Quan hệ nhà đầu tư: Qua rồi thời “thụ động” tuân thủ

(ĐTCK) Nỗ lực duy trì hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) là cách để doanh nghiệp xây dựng hình ảnh minh bạch trước công chúng. Doanh nghiệp càng làm tốt công tác IR sẽ càng gia tăng khả năng giữ chân các cổ đông và thuận lợi khi huy động thêm dòng vốn mới để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Những doanh nghiệp lớn đã quan tâm đến việc tổ chức thường xuyên các buổi gặp gỡ nhà đầu tư Những doanh nghiệp lớn đã quan tâm đến việc tổ chức thường xuyên các buổi gặp gỡ nhà đầu tư

Trước đây, nhiều doanh nghiệp không xem trọng công tác IR, chỉ đơn thuần thực hiện các quy định pháp luật về công bố thông tin, mà thiếu sự tương tác đa chiều với nhà đầu tư, chuyên viên phân tích, báo chí.

Phần lớn doanh nghiệp không tổ chức bộ phận IR riêng; nhân viên phụ trách IR không có nền tảng kiến thức về thị trường tài chính; mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư còn khá lỏng lẻo.

Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển chung của thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cũng có những đòi hỏi việc công bố thông tin của doanh nghiệp phải minh bạch hơn và kịp thời hơn.

Để đáp ứng đòi hỏi đó từ nhà cổ đông, nhà đầu tư, bên cạnh việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin bắt buộc, đã có nhiều doanh nghiệp hướng tới IR chuyên nghiệp, thông qua việc chủ động công bố thông tin, tổ chức các buổi gặp gỡ nhà đầu tư, các chuyên viên phân tích và giới truyền thông…

Bộ phận IR tại một số doanh nghiệp đã được trang bị đầy đủ các kỹ năng để phản ứng linh hoạt, xử lý kịp thời các cuộc khủng hoảng truyền thông của doanh nghiệp, từ đó, giúp việc định giá cổ phiếu công ty đầy đủ, chính xác hơn.

Chẳng hạn, tại CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), khi xuất hiện những tin đồn thất thiệt khiến giá cổ phiếu giảm sàn, Ban lãnh đạo đã nhanh chóng công bố thông tin, làm rõ và khẳng định hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra bình thường và sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã cam kết với cổ đông. Chỉ vài phiên giao dịch sau đó, đà giảm cổ phiếu KSB đã dừng lại và đúng như lời cam kết, KSB đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra…

Bên cạnh những phản ứng nhanh, ở một số doanh nghiệp còn sáng tạo, tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả trong phương thức truyền tải thông tin như tổ chức livestream.

Bộ phận IR tại một số doanh nghiệp đã được trang bị đầy đủ các kỹ năng để phản ứng linh hoạt, xử lý kịp thời các cuộc khủng hoảng truyền thông của doanh nghiệp, từ đó, giúp việc định giá cổ phiếu công ty đầy đủ, chính xác hơn   

Mới đây, CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy đã tổ chức buổi giao lưu gặp gỡ nhà đầu tư. Sự kiện này có hơn 200 nhà đầu tư tham gia trực tiếp và livestream qua một kênh truyền hình, website của công ty và facebook.

Hay CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã chú trọng đến việc khai thác mạng xã hội facebook trong quan hệ với nhà đầu tư.

Mọi thông tin mới nhất về hoạt động kinh doanh, đầu tư, giao dịch cổ đông nội bộ đều được CII cập nhật nhanh chóng trên trang fanpage của Công ty. Đồng thời, CII nhận phản hồi, tương tác tích cực đối với các nhà đầu tư qua trang này…

Tuy nhiên, cách làm thường thấy nhất của nhiều doanh nghiệp vẫn là sử dụng website công ty để truyền tải thông tin. Bên cạnh việc công bố thông tin theo quy định, các doanh nghiệp còn đăng bản tin nhà đầu tư hàng tháng với nội dung rõ ràng, chi tiết về hoạt động của doanh nghiệp như Sợi Thế Kỷ, Vinatex; Dược phẩm Imexpharm; hoặc thực hiện báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững.

Nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường đều đạt giải thưởng cao về sự minh bạch và trong hoạt động IR như BVH, VNM, DHG, FPT, HSG, HPG, DPM, AAA…

Những cải thiện tích cực trong hoạt động IR tại các doanh nghiệp Việt là điều đáng ghi nhận, tuy vậy, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này vẫn còn khiêm tốn trong tổng số hơn 700 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và càng khiêm tốn hơn nếu tính cả các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Trên thị trường, vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin; không công khai minh bạch thông tin với cổ đông; hoặc chỉ tổ chức gặp gỡ định kỳ với các nhà đầu tư tổ chức, chuyên viên phân tích với mục đích… cấp margin, chứ không truyền tải đến được các cổ đông, nhà đầu tư. Phổ biến nhất là các doanh nghiệp không thông tin định kỳ mà chỉ khi cần huy động vốn; IPO, niêm yết mới… thì mới bắt tay làm IR.

Một vấn đề khá nổi cộm ở hoạt động IR chính là chỉ công bố thông tin tích cực, “giấu nhẹm” thông tin tiêu cực. Theo các chuyên gia, đây là điều không nên.

Thay vào đó, doanh nghiệp nên chủ động chia sẻ những rủi ro, thách thức mà doanh nghiệp sắp đương đầu, khiến lợi nhuận có thể sụt giảm và đưa ra những giải pháp sẽ thực hiện để giảm thiểu tác động tiêu cực đó. Có như vậy, cổ đông mới có cái nhìn đầy đủ và tin tưởng hơn ở doanh nghiệp.                          

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục