệp, trong khi rủi ro cần được đánh giá và cân nhắc trước khi đầu tư. Kết hợp 2 phương pháp FCFF và EV/EBITDA để định giá cổ phiếu GAS, chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập với mức giá mục tiêu 68.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức thay đổi 0.1% so với giá đóng cửa ngày 27/06/2025.
Sau tuần nổi sóng lớn trước đó vào giữa tháng 6, đây là tuần thứ 2 liên tiếp nhóm cổ phiếu dầu khí nói chung và GAS nói riêng quay đầu giảm. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu GAS giảm 1.600 đồng (-2,35%) từ mức 68.000 đồng/CP xuống 66.400 đồng/CP.