
Sau 4 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã quay đầu điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 3/7). Điểm đáng chú ý là thanh khoản bùng nổ, cùng với việc VN-Index đảo chiều giảm sau khi test mức đỉnh, là một tín hiệu cảnh báo xu hướng tăng điểm trước đó đang chững lại.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì ở khu vực đường biên trên dải Bollinger band. Đồng thời, chỉ báo RSI đã vào vùng quá bán, do đó, khả năng cao thị trường sẽ có những nhịp rung lắc trong những phiên giao dịch tới nhằm kiểm tra lại ngưỡng kháng cự quanh 1.380 điểm.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 4/7, VN-Index nhanh chóng hồi phục sắc xanh ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, việc thiếu điểm tựa mạnh đã khiến chỉ số chung không thể tiến xa và đã quay đầu điều chỉnh.
Sau khoảng 80 phút giao dịch, dù sắc xanh đang chiếm ưu thế, nhưng gánh nặng từ các mã lớn, điển hình là cặp VIC – VHM, đã khiến VN-Index rung lắc nhẹ.
Trong khi nhóm bluechip khá đuối sức, thì điểm sáng thị trường lại thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp nhiều mã trong top này khởi sắc. Cụ thể, bên cạnh các mã TTF và DLG khoe sắc tím với khối lượng dư mua trần chất đống tới vài triệu đơn vị, các mã khác như LDG có thời điểm khoác áo tím và hiện đang tăng 6,3%, các mã DIG, HHS, VIX, PDR, TCH, DPG… đều tăng hơn 3%.
Về thanh khoản, VIX vẫn sôi động nhất thị trường với khoảng 24 triệu đơn vị khớp lệnh, các mã DIG, LDG và PDR đang khớp 10-15 triệu đơn vị. Đứng ở vị trí tiếp theo là các mã vừa và nhỏ khác như HHS, NVL, DXG khớp hơn 6 triệu đơn vị.
Sau thời gian giằng co nhẹ, thị trường đã hồi phục sắc xanh với sự đóng góp tích cực của cổ phiếu lớn FPT.
Chốt phiên, sàn HOSE có 198 mã tăng và 87 mã giảm, VN-Index tăng 1,64 điểm (+0,12%), lên 1.383,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 685,5 triệu đơn vị, giá trị 15.872,4 tỷ đồng, giảm 36,4% về lượng và 35,6% về giá trị so với phiên sáng hôm qua.
Như đã nói ở trên, cổ phiếu FPT tăng tốc, chốt phiên sáng tăng 4,4% lên mức 123.200 đồng/CP, với thanh khoản đạt 9,27 triệu đơn vị và khối ngoại đã mua ròng tới gần 3 triệu đơn vị.
Nhóm VN30 chốt phiên tăng gần 4 điểm với 15 mã tăng và 9 mã giảm. Trong đó, FPT đóng góp lớn nhất, gần 2 điểm cho chỉ số chung; ngược lại, VIC vẫn là mã giảm mạnh nhất của nhóm này khi chốt phiên sáng đứng tại mức giá 92.100 đồng/CP, giảm 2,5%, đã lấy đi hơn 2,1 điểm của chỉ số chung.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, top 5 mã có thanh khoản lớn nhất thị trường, gồm VIX tăng 2,1% và khớp 36,5 triệu đơn vị, DIG tăng 4,2% và khớp 21,1 triệu đơn vị, PDR tăng 3,4% và khớp 16,6 triệu đơn vị, NVL tăng 2% và khớp 14,4 triệu đơn vị, LDG tăng 6,1% và khớp 13,9 triệu đơn vị.
Cặp đôi TCH-HHS cũng dậy sóng, thậm chí TCH có thời điểm tăng kịch trần. Chốt phiên, TCH tăng 5,6% và khớp 11,4 triệu đơn vị, còn HHS tăng 3,95 và khớp 10,5 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm viễn thông dẫn đầu thị trường với sự dẫn dắt của mã đầu ngành là FPT, ngoài ra CMG và ELC đều tăng hơn 2%. Các nhóm trụ cột ngân hàng, thép và chứng khoán đều tăng nhẹ.
Ở chiều ngược lại, dù nhiều mã vừa và nhỏ tăng mạnh, nhưng nhóm bất động sản vẫn giảm bởi gánh nặng của cặp đôi lớn VIC – VHM.
Trên sàn HNX, thị trường khởi sắc hơn về cuối phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 75 mã tăng và 44 mã giảm, HNX-Index tăng 1,48 điểm (+0,64%), lên 232,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 46,7 triệu đơn vị, giá trị 772 tỷ đồng.
Cổ phiếu CEO và SHS có thanh khoản vượt trội trên thị trường. Trong đó, CEO chốt phiên tăng 3,4% và khớp hơn 15,6 triệu đơn vị; còn SHS tăng 1,5% và khớp hơn 7,1 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FID chốt phiên tăng kịch trần với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 4, đạt gần 1,8 triệu đơn vị.
Một vài điểm sáng vừa và nhỏ khác như HUT tăng 4% và khớp hơn 1,5 triệu đơn vị, VC2 tăng 3,9% và khớp hơn 1 triệu đơn vị, NRC tăng 4,3%, LIG tăng 3%, IDJ tăng 2%...
Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều hồi phục cuối phiên.
Chốt phiên, thị trường có 121 mã tăng và 108 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (+0,58%), lên 101,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,7 triệu đơn vị, giá trị 214 tỷ đồng.
Cặp đôi nhỏ, PVX và QBS đều chốt phiên tăng kịch trần, với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 4,8 triệu đơn vị và 2,33 triệu đơn vị.