Cổ đông ngân hàng… vui vẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt của các nhà băng năm nay “ngọt ngào” hơn các năm trước.
Cơ hội để VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.530 điểm sẽ phải do nhóm cổ phiếu ngân hàng tạo nên Cơ hội để VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.530 điểm sẽ phải do nhóm cổ phiếu ngân hàng tạo nên

Với thị giá đa phần các ngân hàng niêm yết đang ở mức dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư mua vào trong nửa đầu năm nay các cổ phiếu ngân hàng đều đang có cơ hội hưởng lợi kép gồm cổ tức và cơ hội tăng giá.

Cổ tức dù bằng tiền mặt hay cổ phiếu của các nhà băng năm nay phổ biến từ 10-20%, trên nền thị giá thấp được đánh giá là có tỷ suất cao hơn lãi suất tiết kiệm (khoảng 5%/năm), còn về cơ hội tăng giá thì khá rõ nét với dòng tiền đang trở lại và chỉ số VN-Index đã ở đỉnh cao nhất 3 năm. Cơ hội để VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.530 điểm sẽ phải do nhóm cổ phiếu ngân hàng tạo nên.

Nguồn cung “cổ phiếu vua” tăng mạnh

Vào ngày 30/6/2025 vừa qua, Vietbank (mã chứng khoán VBB) đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền để phát hành hơn 107 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 15% trên tổng số cố phiếu đang lưu hành cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận giữ lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tính đến 31/12/2024). Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, số cổ phần phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng. Nếu phát hành thành công, mức vốn điều lệ dự kiến của Vietbank sẽ tăng thêm gần 1.070 tỷ đồng, lên 8.210 tỷ đồng. Đây là 1 trong 2 đợt tăng vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2025 thông qua.

Trong đợt 2, Vietbank dự kiến phát hành thêm gần 271 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (bao gồm cổ đông góp vốn mới), tương đương tỷ lệ 33% so với vốn điều lệ đã tăng sau đợt 1. Giá phát hành là 10.000/cổ phiếu, thời gian thực hiện trong quý III-IV/2025. Số cổ phần phát hành trong đợt này cũng không bị hạn chế chuyển nhượng và mức vốn điều lệ dự kiến tăng thêm tối đa là 2.709 tỷ đồng. Nếu hoàn thành cả 2 đợt phát hành, vốn điều lệ Vietbank sẽ tăng từ 7.139 tỷ đồng lên gần 10.920 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/6/2025, thị giá cổ phiếu VBB ở mức 10.100 đồng/cổ phiếu, tăng gần 21% so với thời điểm đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa cho phép Viet A Bank (mã chứng khoán VAB) tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 2.764 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ của ngân hàng này dự kiến sẽ tăng lên mức 8.164 tỷ đồng.

Trước đó, ACB (mã chứng khoán ACB) được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 6.700 tỷ đồng qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo phương án đã được ĐHCĐ thông qua. Cụ thể, ACB sẽ phát hành thêm tối đa gần 670 triệu cổ phần mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 15 cổ phiếu mới). Sau phát hành, vốn điều lệ ACB sẽ tăng từ 44.667 tỷ đồng lên tối đa 51.367 tỷ đồng. Thời thực hiện dự kiến trong quý III/2025.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho phép VIB (mã chứng khoán VIB) tăng vốn thêm gần 4.300 tỷ đồng. Phương án phát hành cổ phần để tăng vốn đã được ĐHCĐ và Hội đồng quản trị VIB thông qua trước đó. Theo kế hoạch, VIB sẽ phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 14%, đưa vốn điều lệ tăng thêm gần 4.171 tỷ đồng. Cùng với đó, VIB còn phát hành 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động, tương ứng tỷ lệ 0,26%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 78 tỷ đồng. Tổng cộng, sau khi hoàn thành 2 cấu phần này, vốn điều lệ VIB sẽ tăng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn là 14,26%.

Vào đầu tháng 3/2025, BIDV (mã chứng khoán BID) công bố chào bán thành công 123,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức giá 38.800 đồng/cổ phiếu. Sau thay đổi này, tổng vốn điều lệ của BIDV đã tăng từ 68.975 tỷ đồng lên hơn 70.213 tỷ đồng. Đồng thời, tại ĐHCĐ thường niên 2025 vừa qua, cổ đông BIDV đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 70.213 tỷ đồng lên hơn 91.869 tỷ đồng, tăng 30,8% so với thời điểm cuối quý I/2025.

Dự kiến từ nay đến năm 2026, Vietcombank (mã chứng khoán VCB) sẽ chào bán tối đa 6,5% số cổ phiếu đang lưu hành, tương đương tối đa 543,1 triệu cổ phiếu cho không quá 55 nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) khoảng 5.431 tỷ đồng. Khi hoàn thành việc chào bán, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng từ 83.557 tỷ đồng lên gần 88.988 tỷ đồng, cao nhất hệ thống. Vietcombank cho biết, đã nhận được phản hồi tích cực từ nhà các đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chuyên nghiệp sau khi thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, việc tăng vốn của các ngân hàng xuất phát từ nhu cầu gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn, cải thiện hệ số an toàn vốn. Dự báo, năm 2025 sẽ tiếp tục là năm đầy thách thức cho ngành ngân hàng khi nợ xấu có xu hướng tăng nhanh. Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ đóng vai trò quan trọng, đem lại nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng để đối phó với biến động thị trường.

Cơ hội cho nhà đầu tư?

Thực tế, việc ngân hàng tăng mạnh vốn điều lệ là rất cần thiết, khi Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo quy định hiện hành (Điều 138 - Luật Các tổ chức tín dụng 2024), tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) là 8% hoặc cao hơn theo quy định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ. Dự thảo được xây dựng theo hướng CAR tăng lên mức 10,5% (bắt đầu nâng dần từ năm 2030 và đạt mức 10,5% vào năm 2033), trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu là 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%, tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%. Trường hợp ngân hàng không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% sẽ không được chia cổ tức tiền mặt. Như vậy, ngoài đảm bảo quy định về CAR, tăng vốn điều lệ là yếu tố tiên quyết giúp ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng trưởng tín dụng.

Trên thị trường chứng khoán, nguồn cung cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong nửa cuối năm thông qua các đợt phát hành tăng vốn cũng phần nào gây áp lực lên sức cầu, song các nhận định đưa ra, giá “cổ phiếu vua” đang giao dịch dưới giá trị sổ sách, nên còn triển vọng tăng thời gian tới.

Số liệu khảo sát 27 ngân hàng niêm yết của WiChart cho thấy, hệ số giá/giá trị sổ sách (P/B) của nhóm ngân hàng này đạt 1,51 lần vào cuối quý I/2025, tăng 1% so với thời điểm cuối năm 2024. Trong danh sách này, ABBank (mã chứng khoán ABB) là ngân hàng có P/B thấp nhất, ở mức 0,58 lần tại ngày 31/3/2025; 2 vị trí tiếp theo là Viet A Bank ở mức 0,63 lần và Kienlongbank (mã chứng khoán KLB) ở mức 0,7 lần. Các ngân hàng Vietbank, MSB, OCB, SHB, TPBank, Bac A Bank và VPBank cũng nằm trong nhóm định giá thấp, trong đó cổ phiếu TPB của TPBank tiếp tục rẻ đi thêm 18% so với đầu năm.

Bà Bùi Thị Thao Ly - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu - Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) cho hay, với cú sốc thuế đối ứng của Mỹ vào đầu tháng 4/2024, chỉ số VN-Index đã rơi tự do hơn 20% chỉ trong vài phiên, trước khi phục hồi ấn tượng trở lại. Trong phiên ngày 24/6/2026, VN-Index đã lập đỉnh mới trong vòng 3 năm trở lại đây. Dù vậy, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm trong trạng thái chờ đợi kết quả đàm phán.

Theo nhận định của bà Ly, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E thấp hơn -1 độ lệch chuẩn so với trung bình P/E 10 năm của chỉ số này, mở ra cơ hội tăng tiếp trước những “cú huých” từ các sự kiện như kết quả đàm phán tích cực, Việt Nam được nâng hạng thị trường mới nổi vào tháng 9/2025...

Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cũng có dấu hiệu chậm lại trong quý I/2025 với mức tăng gần 12%, nhưng tiếp tục được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng với mức tăng hơn 15%. Các dự báo đưa ra, khả năng tín dụng năm nay đạt mục tiêu 16% và lợi nhuận của ngành ngân hàng cũng có mức tăng từ 15-20%. Đồng thời, theo bà Ly, thị giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đang thấp hơn giá trị sổ sách, trong đó có nhiều mã cổ phiếu của những ngân hàng quy mô, có tiềm năng tăng trưởng tốt.

“Với quan điểm thận trọng, chúng tôi kỳ vọng vùng định giá hợp lý cho VN-Index là quanh 1.380 điểm, tương ứng với P/E 12x và tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết ở mức 14% trong kịch bản cơ sở. VN-Index được dự báo giao dịch quanh vùng 1.200-1.300 điểm (P/E 11x và tăng trưởng EPS từ 12-14%) trong kịch bản tiêu cực và hướng tới vùng 1.400-1.500 điểm trong kịch bản tích cực (P/E 13x và tăng trưởng EPS từ 14-18%) khi được dẫn dắt bởi những cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có đóng góp lớn”, bà Ly nói.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục